Chính trị

Người Mỹ sử dụng điện thoại Việt, tại sao không?

12/09/2023, 06:16

"Tôi mơ sau 10 năm nữa người Mỹ sẽ sử dụng điện thoại, chip điện tử, công nghệ… do người Việt Nam sản xuất", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói.

"Trước đây, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan từng mơ người Mỹ dùng quần áo, giày dép, nông sản nhập khẩu từ Việt Nam. Giờ đây, tôi mơ sau 10 năm nữa người Mỹ sẽ sử dụng điện thoại, chip điện tử, công nghệ… do người Việt Nam sản xuất", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng chia sẻ với Báo Giao thông sau khi Việt Nam – Hoa Kỳ nâng tầm quan hệ đối tác lên mức cao nhất.

Người Mỹ sử dụng điện thoại Việt, tại sao không? - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Ảnh: VGP

Thời điểm chín muồi

Những năm đầu thập kỷ 90, bà từng dẫn đầu đoàn VCCI sang Hoa Kỳ để tìm kiếm cơ hội kết nối doanh nghiệp hai nước, góp phần không nhỏ vào việc Hoa Kỳ tiến tới dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận, bình thường hóa quan hệ với Việt Nam vào tháng 7/1995. Hôm nay, khi chứng kiến hai nước nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất, bà có cảm xúc như thế nào?

Tôi rất mừng và chợt nghĩ lại, Việt Nam và Hoa Kỳ đã trải qua một chặng đường dài. Kể từ khi có hiệp định Paris (tháng 1/1973), hai nước phải mất hơn 20 năm mới bình thường hóa quan hệ và thêm hơn 20 năm sau mới đạt được mức đối tác cao nhất là Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Tôi nghĩ đây là bước đi tất yếu. Phải nói, từ Đại hội 6, khi quyết định đổi mới, chúng ta đã đưa ra chủ trương vô cùng sáng suốt đó là Việt Nam sẽ đa dạng hóa, đa phương hóa làm bạn với tất cả các nước trên thế giới.

Trước đây, thời tôi còn làm việc ở Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI, thường xuyên tiếp xúc với các đối tác Hoa Kỳ, nhiều người bạn của tôi ở Hoa Kỳ đã sớm thể hiện mong muốn quan hệ hai nước phát triển lên đối tác chiến lược. Nhưng phải nói đây mới là thời điểm chín muồi để cả hai bên cảm thấy phù hợp nhất.

Tôi nghĩ sau Hoa Kỳ, chúng ta cũng sẽ nâng tầm đối tác chiến lược toàn diện với nhiều đối tác khác vốn là đồng minh của Hoa Kỳ.

Người Mỹ sử dụng điện thoại Việt, tại sao không? - Ảnh 2.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

Đầu tư chiến lược

Theo bà, nâng tầm quan hệ đối tác lên mức cao nhất sẽ mở ra những cơ hội nào cho Việt Nam?

Từ khi hai nước xác lập quan hệ đối tác toàn diện cách đây 10 năm, đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam đã rất lớn và trên nhiều mặt.

Nhưng bây giờ, khi đã có thêm từ "chiến lược", tất cả các khoản đầu tư sẽ đi theo các lĩnh vực mang tầm cỡ chiến lược và sâu hơn.

Với Việt Nam, các vấn đề mang tính chiến lược lúc này chính là phát triển dựa trên khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, năng lượng xanh, tập trung vào chất lượng chứ không phải số lượng.

Các hoạt động đầu tư vào Việt Nam sẽ có chọn lọc, có chất lượng, tập trung vào những lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu cao và phải có chuyển giao công nghệ.

Tôi đặc biệt kỳ vọng Việt Nam tận dụng cơ hội để chuyển đổi số, cải thiện hệ thống quản trị theo hướng khoa học, tiên tiến, minh bạch, giúp cho người quản trị hiểu được nguồn lực mình có trong tay và mình đang sử dụng như thế nào, thay đổi như thế nào để có năng suất cao hơn.

Một chuyển đổi khác không kém quan trọng chính là chuyển đổi xanh – không chỉ chuyển đổi để giữ gìn môi trường, xanh sạch, khai thác hiệu quả, giữ gìn tài nguyên, sinh thái mà còn khẳng định vị thế mới của Việt Nam khi bước ra thị trường thế giới như một đối tác có trách nhiệm của toàn cầu.

