Hạ tầng

Người dân hai bờ sông Lô háo hức ngóng chờ ngày hoàn thành cầu Vĩnh Phú

09/06/2023, 07:53

Mỗi lần qua sông bằng phà Đức Bác, người dân hai bờ sông Lô lại bàn luận rôm rả, háo hức ngóng chờ tới ngày hoàn thành cầu Vĩnh Phú.

Ngày 8/6, PV Báo Giao thông có mặt tại khu vực thi công cầu Vĩnh Phú bắc qua sông Lô nối hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc, tại đây đơn vị thi công đang khẩn trương hoàn thành các hạng mục cuối trong sự ngóng đợi háo hức của bà con nhân dân hai bờ sông Lô.

img

Toàn cảnh cầu Vĩnh Phú nhìn từ trên cao

Ông Trần Trung Hiếu (66 tuối) trú tại phường Dữu Lâu, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ cho biết, người dân nơi đây rất vui mừng khi sắp có cầu mới để đi. Con gái ông lấy chồng bên Vĩnh Phúc, mỗi lần đi lại đều rất vất vả vì phải qua phà, chờ đò.

Cầu Vĩnh Phú thuộc dự án nhóm B, có tổng mức đầu tư hơn 540 tỷ đồng; có điểm đầu phía thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ kết nối với đường Trần Phú, giao với đê Hữu sông Lô và kết thúc tại điểm giao với đê Tả sông Lô, thuộc xã Đức Bác, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.

Cầu dài hơn 509m, trong đó cầu chính dài khoảng 290m, cầu dẫn phía tỉnh Phú Thọ dài 70,75m, cầu dẫn phía tỉnh Vĩnh Phúc dài khoảng 148,8m. Cầu được thiết kế 4 làn xe cơ giới, bề rộng mặt cầu chính 19m, bề rộng cầu dẫn 16,5m.

Cầu Vĩnh Phú khởi công tháng 12/2021, thời gian hoàn thành theo hợp đồng là tháng 12/2023.

"Chỉ mong nhanh đến ngày hoàn thành cây cầu để tôi có thể thoải mái đưa bà nhà tôi qua thăm con cháu. Bây giờ đi qua đò, phà đều phải nhờ con trai đưa đi, mà con cái thì bận công việc nên cũng không thường xuyên đưa đi được. Không chỉ tôi mà người dân ở đây ai cũng phấn khởi và hào hứng", ông Hiếu chia sẻ.

Sau khi chào tạm biệt ông Hiếu, PV tiếp tục xuống phà Đức Bác để di chuyển qua bờ bên kia sông thuộc huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.

Tại đây, chị Bùi Thị Trinh (41 tuổi, trú tại xã Đức Bác, huyện Sông Lô) cho biết: Mỗi ngày đi qua phà sẽ tốn thời gian hơn chừng 30 - 40 phút. Vì bây giờ nước sông Lô cạn, việc di chuyển bằng phà qua sông cũng khó khăn, bên cạnh đó mực nước thấp khiến quãng đường đi xuống phà cũng xa và vất vả hơn.

"Mong rằng cầu sớm làm xong. Lúc đó mỗi buổi sáng tôi có thể ở nhà thêm 30 phút để nghỉ ngơi, buổi tối về sớm hơn 30 phút với gia đình, chồng con", chị Trinh vui vẻ nói.

img

Khi cầu Vĩnh Phú đưa vào sử dụng, việc đi lại giữa hai bên bờ sông Lô sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Bùi Văn Đồng, Phó chủ tịch UBND xã Đức Bác cho biết: Hiện tại, số lượng công nhân đi làm phải qua sông Lô mỗi ngày lên tới vài nghìn người. Chỉ tính xã Đức Bác và một vài xã lân cận đã có khoảng 2.000 người qua sông đi làm. Ngoài ra, còn có cả các em học sinh qua TP Việt Trì đi học thêm.

"Ngay từ khi bắt đầu thi công dự án cầu Vĩnh Phú, người dân đã mong ngóng từng ngày. Thời gian hoàn thành cầu luôn là vấn đề mà người dân quan tâm. Tương lai, cầu làm xong không những giúp cho người dân đi lại thuận tiện mà còn giúp phát triển kinh tế, giao thương giữa hai tỉnh", ông Đồng chia sẻ.

Ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Hiện tại, đơn vị đang và sẽ thi công các hạng mục còn lại như thảm mặt cầu, làm khe co giãn, lan can, điện chiếu sáng, vạch kẻ đường, biển báo.

Dự kiến các công đoạn này cơ bản hoàn thành trong tháng 6 và đưa vào sử dụng vào đầu tháng 7/2023. Công tác hoàn thiện tương đối kéo dài, đặc biệt là hạng mục điện chiếu sáng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang đốc thúc nhà thầu thi công đảm bảo vượt tiến độ hợp đồng trước 5 tháng.

Một số hình ảnh phóng viên ghi nhận trong ngày 8/6:

img

Điểm đầu cầu phía Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) kết nối với đường Trần Phú, giao với đê hữu sông Lô

img

Điểm kết thúc giao với đê tả sông Lô, xã Đức Bác, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc

img

Toàn cảnh từ trên cao bến phà Đức Bác, ngay cạnh cầu Vĩnh Phú

img

Người dân trở về Vĩnh Phúc sau một ngày dài làm việc tại Phú Thọ

img

Chiều muộn, người dân bờ bên Phú Thọ vẫn đang chờ phà về Vĩnh Phúc

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.