Điện ảnh

Netflix và các nền tảng OTT cần chuẩn mực khi phát hành phim tại Việt Nam

05/01/2023, 16:04

Nghị định 128 sửa đổi, bổ sung có hiệu lực, Netflix, YouTube và các nền tảng OTT nên chuẩn mực khi phát hành phim tại Việt Nam.

Nghị định 128/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tạo hành lang pháp lý chặt chẽ với nền tảng OTT

Ngày 30/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 128/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều trong Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, có hiệu lực từ ngày 15/2/2023.

img

Ngày 5/10, Cục PTTH&TTĐT yêu cầu gỡ phim "Little Wowen" khỏi kho ứng dụng của Netflix tại Việt Nam vì có yếu tố xuyên tạc lịch sử

Theo đánh giá của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), Nghị định số 128 (ngày 30/12/2022) của Chính phủ là hành lang pháp lý để quản lý chặt chẽ hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng, hoạt động cung cấp dịch vụ PTTH theo yêu cầu trên mạng internet của các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam đã đầy đủ.

Cục này nhận định, Nghị định số 128 có hiệu lực, hứa hẹn trong thời gian tới, sẽ đưa các hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng của các doanh nghiệp này vào khuôn khổ, bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước trên cùng mặt bằng pháp lý.

Cụ thể, nghị định này sửa quy định mức phạt hành vi vi phạm quy định về nội dung bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh.

Theo đó, phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với hành vi hoạt động điện ảnh có một trong các nội dung sau: xuyên tạc lịch sử dân tộc, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; thể hiện không đúng, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về an ninh mạng.

Kích động bạo lực, hành vi tội ác bằng việc thể hiện chi tiết cách thức thực hiện, hình ảnh, âm thanh, lời thoại, cảnh đánh đập, tra tấn, giết người dã man, tàn bạo và những hành vi khác xúc phạm đến nhân phẩm con người, trừ trường hợp thể hiện các nội dung đó để phê phán, tố cáo, lên án tội ác, đề cao chính nghĩa, tôn vinh giá trị truyền thống, văn hóa.

Gây tổn hại đến các giá trị văn hóa, lợi ích quốc gia, dân tộc Việt Nam; truyền bá tệ nạn xã hội; phá hoại văn hóa, đạo đức xã hội.

Thể hiện chi tiết hình ảnh, âm thanh, lời thoại dâm ô, trụy lạc, loạn luân. Kích động, chống đối việc thi hành Hiến pháp, pháp luật.

Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ các hoạt động sản xuất phim tại Việt Nam; phát hành phim; phổ biến phim; quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh từ 1-3 tháng đối với hành vi quy định nêu trên.

Hình thức phạt này không áp dụng với các phim có sử dụng bối cảnh Việt Nam nhưng đã bị thu hồi.

Netflix, YouTube nên cẩn trọng

Như vậy, từ ngày 15/2/2023, Netflix, YouTube và các nền tảng OTT (ứng dụng nội dung xuyên biên giới) nên cẩn trọng khi phát hành phim tại Việt Nam.

img

Phim "Madam Secretary gây bức xúc khi chú thích thước phim quay tại Hội An thành thành "Fuling, China" (Phù Lăng, Trung Quốc).

Trong quá khứ, do không có cơ chế kiểm duyệt nội dung, nhiều nội dung chương trình, phim ảnh của Netflix có nội dung phản cảm vi phạm quy định pháp luật Việt Nam. Cụ thể, đơn vị này 4 lần gây tranh cãi khi phát hành phim gây tranh cãi về vấn đề lịch sử, chủ quyền.

Gần đây nhất, ngày 4/10/2022, Cục PTTH&TTĐT đã yêu cầu Netflix gỡ phim "Little Wowen" tại Việt Nam do có nội dung xuyên tạc lịch sử.

Tháng 5/2021, phim "Pine Gap" tiếp tục bị Cục PTTH&TTĐT thông báo có các hình ảnh sai trái về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật Việt Nam.

Tháng 5/2020, bộ phim "Put your head on my shoulder" (tựa Việt: "Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta") bị phát hiện có hình ảnh "đường lưỡi bò" trên biển Đông.

Tháng 8/2020, phim "Madam Secretary" (tựa Việt: "Bà Ngoại trưởng") cũng gặp vấn đề tương tự. Sau khi Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử yêu cầu rà soát, gỡ bỏ, Netflix đã cắt cảnh có hình ảnh "đường lưỡi bò".

Nhìn chung, đơn vị này xử lý nhanh sau khi phim bị phản ứng và nhận được yêu cầu từ cơ quan quản lý của Việt Nam.

Quy định mức phạt với hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh

Bên cạnh đó, Nghị định 128 sửa đổi, bổ sung cũng quy định cụ thể mức phạt với hành vi vi phạm quy định về hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh.

img

Một cảnh trong phim "Em và Trịnh"

Cụ thể, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi thực hiện phổ biến phim tại địa điểm chiếu phim công cộng.

Phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: phổ biến phim trên hệ thống rạp chiếu phim, trên hệ thống truyền hình và địa điểm chiếu phim công cộng mà không có giấy phép phân loại phim hoặc quyết định phát sóng.

Phổ biến phim trên không gian mạng mà không phân loại, hiển thị kết quả phân loại theo quy định.

Thay đổi, làm sai lệch nội dung phim và kết quả phân loại phim đã được cấp giấy phép phân loại phim hoặc quyết định phát sóng.

Phát hành, phổ biến phim đã có quyết định thu hồi giấy phép phân loại phim hoặc quyết định phát sóng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.