Trong đó có cơ hội chuyển đổi năng lượng. Trên thực tế khoảng 10 năm trở lại đây, khi Việt Nam thực hiện một loạt nghiên cứu đánh giá sâu về năng lượng, đồng thời công nghệ chuyển dịch năng lượng tái tạo toàn cầu thay đổi nhanh, Việt Nam đã được chứng minh là có đủ nguồn năng lượng tái tạo lâu dài, đảm bảo cung cấp năng lượng điện cho cả quốc gia.

Xác định "chuẩn xanh" để vào thị trường Mỹ

Vậy năng lực, vốn liếng ở đâu để khai thông tiềm năng này? Các nhà đầu tư về năng lượng tái tạo của Hoa Kỳ liệu có thể làm được điều đó, thưa bà?

Họ đã rất quan tâm. Còn nhớ thời điểm ông Donald Trump đắc cử Tổng thống, Thủ tướng nước ta lúc đó là ông Nguyễn Xuân Phúc đã sang thăm Hoa Kỳ gặp lãnh đạo Nhà Trắng, tiếp xúc với các doanh nghiệp. Có khoảng 200 doanh nghiệp đã ký bản ghi nhớ (MOU) để làm năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Nhưng từ năm 2016 đến nay, chưa có nhiều thay đổi. Tôi nghĩ họ chờ đợi một quan hệ đối tác chiến lược toàn diện như hai bên vừa thiết lập.

Năng lượng tái tạo đang trở thành lĩnh vực chiến lược và rất "hot". Chúng ta cần bắt tay ngay để thực hiện nếu không sẽ muộn.

Bởi, sự thay đổi về nguồn năng lượng đang trở thành sức ép lớn trên quốc tế, về lâu dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu của Việt Nam. Một loạt thị trường lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Australia đều có cam kết rất lớn về chuyển đổi xanh, thậm chí nhiều nơi đã làm, áp dụng tiêu chuẩn xanh.

Với những mặt hàng là thế mạnh xuất khẩu của chúng ta như dệt may, nông sản… đã có nhiều nơi yêu cầu phải có "chuẩn xanh" (từ nguồn năng lượng cho đến cách thức sản xuất).

Trong tương lai, nếu không đạt được tiêu chuẩn xanh về hàng hóa thì khó có thể xuất khẩu.

Tập trung vào lĩnh vực ta đang khao khát

Vậy Việt Nam cần có những chính sách gì để đón dòng đầu tư?

Theo tôi, Việt Nam không cần có thêm nhiều quy định mới.

Việt Nam đã cam kết trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), hai hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.

Trước đây, Hoa Kỳ từng tham gia CPTPP nên đã đồng ý hết với tất cả các điều kiện đó chỉ có điều dưới thời Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Hoa Kỳ đã thay đổi chiến lược khác.

Do đó, tất cả những quy định trong những thỏa thuận này đã có sẵn và cũng rất hiện đại nếu tuân thủ đầy đủ thì đã có thể làm được, không cần phải nghĩ thêm dù để thực hiện được cũng rất khó.

Quan trọng là chúng ta cần tự thay đổi mình, tạo điều kiện cho đầu tư kinh doanh những lĩnh vực cao mà ta đang khao khát.

Con người, nguồn nhân lực Việt Nam đủ trình độ về tư duy, nhận thức, khả năng tiếp nhận công nghệ, kỹ năng làm việc… để đón nhận công nghệ mới.

Với quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, bà hình dung thế nào về câu chuyện tương lai?

Sau 10 năm, Việt Nam đã phát triển mạnh, là nước đúng thứ 7 trong các đối tác thương mại của Hoa Kỳ và đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ trong ASEAN.

Trong 10 năm tới, tôi mong Việt Nam tiếp tục giữ được vị trí như vậy nhưng cấu trúc xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ nâng tầm lên sản phẩm xanh. Từ đó, người Việt Nam sẽ đạt được giá trị gia tăng cao hơn, chất lượng lao động, các quy trình sản xuất tốt hơn.

Cấu trúc các sản phẩm xuất khẩu tới đây sẽ được bổ sung thêm một số sản phẩm điện tử và sẽ có tỉ trọng lớn hơn trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Khi đó, người dân Hoa Kỳ sẽ dùng điện thoại, con chip, công nghệ cao… do Việt Nam sáng tạo.

Ước mơ của tôi là như vậy!

Cảm ơn bà!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.