Hỏi - Đáp

Nhận thông báo phạt nguội xe máy, chủ xe cần làm gì?

03/04/2024, 16:07

Khi nhận thông báo phạt nguội, người vi phạm giao thông cần đến trụ sở công an nơi xảy ra vi phạm hoặc nơi cư trú để giải quyết vụ việc vi phạm giao thông và nhận quyết định xử phạt vi phạm.

Quy trình xử lý phạt nguội

Thời gian qua, công an một số địa phương như Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Gia Lai... triển khai có hiệu quả việc phát hiện, xử phạt qua hình ảnh thu từ camera giám sát đối với các trường hợp người điều khiển xe máy vi phạm giao thông đường bộ.

Ở những tỉnh này, lực lượng chức năng hàng ngày sẽ kiểm soát người điều khiển xe máy vi phạm thông qua hệ thống camera giám sát ở các tuyến đường. Sau khi xác minh thông tin về phương tiện và người đứng tên đăng ký, cảnh sát thông báo công khai biển số xe vi phạm và gửi thông báo cho chủ phương tiện đó.

Nhận thông báo phạt nguội xe máy, chủ xe cần làm gì?- Ảnh 1.

Hình ảnh người lái xe máy vi phạm bị Công an tỉnh Bắc Giang trích xuất để gửi thông báo.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, một cán bộ CSGT tham gia công tác xử phạt vi phạm hành chính ở Hà Nội cho biết, phạt nguội được áp dụng thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của lực lượng chức năng hoặc được ghi thu bằng thiết bị kỹ thuật của tổ chức, cá nhân và thông tin, hình ảnh đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội mà lực lượng chức năng không dừng xe xử lý được ngay.

Hiện nay, việc phạt nguội ô tô và xe máy đang thực hiện theo các quy định tại Thông tư số 15/2022/TT-BCA sửa đổi, bổ sung Thông tư số 65/2020/TT-BCA ngày 19/6/2020.

Cụ thể, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm, cán bộ chức năng thuộc cơ quan công an nơi phát hiện vi phạm phải xác định thông tin về phương tiện, chủ phương tiện có liên quan. 

Sau đó gửi thông báo cho người liên quan theo thông tin cư trú trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chủ phương tiện, người điều khiển đến trụ sở làm việc.

Trường hợp chủ phương tiện, người điều khiển không cư trú tại địa bàn đó, cán bộ chức năng chuyển kết quả vi phạm kèm hình ảnh cho công an cấp xã hoặc cấp huyện nơi người đó cư trú để để giải quyết, xử lý vụ việc vi phạm.

"Sau khi cơ quan chức năng lập biên bản về lỗi vi phạm đó, chủ phương tiện hoặc người vi phạm có thể nộp phạt trực tiếp hoặc qua nộp online qua hệ thống dịch vụ công", cán bộ CSGT giải thích.

Các hình thức nộp phạt nguội 

Trước khi tiến hành nộp phạt nguội, người vi phạm giao thông cần đến trụ sở công an nơi xảy ra vi phạm hoặc nơi cư trú (nếu không cư trú trong địa bàn huyện nơi xảy ra vi phạm) để giải quyết vụ việc vi phạm giao thông bị phạt nguội và nhận quyết định xử phạt vi phạm.

Sau khi có quyết định xử phạt giao thông, tổ chức, cá nhân có thể nộp phạt theo một trong các cách quy định tại Điều 20 Nghị định 118/2021/NĐ-CP như sau:

Một là, nộp tiền mặt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc tại ngân hàng nơi Kho bạc nhà nước mở tài khoản được ghi trong quyết định xử phạt giao thông.

Hai là, chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt.

Ba là, nộp phạt Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Bốn là, nộp phạt trực tiếp cho cảnh sát giao thông đối với lỗi vi phạm dưới bị phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức.

Năm là, nộp phạt qua bưu điện.

Chậm nộp phạt nguội sẽ bị tính lãi  

Theo vị cán bộ CSGT, nhiều chủ xe máy cho rằng, xe máy không đi đăng kiểm thì có thể "phớt lờ" thông báo phạt nguội. Tuy nhiên, với việc triển khai cấp biển số xe theo mã định danh hiện nay, việc truy tìm các chủ xe trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Ngoài ra, các dữ liệu vi phạm giao thông bị phạt nguội được cập nhật lên hệ thống chung, để khi chiếc xe đó có vi phạm giao thông nào bị dừng xe xử lý trực tiếp, thì CSGT có thể xử phạt luôn các lỗi phạt nguội trước đó.

Bổ sung thêm nội dung này, luật sư Nguyễn Tiến Dũng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhấn mạnh theo khoản 1, Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Khoản 1, Điều 5 Thông tư số 18/2023/TT-BTC quy định: Nếu quá thời hạn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức chưa nộp tiền phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

Số ngày chậm nộp tiền phạt bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo chế độ quy định và được tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp tiền phạt đến trước ngày cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nộp tiền phạt vào ngân sách Nhà nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.