Thị trường

Nên bỏ hay giao Quỹ bình ổn xăng dầu cho Bộ Tài chính quản lý?

10/04/2023, 15:02

Chuyên gia giá cả Nguyễn Tiến Thỏa chia sẻ một số quan điểm về việc có nên bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu hoặc giao quỹ này cho Bộ Tài chính quản lý...

Mới đây, đại biểu Quốc hội đề xuất, nên giao Nhà nước quản lý Quỹ bình ổn xăng dầu (BOG), đặc biệt là Bộ Tài chính quản lý, thay vì giao doanh nghiệp như hiện nay, để đảm bảo tính công bằng… Việc này có phù hợp? Báo Giao thông đã trao đổi với chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính xung quanh vấn đề này.

img

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam

Ông đánh giá như thế nào về hoạt động của Quỹ bình ổn xăng dầu (BOG) hiện nay?

Năm 2007, nước ta bắt đầu chuyển cơ chế Nhà nước định giá xăng dầu sang thực hiện cơ chế giá thị trường có sự quản lý của nhà nước, trong bối cảnh xăng dầu phải nhập khẩu hoàn toàn và giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào giá thế giới.

Giá xăng dầu thế giới lại biến đổi liên tục theo xu hướng tăng dần, dẫn đến giá xăng trong nước càng biến động theo tác động bất lợi đến kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Do đó, để bình ổn giá xăng dầu, ngoài việc sử dụng các công cụ đề điều tiết thị trường như: Điều hoà cung - cầu, thuế nhập khẩu,…Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thành lập Quỹ BOG tại quyết định số 04 (ngày 9/1/2009) và duy trì hoạt động của Quỹ này từ đó nối tiếp đến nay bằng quy định chung của Luật giá và các nghị định của Chính phủ về xăng dầu.

Quỹ hoạt động theo cơ chế, trích lập trong giá (thu của dân thông qua giá bán mỗt lít xăng dầu) một khoản tiền để hình thành Quỹ và chỉ để chỉ phục vụ mục tiêu bình ổn giá khi giá xăng dầu thế giới tăng cao đẩy giá vốn trong nước tăng cao.

Thực tế, gần 14 năm hoạt động, theo tôi, Quỹ đã chứng minh được các kết quả như: Hoạt động minh bạch, được kiểm soát chặt chẽ, không thất thoát, sử dụng đúng mục đích.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh, nếu không có công cụ quỹ BOG thì giá xăng dầu trong nước đã phải tăng cao hơn và tần suất tăng giá cao hơn nhiều hơn.

Kiểm toán nhà nước đã từng kiểm toán hoạt động của Quỹ này và cũng đã có những kết luận: “Nhờ có cơ chế trích lập, sử dụng, quyết toán quỹ BOG, nên đã giảm được tần suất điều chỉnh giá bán xăng dầu trong nước trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới biến động phức tạp, khó lường, người tiêu dùng được tiêu dùng xăng dầu, giá xăng dầu rẻ hơn các nước khác trong khu vực, và ổn định hơn, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng và ổn định xã hội. Đó là hiệu quả và tác động tích cực của quỹ BOG!.

Với đề xuất giao Quỹ BOG cho Nhà nước, đặc biệt Bộ Tài chính quản lý, quan điểm của ông ra sao?

Tôi cho rằng, việc quản lý, điều tiết quỹ BOG đòi hỏi phải nhanh nhạy, kịp thời khi giá xăng dầu thế giới biến động tăng cao.

Việc này để vừa đảm bảo cho doanh nghiệp xăng dầu đủ giá vốn kinh doanh bình thường, không để đứt gãy nguồn cung.

Vì vậy, để đảm bảo mục tiêu BOG tức thời thì không nên đặt Quỹ trực tiếp tại Bộ Tài chính.

Bởi lẽ, nếu đặt tại Bộ Tài chính sẽ khó đáp ứng được yêu cầu trên, do thủ tục thu, chi theo quy định khá cồng kềnh, mất thời gian, dòng tiền BOG lưu chuyển chậm.

Hiện nay, theo Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có nghĩa vụ trích lập, hạch toán và theo dõi riêng quỹ BOG bằng tài khoản mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Các thương nhân đầu mối sẽ chỉ “nhận lệnh” và trực tiếp thu, chi. Việc của họ là công bố các khoản trích lập, chi sử dụng, lãi phát sinh, số dư quỹ và báo cáo về Bộ Tài chính, Bộ Công thương.

