Đường thủy

Những tuyến đường thủy nội địa nào được phân cấp cho địa phương quản lý?

03/12/2023, 19:31

Tỉnh Quảng Ninh, TP.HCM và Đà Nẵng được phân cấp quản lý Nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thủy nội địa tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành Thông tư 13/2023 quy định về phân cấp quản lý Nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thủy nội địa tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu.

Những tuyến đường thủy nội địa nào được phân cấp cho địa phương quản lý? - Ảnh 1.

UBND các tỉnh, thành phố được phân cấp quản lý các tuyến đường thủy nội địa có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp (Ảnh minh họa).

Thông tư này quy định về phân cấp cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện quản lý Nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thủy nội địa tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu thuộc phạm vi quản lý của Bộ GTVT.

Theo đó, ba địa phương được phân cấp thực hiện quản lý Nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thủy nội địa gồm Quảng Ninh, TP.HCM và Đà Nẵng.

Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Ninh được phân cấp thực hiện quản lý Nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thủy nội địa tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu trên 20 tuyến đường thủy nội địa.

Các tuyến bao gồm: Sông Khê Nữ (từ ngã ba sông Uông tới thượng lưu cảng xuất sét nhà máy xi măng Hải Phòng), sông Chanh (từ hạ lưu cầu Mới 200m tới ngã ba Sông Chanh - Bạch Đằng); Luồng Bài Thơ (từ Hòn Đầu Mối tới núi Bài Thơ); Nhánh (từ Bìa Đồng tới Vạ Ráy ngoài giuộc giữa); Luồng Sậu Đông - Cửa Mô; luồng Hòn Gai (từ Hòn Đũa tới Hòn Tôm); Lạch Đầu Xuôi (Hòn Sãi Cóc tới Hòn Mười). 

Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh cũng sẽ thực hiện quản lý Nhà nước tại các tuyến đường thủy gồm: Tuyến Lạch Giải (từ Hòn Sãi Cóc tới Hòn Một); Lạch Buộm (từ Hòn Buộm tới Hòn Đũa); Luồng Vũng Đục (từ Vũng Đục tới Hòn Buộm); Luồng Hạ Long – Yên Hưng; Luồng Bái Tử Long – Lạch Sâu; Luồng Sậu Đông - Tiên Yên; Luồng Hòn Đũa - Cửa Đối; Luồng Vân Đồn - Cửa Đối; Luồng Cửa Đối - Cô Tô; luồng Lạch Ngăn; Lạch Cẩm Phả - Hạ Long; Luồng Móng Cái - Vân Đồn - Cẩm Phả và sông Móng Cái.

UBND TP.HCM được phân cấp quản lý trên 9 tuyến đường thủy nội địa với tổng chiều dài 57,5km, bao gồm: Kênh Tẻ (đoạn từ ngã ba Sông Sài Gòn tới ngã ba Kênh Đôi); Kênh Đôi (đoạn từ ngã ba Kênh Tẻ tới ngã ba sông Chợ Đệm - Bến Lức); Rạch Ông Lớn (từ ngã ba Kênh Tẻ tới ngã ba Kênh Cây Khô); Kênh Cây Khô (từ ngã ba sông Cần Giuộc tới ngã ba Rạch Ông Lớn); Sông Chợ Đệm - Bến Lức (từ ngã ba Kênh Đôi tới hạ lưu ngã tư bến đò Tân Bửu 150m); Sông Cần Giuộc (từ ngã ba kênh Cây Khô tới Rạch Dơi); Sông Sài Gòn (từ ngã ba Rạch Bến Nghé tới ngã ba Rạch Vĩnh Bình); Rạch Đào 1 (từ ngã ba Sông Sài Gòn tới đường nội bộ tổng kho Thủ Đức); Rạch Đào 2 (từ Rạch Chiếc tới đường nội bộ tổng kho Thủ Đức).

Đối với UBND thành phố Đà Nẵng được phân cấp quản lý trên 2 tuyến đường thủy nội địa với tổng chiều dài 19,9km, gồm tuyến sông Hàn (đoạn từ Đèn Xanh Bắc của đập Nam Bắc tới ngã ba sông Hàn - Vĩnh Điện - Cẩm Lệ) và tuyến sông Vĩnh Điện (đoạn từ ngã ba sông Hàn - Vĩnh Điện - Cẩm Lệ tới hạ lưu cầu Tứ Câu).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.