Thị trường

"Ông lớn" xăng dầu Hải Hà trong vòng xoáy nợ nần

10/01/2024, 11:02

Doanh thu thuần năm 2022 của Hải Hà Petro là 30.060 tỷ đồng (tăng 58,8% so với năm 2021) nhưng doanh nghiệp này báo lỗ 2.574 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế đến 31/12/2022 lên 4.577 tỷ đồng.

Chiều 9/1, nhiều công an có mặt tại trụ sở Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro, địa chỉ tại số 132, tổ dân phố số 6, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, Tỉnh Thái Bình) để làm việc.

Hải Hà Petro là một trong những doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lớn trên cả nước, trụ sở đóng tại tỉnh Thái Bình. Theo kết luận mới được công bố Thanh tra Chính phủ công bố, doanh nghiệp này vi phạm pháp luật trong việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường; sử dụng Quỹ Bình ổn giá sai mục đích bình ổn. Hồ sơ vụ việc đã được chuyển sang Bộ Công an xem xét xử lý.

Nợ thuế nghìn tỷ

Mới đây, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà bị "bêu tên" vì nợ thuế. Cục Thuế tỉnh Thái Bình đã gửi thông báo tới Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an về việc đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Trần Tuyết Mai (SN 1961), người đại diện theo pháp luật của Hải Hà Petro.

Ngoài ra, công ty này còn dính lùm xùm trong vụ việc bị BIDV chi nhánh Long Biên cấn trừ nợ từ tài khoản quỹ bình ổn giá xăng dầu được mở tại chi nhánh này. Sau nhiều bài phản ánh của Báo Giao, BIDV đã trả lại số tiền đã cần nợ từ Hải Hà.

"Ông lớn" xăng dầu Hải Hà trong vòng xoáy nợ nần- Ảnh 1.

Hải Hà Petro là một trong những doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lớn trên cả nước.

Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà được thành lập tháng 9/2003 do ông Tô Văn Thọ (SN 1959) làm Chủ tịch Hội đồng thành viên. Vốn điều lệ ban đầu 180,44 tỷ đồng.

Ngoài mạng lưới kinh doanh xăng dầu trên khắp cả nước, Hải Hà còn lấn sân sang mảng bất động sản với việc đầu tư nghiên cứu quy hoạch dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng vui chơi giải trí, khu cảng dịch vụ cảng, khu công nghiệp xã Thái Thượng có quy mô diện tích 993 ha.

Cơ cấu cổ đông ban đầu của Hải Hà Petro gồm 6 cá nhân, trong đó ông Thọ sở hữu 23,4%; bà Trần Tuyết Mai (là vợ ông Thọ) sở hữu 22,9%; ông Lê Phi Quang sở hữu 9,36%; bà Trần Thị Thu Hằng sở hữu 18,92%; bà Trần Thị An sở hữu 14,68% và ông Trần Văn Chín sở hữu 10,75%.

Vào tháng 6/2023, ông Thọ bất ngờ rút lui khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT. Bà Mai là người thay thế, đồng thời giữ chức tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Hải Hà Petro.

Bà Trần Tuyết Mai còn từng là người đại diện theo pháp luật cho Công ty TNHH Xăng dầu Hải Hà Thái Bình (Hải Hà Thái Bình) - Công ty thành viên của Hải Hà Petro. Hiện tại, người đại diện theo pháp luật của Hải Hà Thái Bình được thay đổi sang tên ông Nguyễn Mạnh Linh.

Sau nhiều lần tăng vốn, cơ cấu cổ đông Hải Hà Petro cũng biến động, chỉ còn lại 3 cổ đông tham gia góp vốn. Ông Tô Văn Thọ rút vốn, trong khi bà Trần Tuyết Mai nâng tỷ lệ sở hữu lên 69%; bà Trần Thị Thu Hằng sở hữu 21,3% và ông Ngô Thanh Vui sở hữu 9,7%.

