Y tế

Những thói quen cần bỏ để tránh đổ bệnh trong mùa lạnh giá

20/12/2022, 05:40

Để tránh các bệnh hô hấp trong mùa đông, theo chuyên gia y tế, cần lưu ý nguyên tắc giữ ấm mũi; giữ ấm cổ, gáy; mặc nhiều lớp và ăn đủ chất.

Người mắc hô hấp mạn tính dễ trở nặng trong mùa lạnh

Ông Hoàng Hải Nam (65 tuổi, trú tại Tây Hồ, Hà Nội) vừa xuất viện được 2 ngày sau gần 1 tuần nằm viện điều trị vì căn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trở nặng, khiến ông khó thở. Chị Hoàng Thị Hóa (con gái ông Nam) cho biết, bố chị mắc căn bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) đã hơn chục năm, thời tiết trở lạnh trong những ngày qua khiến bệnh của ông Nam trở nặng, gia đình đưa đi cấp cứu. Tại bệnh viện ông Nam được chỉ định thở máy và uống thuốc điều trị.

img

Nhiều bệnh nhân mắc bệnh lý hô hấp nhập viện trong thời tiết giá lạnh

PGS.TS.BS Chu Thị Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Trưởng khoa Hô hấp BVĐK Tâm Anh Hà Nội cảnh báo thời điểm này, cơ thể rất dễ mắc các bệnh đường hô hấp như cảm lạnh, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi, cúm…

Với những người có sẵn bệnh hô hấp mạn tính như hen suyễn, COPD có nguy cơ mắc bệnh hô hấp cao hơn do đường thở vốn đã viêm và tổn thương, khi gặp không khí lạnh càng dễ bị tắc nghẽn nặng hơn, nhiều trường hợp phải nhập viện vì những đợt kịch phát của bệnh.

PGS. Hạnh khuyến cáo giữ ấm đường thở là một trong những biện pháp quan trọng nhất cần thực hiện để phòng ngừa bệnh hô hấp mùa lạnh. Đường thở bao gồm mũi, họng, phế quản, phổi là những bộ phận rất dễ bị tổn thương khi tiếp xúc với không khí lạnh, đặc biệt ở người có hệ miễn dịch yếu như trẻ em, người già, người có bệnh nền.

4 lưu ý quan trọng để phòng tránh bệnh

Theo BS. Chu Thị Hạnh, cần lưu ý 4 nguyên tác giữ ấm để dễ dàng vượt qua mùa đông.

Không khí lạnh khiến nhiệt độ khoang mũi giảm, là điều kiện thuận lợi để virus Rhino xâm nhập gây cảm lạnh. Do vậy giữ ấm mũi là việc cần làm. Nếu độ ẩm không khí quá thấp, nên sử dụng máy làm ẩm không khí, nhỏ nước muối sinh lý ấm 1-2 lần/ngày.

Cổ, gáy là khu vực này chứa nhiều mạch máu, không khí lạnh sẽ làm mạch máu co lại, sản sinh ít tế bào bạch cầu để chống vi khuẩn và virus hơn. Do đó nên che kín phần cổ và gáy bằng áo cao cổ, khăn ấm, đặc biệt là khi đi xe máy.

img

Giữ ấm mũi, cơ thể và nên hạn chế tập thể dục vào sáng sớm trong ngày đông lạnh (ảnh TL)

Mặc quần áo nhiều lớp, bởi không khí giữa các lớp quần áo là lớp cách nhiệt tốt. Để tăng khả năng giữ ấm, nên mặc theo thứ tự áo chất liệu chắn gió (áo phao, áo dù) bên ngoài, áo chất liệu bông bên trong.

Ăn uống đủ chất dinh dưỡng cũng sẽ hỗ trợ cơ thể giữ ấm tốt hơn nhờ quá trình đốt cháy calo. Do vậy, nên ăn nhiều nhóm thực phẩm có tính nóng như gừng, quế, bí đỏ, khoai lang…

Đối với bệnh nhân có bệnh phổi mạn tính như hen, COPD, PGS. Hạnh khuyến cáo người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ, thăm khám định kỳ để tránh các đợt cấp nặng lên của bệnh.

PGS. Hạnh lưu ý thêm, cần tránh thực hiện một số thói quen có thể gây nguy hiểm vào mùa đông. Ví như, không tập thể dục vào sáng sớm và chiều tối. Bởi đây là khung giờ nhiệt độ xuống thấp, dễ gây cảm lạnh, viêm họng. Mọi người có thể cân nhắc tập thể dục tại nhà khi nhiệt độ ngoài trời xuống quá thấp.

Không sử dụng rượu bia để làm ấm người, bởi chất etanol trong rượu tạo cảm giác nóng nhưng không làm tăng thân nhiệt. Uống say trong thời tiết lạnh dễ dẫn đến đột quỵ.

Bên cạnh đó, cần lưu ý, không tắm lâu, nhất là khi nhiệt độ ngoài trời hạ thấp vô cùng nguy hiểm, có thể dẫn tới tử vong. Nên tắm nhanh bằng nước ấm và nhà tắm cần kín gió. Nếu trời quá lạnh, nên hạn chế tắm nhiều, chỉ cần vệ sinh bằng khăn ẩm và tắm 2 ngày/lần là đủ.

Thêm 1 điều cần lưu tâm là tuyệt đối không đốt than củi, than tổ ong trong phòng kín để sưởi, vì có thể gây ngạt khí dẫn đến tử vong. Tình huống đáng tiếc này rất thường gặp trong những đông giá lạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.