Y tế

Lưu ý giờ "vàng" trong cấp cứu chấn thương sọ não do TNGT

26/12/2022, 10:23

Với chấn thương sọ não, khoảng thời gian 4 giờ từ khi bị chấn thương đến khi phẫu thuật là "thời gian vàng" để cứu sống bệnh nhân.

Lưu ý "giờ vàng" của nạn nhân chấn thương sọ não

Theo các chuyên gia y tế, chấn thương sọ não là một trong những nguyên nhân gây tử vong trên thế giới cũng như để lại nhiều di chứng và hậu quả không lường cho mọi gia đình.

Chấn thương sọ não do nhiều nguyên nhân như tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt, đánh nhau...., có tỷ lệ tử vong cao và để lại nhiều di chứng nặng nề cho người bệnh, gây ra hậu quả không lường hết được cho gia đình và xã hội.

img

1 ca cấp cứu chấn thương sọ do TNGT

Do đó, việc phát hiện tổn thương của chấn thương sọ não, cấp cứu ban đầu đúng và kịp thời có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc hạn chế các biến chứng và giảm thiểu tỷ lệ tử vong.

Với bệnh nhân bị chấn thương sọ não thì khoảng thời gian 4 giờ từ khi bị chấn thương đến khi phẫu thuật là "thời gian vàng" để cứu sống bệnh nhân, giảm di chứng sau chấn thương sọ não.

Do đó, khi bị chấn thương sọ não nếu bệnh nhân được phát hiện sớm, phẫu thuật kịp thời thì cơ hội sống cho bệnh nhân chấn thương là cao hơn. Nếu chủ quan bỏ qua thời gian vàng thì khả năng cứu sống bệnh nhân còn lại rất thấp hoặc để lại di chứng nặng nề.

Sơ cứu chấn thương sọ não do TNGT

Trong gặp trường hợp có chấn thương nghiêm trọng ở đầu, luôn cần gọi xe cấp cứu. Khi sơ cứu cho nạn nhân chấn thương sọ não cần lưu ý:

Với nạn nhân tỉnh, cần khuyến khích nạn nhân giảm thiểu mọi cử động ở đầu hoặc cổ. Vết thương trên đầu có thể chảy máu nhiều, trong trường hợp đó cần cầm máu vết thương bằng cách ấn trực tiếp và băng. Trong khi kiểm tra vết thương, tránh nhầm với cục máu đông hình thành trong tóc. Trấn an nạn nhân và cố gắng giữ cho họ bình tĩnh.

Với nạn nhân bất tỉnh, không nên di chuyển nạn nhân trừ khi họ đang ở trong tình trạng nguy cấp. Mọi sự di chuyển không cần thiết đều có thể gây ra các biến chứng lớn hơn cho chính vết thương sọ não, cột sống hay những vết thương liên quan khác.

Một nguyên tắc là nếu đầu bị thương thì cổ cũng có thể bị tình trạng tương tự. Do vậy cần cố định cột sống cổ cho tất cả các bệnh nhân chấn thương sọ não bị hôn mê bằng dụng cụ chuyên dụng hoặc các vật dụng khác có sẵn tại chỗ.

Bên cạnh, khi sơ cứu cho nạn nhân TNGT bị chấn thương sọ nào, mọi người cần lưu ý bảo vệ nạn nhân khỏi mọi nguy hiểm tiềm ẩn tại hiện trường. Đồng thời, theo dõi đường thở và hô hấp của nạn nhân cho đến khi xe cứu thương tới.

Nếu người bị thương thở yếu đi do có vấn đề với đường hô hấp, có thể cần rất thận trọng để ngửa đầu họ ra sau (và nâng đỡ) cho đến khi nhịp thở trở lại bình thường. Nếu nạn nhân ngừng thở hoặc không bắt được mạch, có thể cần hồi sức tim phổi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.