Kinh tế

Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 3-3,5%

11/02/2024, 10:23

Năm 2024, ngành nông nghiệp tiếp tục đặt mục tiêu củng cố vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Cửa khẩu thông minh sẽ giúp tăng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc

Theo Bộ NN&PTNT, trong năm 2024 nền kinh tế sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như giá vật tư nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn ở mức cao cùng tác động của El Nino và đặc biệt là tác động từ xung đột, bất ổn của thế giới.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu phát triển với tăng trưởng GDP toàn ngành 3-3,5%. Trong đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt tăng 2-2,2%; chăn nuôi là 4-5%; thủy sản là 3,7-4%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 54-55 tỷ USD.

Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 3-3,5%- Ảnh 1.

Nông sản Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội trên thị trường quốc tế.

Trước đó, ngành nông nghiệp đặt ra mục tiêu xuất nhập khẩu mặt hàng rau quả đạt 4,5 tỷ USD vào năm 2024 và 5 tỷ USD vào năm 2025. Nhưng thực tế năm 2023, ngành đã cán đích với kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng, vượt 2 năm so với mục tiêu đề ra. Dù nền kinh tế toàn cầu khó khăn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt trên 53 tỷ USD.

Cũng trong năm 2023 xuất khẩu sầu riêng đạt trên 2,2 tỷ USD. Thời gian tới, nếu việc ký kết được Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc hoàn tất, giá trị sầu riêng sẽ tăng lên. Ngoài ra, khi các giải pháp về hạ tầng được giải quyết (gồm cửa khẩu thông minh, đường sắt, đường bộ kết nối, thống nhất kiểm dịch, khắc phục thủ tục hành chính và mã đóng gói) thì sản lượng rau quả còn nhiều tiềm năng, lợi thế để tăng trưởng trong năm 2024.

Từ những tín hiệu tích cực đó, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu phát triển với tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3-3,5%. Trong đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt tăng 2-2,2%; chăn nuôi là 4-5%; thủy sản là 3,7-4%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 54-55 tỉ USD. Tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 80%, còn tỉ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42,02%, nâng cao chất lượng rừng; tốc độ tăng giá trị sản xuất của lâm nghiệp là 5-5,5%. Cả nước phấn đấu tỉ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 58%, tỉ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới 82%.

Phát triển các chuỗi ngành hàng

Nói về triển vọng ngành nông nghiệp 2024, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng để đạt được những mục tiêu đề ra, tới đây ngành nông nghiệp, nông thôn tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn; nông nghiệp bền vững, minh bạch và có trách nhiệm.

Thực hiện chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thủy sản, chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng...

Ngoài ra, Thứ trưởng Tiến còn cho rằng ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; Phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản cả trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cần xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp; Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, và thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KHCN.

"Đối với thị trường Trung Quốc, các nghị định đã từng bước được ký kết, chúng ta sẽ có nhiều lợi thế hơn. Cụ thể, lợi thế về hạ tầng, có trao đổi hai chiều thuận lợi hơn, cắt giảm thủ tục hành chính để kiểm dịch thực vật được nhanh hơn và tốt hơn, chính xác hơn… Ngoài ra, các mặt hàng khác cũng đang rất tiềm năng là dừa và yến tươi có cơ cấu thị trường với Trung Quốc rất lớn.

Bên cạnh đó, căn cứ vào cơ cấu của các thị trường lớn khác như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và thị trường châu Âu, cơ cấu sản xuất chúng ta sẽ thay đổi để thúc đẩy tiềm năng lợi thế", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến kỳ vọng.

Năm 2023, ngành nông nghiệp đạt được con số tăng trưởng tích cực 3,83%. Đây là tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua. Lúa gạo tăng mạnh về sản lượng và năng suất với 43,5 triệu tấn. Thịt các loại đặt mục tiêu trên 7,3 triệu tấn nhưng đã đạt 7,79 triệu tấn. Ngành chăn nuôi năm nay ghi nhận tăng trưởng 5,72%.

Ngành thủy sản đạt 9,33 triệu tấn, tăng trưởng 3,71%. Trồng trọt chưa khi nào tăng trên 2% năm nay cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ 3%. Về lâm nghiệp, gỗ rừng trồng là 33 triệu tấn, thu dịch vụ môi trường rừng 3.200 tỷ đồng. Và lần đầu tiên trong lĩnh vực lâm nghiệp, đã hoàn thành các thủ tục để chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn, tương đương 51,5 triệu USD, đây là tiềm năng lợi thế rất lớn.

Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 53,1 tỷ USD tuy chưa đạt mục tiêu đề ra nhưng thặng dư thương mại đạt 12,1 tỷ USD, tăng 43,7%, chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước - lớn nhất trong 10 năm trở lại đây.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.