Y tế

Nâng cao năng lực hệ thống sơ cấp cứu TNGT

23/12/2022, 09:01

Cấp cứu kịp thời và đúng cách các trường hợp bị tai nạn có nguy cơ tử vong cao, có thể giảm được 10% số người bị chết do TNGT.

Cấp cứu đúng cách, kịp thời, giảm 10% số người tử vong do TNGT

Theo các chuyên gia y tế, việc nâng cao năng lực hệ thống sơ cấp cứu TNGT thông qua đào tạo kiến thức cho đội ngũ cộng tác viên, xây dựng các trạm sơ cấp cứu dọc các tuyến đường chính nhằm cấp cứu kịp thời và đúng cách các trường hợp bị tai nạn có nguy cơ tử vong cao. Nhờ vậy, có thể giảm được 10% số người bị chết do TNGT.

Điều này vô cùng ý nghĩa khi theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, mỗi năm, nước ta có khoảng 50.000 người bị thương do TNGT cần sơ cấp cứu và 11.000- 12.000 trường hợp tử vong do TNGT.

img

Cấp cứu TNGT tại TP.HCM (ảnh minh họa)

BS Đặng Văn Đạt, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp BV ĐK Hoàn Mỹ Thủ Đức, cho biết TNGT, không ít trường hợp bị tai nạn dẫn tới tổn thương đốt sống cổ hoặc xương chậu ở tình trạng nhẹ nhưng người xung quanh lại bế xốc nạn nhân lên đưa đi cấp cứu khiến nạn nhân bị gãy cột sống cổ hoặc gãy khung chậu, dẫn đến bị liệt toàn thân, thậm chí tử vong. Đó là những hành động theo phản xạ tự nhiên, người nhà hoặc người đi đường thường lập tức bế vác, cõng nạn nhân vào viện vì cho rằng nên đưa vào viện càng nhanh càng tốt.

"Theo nghiên cứu, người bị TNGT nếu được sơ cấp cứu kịp thời sẽ tăng 50% cơ hội sống. Tuy nhiên, một số trường hợp sơ cứu sai phương pháp dẫn tới những sai lầm nghiêm trọng, đẩy nạn nhân vào tình trạng bị gãy cột sống cổ hoặc gãy khung chậu, khiến nhiều người chết oan. Sơ cấp cứu đúng cách đang là thách thức lớn đối với cộng đồng", BS Đặng Văn Đạt nhấn mạnh.

Đa dạng hóa hình thức sơ cấp cứu ngoại viện

Tại TP.HCM, nơi đông dân cư nhất cả nước, hoạt động sơ cấp cứu ngoại viện được đẩy mạnh. Theo đại diện Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM, ngành y tế thành phố đang từng bước đa dạng hóa các loại hình cấp cứu kết hợp giữa truyền thống và hiện đại bao gồm cấp cứu bằng xe máy, xe cứu thương chuyên dụng...

Cùng với việc phát triển số lượng các trạm vệ tinh, đa dạng hóa hình thức cấp cứu ngoại viện, trung tâm đang phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, từ tiếp nhận cuộc gọi cấp cứu, sàng lọc đến hướng dẫn người nhà của người bệnh cách tự sơ cứu tại chỗ trong khi chờ nhân viên cấp cứu ngoại viện đến hiện trường.

Ngoài ra, trên địa bàn TP.HCM còn hình thành nhiều điểm sơ cấp cứu do các tình nguyện viện chữ thập đỏ đảm nhiệm, nhằm đáp ứng kịp thời việc cấp cứu đúng cách, kịp thời khi tai nạn xảy ra. Được biết, trong thời gian qua, tình nguyện viên sơ cấp cứu và tình nguyện viên tại các “Điểm sơ cấp” mỗi năm thực hiện sơ cứu trên 1.000 trường hợp tai nạn, chuyển đến các bệnh viện trên 100 trường hợp.

Hàng năm, Trung tâm huấn luyện sơ cấp cứu TP.HCM và tình nguyện viên sơ cấp cứu của Hội Chữ thập đỏ quận, huyện và TP. Thủ Đức tham gia cùng với Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tham gia diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, phòng ngừa thiên tai thực hiện diễn tập tại địa phương với các tình huống giả định như cháy nổ siêu thị, khu đô thị, chợ, trường học, bệnh viện, TNGT đường bộ, đường thủy…

Nhằm phát triển thêm nhân lực tình nguyện viên sơ cấp cứu, Trung tâm sơ cấp cứu và phòng chống thảm họa đã phối hợp tập huấn, hướng dẫn kỹ năng sơ cấp cứu cho hàng trăm ngàn lượt người, trong đó chủ yếu thanh thiếu niên, giáo viên các trường học; các nhân viên, công nhân các cơ quan, doanh nghiệp; xây dựng và duy trì các điểm sơ cấp cứu trên địa bàn TP; xây dựng các đội hình tình nguyện ứng cứu kịp thời khi có các trường hợp tai nạn thương tích xảy ra và gắn với công tác cứu trợ nhân đạo tạo ra mạng lưới ứng cứu kịp thời giúp đỡ các địa phương, các cá nhân gặp thiên tai, thảm họa hoặc TNGT...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.