Xã hội

Nghị lực cậu bé mất một tay sau vụ nổ kinh hoàng

12/12/2021, 06:29

Vượt lên tận cùng nỗi đau của sự bất hạnh, cậu bé Thanh Phương giờ đã lớn khôn. Dù phải gánh chịu những tật nguyền, em vẫn lao động cần mẫn...

Từ buổi chiều định mệnh

13 năm trước, vào chiều 20/8/2008, Tô Thanh Phương (khi đó mới 6 tuổi) cùng người anh của mình đi bán cua đồng mưu sinh trên đường phố Cần Thơ.

Khi đến cửa hàng xăng dầu số 35 (góc đường 30/4 và Trần Văn Hoài thuộc phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều), Phương ngồi nghỉ chân trên nắp hố ga gần cây xăng. Bất ngờ, hố ga phát nổ.

Kèm theo tiếng nổ rung chuyển khu vực xung quanh, Phương bị hất văng lên rồi rơi một phần cơ thể xuống hố. Lúc này, có 2 tấm đan xi măng đè lên ngang cổ, 1 miếng đan khác cắt lìa cánh tay trái của cậu bé khốn khổ thành nhiều đoạn.

Sau đó, Phương được đưa vào Bệnh viện 121 cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

img

Nghị lực cậu bé mất một tay sau vụ nổ kinh hoàng

Nhờ sự tận tình cứu chưa của các bác sĩ, Phương đã giữ được tính mạng. Tuy nhiên, sau khi xuất viện, Phương bị mất một phần cánh tay trái, tay phải và chân cũng bị tật nên không thể cầm nắm và đi lại bình thường như trước được nữa.

Nhà Phương rất nghèo. Thời điểm đó, cả gia đình không có nhà, phải sống trên ghe. Sau vụ tai nạn kinh hoàng đó, tưởng chừng cuộc đời Phương sẽ lâm vào đêm tối.

Thế nhưng, giữa tận cùng của sự bất hạnh, Phương đã đứng lên như một phép màu bằng chính nghị lực của mình.

Phía doanh nghiệp có cây xăng sau đó đã hỗ trợ cho gia đình một ít chi phí trong việc điều trị bệnh và mua được một miếng đất nhỏ để gia đình cất nhà. Từ đó, cả gia đình bỏ cuộc sống dưới ghe để lên sống trên bờ.

Tuy nhiên, không lâu sau đó, trong lúc đi bán vé số, mẹ của Phương là chị Phạm Kim Hoàng bị tai nạn, do không có chi phí điều trị nên gia đình đã cầm cố căn nhà.

Còn Phương, có một thời gian đi học ở nhà thờ, nhưng do không thể cầm bút, và rồi cuộc sống gia đình quá khó khăn, nên em đã buộc phải nghỉ học.

Đến nghị lực phi thường

img

Mỗi dòng xe đi qua là niềm hy vọng của Phương với mong ước có người dừng lại mua bọc dừa nước

“Mẹ em bị tai nạn, cha thì bệnh, nên em rất muốn lao động để giúp gia đình. Hồi đó, tay em bị tật, nhưng đôi chân vẫn còn đi lại được, nên em lấy vé số đi bán”, Phương nhớ lại.

Từ đó, mỗi ngày Phương đi bán vé số đến 11h đêm mới về. “Mỗi ngày em bán được hơn 100 tờ, tiền lời cũng được hơn 100.000 đồng. Tối về, em đưa hết cho mẹ để lo cơm nước trong nhà”, Phương kể.

Cứ thế, suốt 12 năm liền, cậu bé Phương rong ruổi khắp các nẻo đường để “bán giấc mơ” cho mọi người. Vụ nổ gần cây xăng là 1 tai nạn lớn ở Cần Thơ, nên Phương được nhiều người biết đến.

Họ cảm thông trước hoàn cảnh của Phương nên ủng hộ, mỗi khi gặp ai cũng mua giúp cậu bé vài tờ vé số. Có người may mắn trúng giải, qua hôm sau đã “lì xì” cho Phương tiền, cũng có người không mua, nhưng thấy Phương tội nghiệp nên sẵn sàng giúp đỡ.

