Thế giới giao thông

Những phụ nữ vượt định kiến lái xe tuk tuk ở Campuchia

Phải hứng chịu lời lẽ phân biệt đối xử, những nữ lái xe tuk tuk vẫn kiên nhẫn vượt qua mọi khó khăn để dần khẳng định bản thân, tiên phong phá vỡ định kiến.

Phá vỡ định kiến

Hằng ngày, nữ tài xế tuk tuk Roeung Sorphy khéo léo điều khiển xe len lỏi qua các đường phố ở Xiêm Riệp, lách qua hàng dài ô tô, xe máy để đưa du khách đến với khu đền Angkor Wat nổi tiếng của Campuchia.

Những phụ nữ vượt định kiến lái xe tuk tuk ở Campuchia - Ảnh 1.

Những phụ nữ lái tuk tuk trang trí chiếc xe của mình bằng hoa sen. Ảnh: AFP.

Với mỗi chuyến đi vòng quanh Angkor Wat, trung bình người phụ nữ 37 tuổi nhận được 15 USD (hơn 350.000 đồng).

Nhưng trên con đường đưa đón hành khách kiếm sống, cô không chỉ phải né tránh những phương tiện giao thông, mà còn phải đối mặt với hàng loạt lời chế nhạo, khinh miệt và định kiến chỉ vì là "phụ nữ lái xe tuk tuk".

Campuchia những năm qua đã thực hiện nhiều chính sách và hành động thực tế hướng tới xây dựng bình đẳng giới, nhưng đâu đó vẫn còn tư tưởng gia trưởng, bảo thủ. Phụ nữ được kỳ vọng ở nhà chăm lo việc gia đình, thay vì ra ngoài lao động kiếm tiền.

Những phụ nữ vượt định kiến lái xe tuk tuk ở Campuchia - Ảnh 2.

Phụ nữ lái tuk tuk chở khách du lịch nước ngoài.

Những ngày đầu tiên xuống đường làm tài xế xe tuk tuk thật gian khó với cô Sorphy. Thậm chí nhiều lúc cô bị quấy rối, hành hung và tranh giành tiền vé bởi những người đàn ông.

"Lúc đầu, những tài xế nam tỏ thái độ khinh bỉ coi thường tôi. Họ nói rằng phụ nữ chúng tôi nên ở nhà rửa bát", cô Sorphy vừa nói vừa thoăn thoắt dọn dẹp xe sạch sẽ và trang trí bằng những bông sen trắng tuyệt đẹp – điều mà khó tài xế nam giới nào có thể làm được.

Dẫu chịu sự khinh miệt như vậy nhưng Sorphy vẫn kiên trì với công việc. Cô đã vay 3.000 USD (khoảng hơn 73 triệu đồng) để mua xe tuk tuk và bắt đầu hành trình trên các con đường rợp bóng mát khu vực Angkor. "Phụ nữ không thể chỉ dựa vào chồng", cô khẳng định, đồng thời kêu gọi nhiều phụ nữ cùng tham gia làm nghề lái xe như những người đàn ông khác.

Những nỗ lực, bản lĩnh và sự kiên trì của những người phụ nữ như cô Sorphy đã mang lại kết quả. Sau ba năm hành nghề, các tài xế nam đã dần chấp nhận những nữ lái xe tuk tuk như cô.

"Chúng tôi đã buộc những người đàn ông phải thấu hiểu. Họ không còn phân biệt đối xử, thay vào đó coi chúng tôi như những đồng nghiệp ", cô Sorphy bày tỏ.

Mong có thêm nhiều phụ nữ lái xe tuk tuk

Một nữ lái xe khác với câu chuyện truyền cảm hứng tới tất cả các nữ tài xế là nữ tài xế Kim Sokleang, hay còn được biết đến với biệt danh "Tuk tuk Lady". Chia sẻ với phóng viên địa phương trong khi chờ hành khách tại đền Bayon, cô Kim nói: "Sự phân biệt đối xử với phụ nữ Campuchia vẫn tồn tại".

Những phụ nữ vượt định kiến lái xe tuk tuk ở Campuchia - Ảnh 3.

Nữ tài xế tuk tuk Sorphy lái xe di chuyển qua khu du lịch nổi tiếng của Campuchia. Ảnh: AFP.

Cô Kim bắt đầu bước chân vào nghề này từ khi bước ra khỏi cuộc hôn nhân với hai bàn tay trắng vào năm 2013 để nuôi hai con trai. "Ngày đầu tiên làm việc, tôi ngồi không, chẳng hề có khách", cô Kim nói và nhớ lại kỷ niệm khi một khách nữ từ chối lời mời lên xe vì e ngại không an toàn.

Nhận thấy thủ đô Phnom Penh khó khăn, bà mẹ 39 tuổi chuyển đến Xiêm Riệp vào năm 2015 để chở khách du lịch. Cô không thể quên những ngày đầu, khó khăn đến mức cô bật khóc nức nở trên xe tuk tuk: "Họ cho rằng phụ nữ quá yếu, không đủ sức cầm lái".

Song, lựa chọn chuyển đến khu du lịch phần nào sáng suốt vì khách du lịch nước ngoài dường như dễ dàng chấp nhận phụ nữ lái xe hơn. "Tuk tuk Lady" hiện được du khách trong và ngoài nước ca ngợi khi đến thăm địa điểm du lịch hàng đầu Campuchia.

Thậm chí nhiều du khách như cô Stine Solheim, người Na Uy cùng một người bạn còn cảm thấy an toàn khi ngồi trên xe do cô Kim lái và rất ấn tượng với nỗ lực đấu tranh vì phụ nữ của cô: "Tôi thực sự cảm nhận được niềm đam mê, thích thú và niềm tự hào của họ với công việc này".

Để giúp đỡ phụ nữ trong nghề lái xe cũng như khuyến khích thêm nhiều phụ nữ làm việc trong lĩnh vực này, năm ngoái, nữ tài xế Kim Sokleang đã thành lập Hiệp hội tài xế Siem Reap Remorque. Nhóm của cô gồm 20 nữ tài xế, 6 người trong số họ cũng giống như cô Kim, là bà mẹ đơn thân.

Ngoài ra, cô còn kiến nghị chính phủ quan tâm hơn tới phụ nữ trong nghề lái xe. "Chỉ cần các nhà lãnh đạo đến và đi xe tuk tuk do phụ nữ lái thì động thái đó sẽ giúp phá tan những thành kiến", cô Kim nói.

Xe tuk tuk là một trong những phương tiện giao thông nổi tiếng nhất của Campuchia, có hai bánh được kéo bằng xe máy. Hiện chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng tổ chức phi chính phủ Dân chủ Độc lập của Hiệp hội Kinh tế phi chính thức ước tính có hàng chục nghìn tài xế tuk tuk đang hoạt động trên khắp Campuchia.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.