Quản lý

Mỏ cát thứ tư được giao theo cơ chế đặc thù ở Đồng Tháp bắt đầu khai thác

14/12/2023, 17:19

Ngày 14/12, mỏ cát thứ tư được tỉnh Đồng Tháp bàn giao theo cơ chế đặc thù bắt đầu khai thác ngày đầu tiên, mang đến niềm vui cho nhà thầu thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Khai thác 2.500m3/ngày

Mỏ cát thứ tư được tỉnh Đồng Tháp bàn giao cho Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Thi Sơn theo cơ chế đặc thù để công ty trực tiếp khai thác phục vụ thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Ông Nguyễn Văn Khang, Giám đốc chi nhánh Đồng Tháp của Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Thi Sơn thông tin, mỏ cát này nằm ở xã Định Yên, huyện Lấp Vò, có diện tích 20,97ha.

Niềm vui của nhà thầu khi mỏ cát thứ tư theo cơ chế đặc thù bắt đầu khai thác - Ảnh 1.

Mỏ cát thứ tư được tỉnh Đồng Tháp bàn giao theo cơ chế đặc thù khai thác 2.500m3/ngày.

Tổng trữ lượng khoáng sản cát san lấp được phép khai thác là 482.282m3. Công suất khai thác là 357.282m3/năm. Mức sâu khai thác thấp nhất đến mức âm 18m, theo hệ cao độ Quốc gia. Phương pháp khai thác theo hình thức lộ thiên.

Kế hoạch khai thác là 1 năm 8 tháng, trong đó, thời gian khai thác là 1 năm 2 tháng và thời gian cải tạo phục hồi môi trường để đóng cửa mỏ là 6 tháng.

"Chúng tôi cho công nhân khai thác từ 7h - 17h cùng ngày, không khai thác vào ban đêm. Trong ngày đầu phía công ty cho khai thác 2.500m3. Số lượng này sẽ được duy trì khai thác đủ số lượng đã được phân bổ", ông Khang cho biết.

Do không đủ nguồn nhân lực, thiết bị nên công ty đã liên kết với Công ty CP Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp để có thể sớm đưa cát về công trường phục vụ thi công theo đúng quy định.

Ông Vũ Văn Bình, Trưởng phòng Khai thác, Công ty CP Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp cho biết, công ty đã hỗ trợ nhà thầu trực tiếp khai thác cát phục vụ thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau hai xáng cạp, dung tích gàu 3-3,5m3. Trong đó, năm 2023 sử dụng gàu 3,5m3 và năm 2024 sử dụng gàu 3m3.

"Bên cạnh đó, phía Công ty CP Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp cũng hỗ trợ 8 công nhân có kinh nghiệm từ 10 năm trở lên để hỗ trợ phía nhà thầu thi công cao tốc trực tiếp khai thác cát để phục vụ thi công", ông Bình cho biết thêm.

Niềm vui của nhà thầu khi mỏ cát thứ tư theo cơ chế đặc thù bắt đầu khai thác - Ảnh 2.

Những công nhân điều khiển cẩu khai thác cát tại mỏ cát được tỉnh Đồng Tháp bàn giao theo cơ chế đặc thù đều là những người có kinh nghiệm làm việc lâu năm.

Anh Trần Thủy Lợi, người có 32 năm điều khiển xáng cạp khai thác cát rất hào hứng khi được giao nhiệm vụ thực hiện khai thác cát tại mỏ cát được bàn giao theo cơ chế đặc thù để phục vụ thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Anh Lợi chia sẻ: "Tôi và các anh em công nhân được giao nhiệm vụ thực hiện khai thác tại mỏ cát này sẽ cố gắng làm tốt nhất công việc của mình để sớm đưa cát về phục vụ thi công cao tốc theo đúng quy định".

Với 15 năm kinh nghiệm điều khiển xáng cạp khai thác cát, anh Nguyễn Thanh Hùng nói: "Khi được giao nhiệm vụ tôi sẽ cố gắng thực hiện tốt nhất, đảm bảo cát được khai thác đúng quy định về số lượng".

Niềm vui của nhà thầu thi công cao tốc

Có mặt tại công trường khai thác cát tại mỏ cát được tỉnh Đồng Tháp bàn giao theo cơ chế đặc thù thuộc xã Định Yên, huyện Lấp Vò, ông Hoàng Thái Ngọc, Phó giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Thi Sơn cảm thấy rất phấn khởi.