“Thấy hoàn cảnh của em ai cũng tội nghiệp, nên mọi người đều giúp đỡ. Họ động viên em cố gắng vượt qua khó khăn. Dù làm bất cứ nghề gì, miễn sao lao động chân chính là được. Từ đó, em có thêm động lực để đi tiếp”, Phương chia sẻ.

Một dạo, vì cuộc sống, gia đình Phương phải thay đổi chỗ ở và mua một miếng đất nhỏ ở Vị Thanh (Hậu Giang), nhưng nghèo quá nên chưa có tiền cất nhà. 4 năm trước, cha Phương đột ngột qua đời trong cơn bạo bệnh, để lại 3 mẹ con nương tựa vào nhau. Họ thuê 1 căn nhà trọ nhỏ ở đường Tầm Vu (phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều) để sinh sống.

Đến đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, hoạt động xổ số kiến thiết phải nhiều lần tạm dừng nên Phương cũng thất nghiệp.

Đến khi vé số được bán trở lại cũng rất ít người mua, vì ai cũng ngại tiếp xúc, đề phòng dịch bệnh. Sau lần đó, cậu bé nghèo buộc phải nghỉ bán vé số.

Mẹ Phương trước giờ bán dừa nước, nên Phương chuyển qua bán dừa nước giúp mẹ. “Mỗi ngày, mẹ sẽ nạo dừa, sau đó, em sẽ mang ra trước cổng siêu thị Metro ngồi bán”, Phương kể.

Phương nói và cho biết thêm, mỗi bọc dừa nước có trọng lượng 300g, bán giá 20.000 đồng. Mỗi ký dừa lời được 30.000 đồng.

Hôm nào bán đắt thì được 5 ký, lời được 150.000 đồng; còn hôm nào ế thì được chừng 2 ký, lời được 60.000 đồng.

“Em có người anh đang học sửa xe, nhờ chủ tiệm thương tình nên không lấy tiền học phí, bao luôn ăn ở và trả công mỗi ngày. Làm được bao nhiêu tiền tụi em đều đem về đưa mẹ để trang trải cuộc sống”, Phương nói.

Cứ thế, dù cuộc sống còn vô vàn khó khăn, nhưng 3 mẹ con luôn đùm bọc lẫn nhau. Ngày bữa cháo, ngày bữa rau, nhưng trên môi họ luôn nở nụ cười hạnh phúc.

Như chính Phương chia sẻ: “Em mong ước mình luôn còn làm việc được để giúp đỡ mẹ”.

Cậu bé Phương ngày nào giờ đã là thanh niên 19 tuổi. Mỗi ngày, cứ 10h sáng là người ta lại thấy Phương ngồi ở bãi cỏ trước siêu thị Metro (đường Nguyễn Văn Linh) bán dừa nước. Mỗi dòng xe chạy qua, với Phương là một niềm hy vọng ai đó sẽ tấp xe vào mua ủng hộ em 1 bọc dừa nước.

Ông Huỳnh Hữu Thông, một người dân có nhà ở gần đó cho biết: “Cuộc đời của Phương như một tấm gương sáng, em bị “tàn”, nhưng không “phế”. Nó đã chứng minh một điều rằng: Cuộc sống luôn tươi đẹp những ngày mai, chỉ cần chúng ta có nghị lực và biết lao động chân chính”.

Ông Dương Khắc Vũ, cán bộ phụ trách Văn hóa - Xã hội phường Hưng Lợi cho biết, gia đình Phương cư trú trên địa bàn đã nhiều năm, thuộc diện có hoàn cảnh khó khăn.

Dù vậy, Phương luôn cố gắng tự lập, đi bán vé số và dừa nước để tự lo cho mình và phụ giúp gia đình. Hàng tháng và định kỳ vào các dịp lễ, Tết... địa phương đều đến thăm hỏi, hỗ trợ.

Riêng đợt dịch Covid-19 vừa qua, gia đình em cũng nhận được tiền hỗ trợ cho lao động tự do bị mất việc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.