Nữ doanh nhân Trần Tuyết Mai cùng chồng là ông Tô Văn Thọ vốn đã nổi danh ở đất Thái Bình khi sở hữu Hải Hà Petro. Họ thường xuyên có những giao dịch đảm bảo tại ngân hàng, trong đó ghi nhận phần lớn là việc dùng cổ phần của Hải Hà Petro đi thế chấp.

Trong số các giao dịch đảm bảo của bà Tuyết Mai, cập nhật mới đây tháng 2/2023 ghi nhận bà Mai mang 47,8% vốn cổ phần tại Hải Hà Petro thế chấp tại ngân hàng TMCP Đầu tư phát triển Việt Nam chi nhánh Long Biên Hà Nội (BIDV).

Thua lỗ nhiều năm liên tiếp

Là "ông lớn" trong ngành xăng dầu, song tình hình kinh doanh của Hải Hà Petro lại chìm ngập trong thua lỗ nhiều năm liền. Doanh thu thuần năm 2022 của Hải Hà Petro lên tới 30.060 tỷ đồng, tăng 58,8% so với năm 2021.

Nhưng riêng năm 2022, Hải Hà báo lỗ 2.574 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế đến 31/12/2022 lên 4.577 tỷ đồng. Kết quả là công ty âm vốn chủ sở hữu 4.122 tỷ đồng.

Tính đến 31/12/2022, nợ phải trả của Hải Hà Petro lên đến 17.142 tỷ đồng, tăng 3.982 tỷ đồng, tương đương 30,3% so với cuối năm 2021, cao gấp 1,3 lần tổng tài sản công ty.

Hồi cuối tháng 10/2023, Cục Thuế tỉnh Thái Bình đã công khai thông tin 107 người nộp thuế còn nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước với số tiền là 2.199 tỷ đồng (tính đến 30/9/2023). Hải Hà Petro tiếp tục là doanh nghiệp có số nợ lớn nhất, với tổng số nợ trên 1.781 tỷ đồng.

Đây không phải lần đầu tiên Hải Hà Petro bị bêu tên nợ thuế tại Thái Bình. Trước đó, ngày 31/12/2022, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước của Hải Hà Petro là 1.375 tỷ đồng. Trong đó có 1.141 tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường và các loại thuế khác. Đứng sau là thuế giá trị gia tăng phải nộp (163 tỷ đồng), thuế tiêu thụ đặc biệt (37,4 tỷ đồng), thuế xuất nhập khẩu (34 tỷ đồng).

Quá trình kinh doanh, Hải Hà Petro còn khoản đầu tư vào công ty dược. Báo cáo tình hình quản trị của CTCP Dược phẩm Trung ương I Pharbaco (mã chứng khoán PBC) ghi nhận sự xuất hiện của cổ đông là Công ty Hải Hà.

Tháng 10/2020, Vận tải Hải Hà công bố thông tin mua thêm thành công 10,1 triệu cổ phiếu PBC, nâng tổng lượng sở hữu sau giao dịch lên 20 triệu đơn vị (tỷ lệ 22,22%). Bà Trần Tuyết Mai đảm nhận chức vụ Chủ tịch HĐQT của Dược phẩm Trung ương I Pharbaco từ tháng 11/2020. Cũng trong năm 2020, ông Tô Thành Hưng được bầu vào HĐQT và hiện giữ chức Tổng giám đốc công ty.

Tuy nhiên, tháng 3/2023, bà Tuyết Mai có đơn xin từ nhiệm thành viên HĐQT với lý do bận việc gia đình. Ông Tô Thành Hưng vẫn là Tổng giám đốc công ty Pharbaco.

Năm 2022, Pharbaco lãi 60 tỷ đồng, doanh thu vượt 1.000 tỷ đồng. Trước đó, từ 2018 đến 2020, lợi nhuận của Pharbaco chỉ 4-11 tỷ đồng.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.