Thời sự Quốc tế

Lầu Năm Góc điều tra vụ rò rỉ tài liệu nghi của NATO về chiến sự Ukraine

Một bộ tài liệu mật nghi là kế hoạch của Mỹ và NATO để hỗ trợ Ukraine trong chiến sự với Nga vừa bị rò rỉ và lan truyền trên mạng.

Lầu Năm Góc điều tra thủ phạm rò rỉ tài liệu mật

Ngày 6/4, hãng tin New York Times dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ cho biết, trên mạng xã hội Twitter và Telegram - nền tảng có hơn nửa tỷ người dùng và rất phổ biến tại Nga, đang xuất hiện tràn lan một số tài liệu được ghi là mật, với nội dung là kế hoạch của Mỹ và NATO để tăng cường năng lực của quân đội Ukraine cho đợt phản công sắp tới.

Phó thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh chưa xác nhận số tài liệu này là thật, chỉ cho biết: “Chúng tôi đã nắm được báo cáo về các bài đăng trên mạng xã hội và Lầu Năm Góc đang điều tra vấn đề này”.

Theo hãng tin New York Times, Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tìm cách gỡ bỏ nội dung về các tài liệu mật khỏi các nền tảng mạng xã hội nhưng tới tối 6/4, vẫn chưa thành công. Hiện cũng chưa rõ những tài liệu này được chia sẻ lên mạng xã hội bằng cách nào.

img

Ảnh minh họa: New York Times

Các tài liệu không cung cấp kế hoạch cụ thể như thời điểm, địa điểm hay cách thức Ukraine dự định thực hiện chiến dịch phản công nhằm vào các lực lượng Nga mà nhiều quan chức đánh giá có khả năng sẽ diễn ra vào tháng tới.

Ngoài ra, do số tài liệu mới được soạn thảo 5 tuần trước nên chỉ tiết lộ quan điểm của Mỹ và Ukraine trong giai đoạn ngắn từ ngày 1/3/2023 về những gì Kiev cần cho chiến dịch trên.

Các nhà phân tích quân sự cũng cho rằng một số phần trong tài liệu rò rỉ dường như đã được chỉnh sửa so với bản gốc, chẳng hạn như con số thương vong bên phía Ukraine bị phóng đại lên trong khi quy mô thương vong bên phía Nga lại giảm đi so với con số ước tính của Mỹ.

Cung cấp thông tin giá trị cho Nga

Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cho rằng, tài liệu gốc chứa hình ảnh biểu đồ vũ khí được bàn giao cho Kiev, sức mạnh của các tiểu đoàn Ukraine cùng một số kế hoạch khác.

Do đó, dưới con mắt lão luyện của một nhà hoạch định kế hoạch quân sự của Nga, một tướng lĩnh trên chiến trường hay nhà phân tích tình báo, các tài liệu này (nếu là thật) có thể sẽ cung cấp nhiều manh mối giá trị, theo New York Times.

Chẳng hạn như, có một tài liệu đề cập tới tỷ lệ sử dụng hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS mà Mỹ cung cấp cho Ukraine. Đây là thông tin mới bởi trước đó, Lầu Năm Góc chưa từng công bố thông tin về tốc độ các lực lượng Ukraine sử dụng tên lửa HIMARS.

Bên cạnh đó, nhiều phần trong số các tài liệu có thông tin giống với bản gốc. Do đó, có thể cung cấp cho Nga thông tin giá trị về lịch trình chuyển giao vũ khí, di chuyển lực lượng, số lượng binh sĩ Ukraine tại các điểm đóng quân cùng nhiều thông tin quân sự chi tiết khác.

Điển hình là tài liệu về “Tình trạng cuộc xung đột kể từ ngày 1/3” được xếp hạng “tuyệt mật”.

Vào ngày đó, một số quan chức Ukraine có mặt tại căn cứ quân sự Mỹ ở Weisbaden, Đức để tham dự cuộc họp về cuộc xung đột tại Ukraine. Một ngày sau, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ - Tướng Mark A. Milley và Tướng Christopher Cavoli - Tư lệnh tối cao các lực lượng NATO tại châu Âu, cũng tham dự cuộc họp.

Hay như một tài liệu khác liệt kê những đơn vị binh sĩ Ukraine, trang thiết bị, hoạt động huấn luyện được lên kế hoạch trong khoảng thời gian từ tháng 1 - 4. Tài liệu gồm bảng tóm tắt khái quát việc thành lập 12 lữ đoàn tác chiến của Ukraine, trong đó 9 lữ đoàn dường như do Mỹ và các đồng minh NATO khác huấn luyện, cung cấp trang thiết bị.

Trong số 9 lữ đoàn trên, theo nội dung tài liệu, 6 lữ đoàn sẽ sẵn sàng tác chiến trước ngày 31/3, số còn lại có thể chiến đấu từ ngày 30/4. Mỗi lữ đoàn Ukraine thường gồm 4.000-5.000 binh sĩ.

Theo tài liệu, tổng lượng trang thiết bị cần thiết cho hoạt động của 9 lữ đoàn bao gồm 250 xe tăng, hơn 350 xe cơ giới khác. Trong tài liệu, các quan chức Mỹ và NATO nhấn mạnh thời gian chuyển giao trang thiết bị sẽ ảnh hưởng đến công tác huấn luyện để đảm bảo các lữ đoàn Ukraine đủ năng lực sẵn sàng theo đúng mốc thời gian trên.

Khả năng ảnh hưởng tới việc chia sẻ thông tin tình báo giữa Mỹ - Ukraine

Các nhà phân tích cho rằng, rất khó đánh giá ảnh hưởng của việc rò rỉ tài liệu mật với diễn biến trên chiến trường tại Ukraine vào thời điểm hiện tại và trong những tháng tới.

Theo hãng tin New York Times, vụ rò rỉ là đột phá tình báo đầu tiên của Nga được công bố kể từ khi chiến sự nổ ra tại Ukraine. Trong hơn một năm qua kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, Washington đã cung cấp cho Kiev thông tin tình báo theo thời gian thực để giúp Ukraine nhắm vào các lực lượng Nga.

Dù vậy, giới chức Mỹ luôn khẳng định, Ukraine đóng vai trò quyết định trong việc lên kế hoạch và thực hiện các cuộc tấn công trên.

Theo một số quan chức Mỹ và châu Âu, vào giai đoạn đầu chiến sự, giới chức Ukraine vốn đã khá do dự về việc chia sẻ kế hoạch tác chiến với Mỹ do lo ngại khả năng rò rỉ thông tin.

Tới mùa thu năm ngoái, việc chia sẻ thông tin tình báo giữa Ukraine và Mỹ mới trở nên cởi mở hơn và 2 quốc gia đang hợp tác chặt chẽ về một số phương án cho cuộc phản công sắp tới của Ukraine.

Tuy nhiên, New York Times cho rằng, vụ rò rỉ thông tin mới đây sẽ tác động tiêu cực tới việc chia sẻ thông tin tình báo giữa Washington và Kiev.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.