Ông Ngọc cho biết, hơn hai tháng qua, phía dưới công trường thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, công nhân thi công dự án thuộc gói thầu của công ty phụ trách dài gần 5km đang trông ngóng từng ngày, đợi cát về công trường để đẩy nhanh tiến độ.

"Hiện tại, gói thầu do Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Thi Sơn phụ trách đã đào xong lớp đất hữu cơ, đợi đưa cát về tới công trường sẽ cho bơm lên ngay để tiến độ thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra", ông Ngọc nói.

Niềm vui của nhà thầu khi mỏ cát thứ tư theo cơ chế đặc thù bắt đầu khai thác - Ảnh 3.

Trên mỗi phương tiện khai thác cát tại mỏ cát được tỉnh Đồng Tháp bàn giao theo cơ chế đặc thù đều được gắn camera giám sát và định vị phương tiện để ngành chức năng dễ dàng theo dõi trong quá trình thực hiện.

Cũng theo ông Ngọc, gói thầu thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau do Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Thi Sơn thực hiện cần tổng số lượng cát là 700.000m3.

Do vậy, với mỏ cát được tỉnh Đồng Tháp bàn giao theo cơ chế đặc thù đang được khai thác thì công ty cần thêm 200.000m3 nữa mới đảm bảo đủ số lượng phục vụ công trình.

"Đến thời điểm này, phía công ty vẫn chưa được giới thiệu thêm mỏ cát nào nữa. Cho nên chúng tôi hy vọng được tiếp cận thêm mỏ cát mới để đảm bảo đủ số lượng phục vụ thi công gói thầu cao tốc Cần Thơ - Cà Mau do công ty phụ trách thực hiện", ông Ngọc cho biết thêm.

Nhằm đảm bảo cát được khai thác đúng và đủ số lượng để phục vụ thi công cao tốc, ông Nguyễn Văn Khang, Giám đốc chi nhánh Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Thi Sơn cho biết, trên mỗi phương tiện khai thác đều được gắn camera giám sát và định vị phương tiện.

"Trong quá trình khai thác, chúng tôi mong muốn được sự hỗ trợ từ các ngành liên quan để việc khai thác cát phục vụ thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau theo đúng quy định hiện hành.

Niềm vui của nhà thầu khi mỏ cát thứ tư theo cơ chế đặc thù bắt đầu khai thác - Ảnh 4.

Tín hiệu từ camera giám sát và định vị phương tiện khai thác cát tại mỏ cát được bàn giao theo cơ chế đặc thù được truyền về trung tâm theo dõi đặt tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp.

Như vậy, với mỏ cát do Công ty TNHH Sản xuất và xây dựng Thi Sơn phụ trách khai thác phục vụ thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thì đây đã là mỏ cát thứ tư trong tổng số 7 mỏ cát được tỉnh Đồng Tháp bàn giao theo cơ chế đặc thù đã được khai thác, với tổng trữ lượng khoảng 2,7 triệu m3.

Còn ba mỏ cát đã được tỉnh Đồng Tháp bàn giao với tổng trữ lượng dự kiến khai thác là 3 triệu m3 cho nhà thầu thi công cao tốc trực tiếp khai thác theo cơ chế đặc thù.

Những mỏ cát này đang được nhà thầu thi công cao tốc và các đơn vị liên quan của tỉnh Đồng Tháp tích cực hoàn tất hồ sơ, thủ tục liên quan để có thể sớm được khai thác.

Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối nhiều tỉnh ĐBSCL. Giai đoạn 1, dự án có tổng mức đầu tư hơn 27.200 tỷ đồng, chia làm hai dự án thành phần gồm Cần Thơ - Hậu Giang dài 36,7km, vốn đầu tư trên 9.700 tỷ đồng và đoạn Hậu Giang - Cà Mau dài 72,8km, vốn gần 17.500 tỷ đồng.
Công trình khởi công ngày 1/1/2023, dự kiến hoàn thành đầu năm 2026. Tổng nhu cầu cát cho toàn dự án khoảng 18,1 triệu m3. Riêng năm 2023 cần 9,1 triệu m3 và năm 2024 cần 9 triệu m3.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.