Ngược lại, nếu Bộ Tài chính quản lý, trong trường hợp trích lập Quỹ, doanh nghiệp phải làm thủ tục, nộp vào kho bạc; còn chi Quỹ, thì doanh nghiệp phải đề xuất, Bộ Tài chính xét duyệt, chuẩn y giao kho bạc Nhà nước thực hiện. Kho bạc Nhà nước xem xét chuyển tiền cho doanh nghiệp.

Một bất cập khác là, nếu chi ngay vào thời điểm có quyết định BOG, thì cả doanh nghiệp và Bộ Tài chính khó tính được số lượng xăng dầu bình ổn giá một cách chính xác, nếu chi sau khi hoàn thành thời gian BOG thì lại chậm...

Để đảm bảo các yêu cầu trên, tôi nghĩ nên giữ như cơ chế hiện hành. Bởi, cơ chế quản lý này đang hoạt động thông suốt, đúng mục tiêu: Nhà nước kiểm soát, doanh nghiệp trực tiếp thực hiện. Bộ Tài chính vẫn thực hiện công tác quản lý nhà nước hiện hành là ban hành cơ chế trích lập, sử dụng, kiểm tra, quyết toán, đánh giá kết quả và hiệu quả sử dụng quỹ.

Một số chuyên gia kiến nghị, nên bỏ quỹ BOG, do trong vài năm gần đây, khi thị trường xăng dầu liên tục biến động mạnh, thì Quỹ này không còn phát huy được hiệu quả, ông bình luận gì về kiến nghị này?

Tôi đồng ý với lập luận “vài năm gần đây, khi thị trường xăng dầu liên tục biến động mạnh, thì Quỹ này không còn phát huy được hiệu quả”. Nhưng tôi cho rằng, lỗi không phải ở Quỹ BOG mà do điều hành.

Thời gian qua, nhà điều hành sai lầm khi chi Quỹ quá nhiều vào thời điểm giá tăng liên tục, song lại không dự báo được giá sẽ còn tăng cao sau đó. Điều này để xảy ra tình trạng giá xăng dầu tăng mạnh thì hết quỹ, và lúc ấy lại đi trích quỹ thì lại càng bất ổn, đi ngược với mục đích của việc bình ổn giá.

Còn việc “có bỏ Quỹ BOG hay không?, quan điểm hiện nay của tôi là không!. Hiện thị trường đang nửa vời, thì vẫn cần quỹ BOG và quỹ này vẫn do nhà nước quản lý gián tiếp "mềm" như hiện hành.

Tuy nhiên, sẽ nên bỏ khi chúng ta hoàn toàn thực hiện cơ chế "tự do hóa" giá xăng dầu. Lúc đó, chúng ta thực hiện bình ổn giá xăng dầu thông qua biện pháp điều hoà cung - cầu, công cụ thuế, vốn và lãi suất.

Ông có nhắc đến việc Quỹ BOG không phát huy được hiệu quả là do cách điều hành, vậy theo ông, có giải pháp nào nhằm khắc phục hạn chế trên?

Cần đổi mới căn bản về quỹ bình ổn giá xăng dầu theo hướng bảo đảm tính minh bạch hơn, cả về cơ chế trích lập và cơ chế sử dụng Quỹ theo nguyên tắc chung là trích lập khi giá xuống thấp để bù đắp khi giá tăng quá cao tác động bất lợi đến các chỉ số kinh tế vĩ mô.

Về trích lập quỹ, chỉ thực hiện khi giá vốn cơ sở giảm thấp so với giá hiện hành, không trích lập một khoản tiền cố định, thường xuyên trong giá.

Mặt khác, cũng cần xác định bình ổn giá là trách nhiệm của cả Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Do đó, việc trích lập nên bao gồm một phần do người tiêu dùng đóng góp (tính vào chi phí) và một phần do doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đóng góp từ lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp (thực chất là Nhà nước tham gia đóng góp Quỹ bằng một phần tiền thuế lẽ ra phải thu của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu từ thuế TNDN).

Phần trích lập Quỹ từ các nguồn cần quy định rõ không được tính các loại thuế, phí.

Xin cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.