Hàng hải

Phá sản Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy là để hồi sinh

08/01/2024, 20:20

Ngày 8/1, tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GTVT làm việc với Tổng công ty công nghiệp tàu thủy (SBIC) và các công ty thành viên về triển khai thực hiện Nghị quyết số 220/NQ-CP của Chính phủ.

Các đơn vị vẫn hoạt động bình thường, đảm bảo quyền lợi cho người lao động

Buổi làm việc với SBIC nằm trong lộ trình xử lý tổng công ty này theo hướng phá sản (công ty mẹ - SBIC và 7 công ty con từng là các nhà máy đóng tàu nòng cốt của Tập đoàn Vinashin cũ).

Phá sản Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy là để hồi sinh- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết, SBIC có hai nhiệm vụ rất quan trọng đó là đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường và xúc tiến việc triển khai các quy trình thủ tục để nộp đơn mở thủ tục phá sản ra toà án có thẩm quyền.

Để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, SBIC cần sớm kiện toàn bộ máy, nhân sự và rà soát lại các khó khăn vướng mắc để phối hợp với Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) tháo gỡ, tạo điều kiện tối đa cho các công ty thành viên.

Trong quá trình triển khai thực hiện thủ tục phá sản, các công ty thành viên SBIC phải tuân thủ theo đúng quy định pháp luật, nguyên tắc của thị trường, giảm thiếu tổn thất tiền và tài sản tiền của Nhà nước. Đồng thời, đảm bảo công khai minh bạch tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, quan tâm đảm bảo quyền lợi hợp pháp chính đáng của người lao động, cơ chế kiểm tra giám sát phải đảm bảo chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện…

Phá sản Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy là để hồi sinh- Ảnh 2.

Việc phá sản công ty theo thủ tục nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi của người lao động.

"Tôi mong muốn toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động SBIC tiếp tục phát huy truyền thống, đồng lòng, quyết tâm vượt qua giai đoạn khó khăn, đáp ứng ngày càng cao của ngành công nghiệp tàu thủy trong thời gian tới. Phá sản là để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hồi sinh. Phá sản để tổ chức lại, nâng cao năng lực, hiệu quả của các đơn vị. Dù ai làm chủ thì vẫn rất cần đến đội ngũ cán bộ quản lý, người lao động có kinh nghiệm, dày dạn kinh nghiệm...", Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng yêu cầu Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Sài Gòn (SSIC) và Công ty TNHH MTV Đóng tàu và Công nghiệp Hàng hải Sài Gòn (Saigon Shipmarin) nhanh chóng thực hiện ngay các trình tự thủ tục hồ sơ để nộp lên tòa án có thẩm quyền mở thủ tục phá sản.

Về phía Công ty TNHH MTV Đóng tàu 76 tiếp tục thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 65 của Chính phủ trong việc xử lý tổ chức, cá nhân triển khai chậm và triển khai không hiệu quả.

Đảm bảo quyền lợi của khách hàng

Tại hội nghị, đại diện Công ty SSIC băn khoăn đặt câu hỏi, hiện nay có nhiều khách hàng, đối tác nước ngoài rất quan tâm, lo lắng về hoạt động của công ty khi triển khai làm thủ tục phá sản. Trong khi một khách hàng nước ngoài của đơn vị này lo lắng về hợp đồng đóng tàu ở SSIC đến tháng 6/2025 mới hoàn tất, liệu quyền lợi có được đảm bảo; Đồng thời, mong muốn có thông tin cụ thể từ chủ trương của Chính phủ, Bộ GTVT về tình hình hoạt động trong thời gian sắp tới…

Phá sản Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy là để hồi sinh- Ảnh 3.

Ông Trần Tấn Châm, Tổng giám đốc Công ty SSIC đặt câu hỏi.

Trước tâm tư của doanh nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết, lộ trình tiến hành các thủ tục phá sản SBIC và các đơn vị thành viên sẽ được thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Công tác truyền thông không chỉ hướng tới cán bộ, nhân viên, người lao động mà còn giúp các khách hàng đang ký kết hợp đồng với các đơn vị thành viên của SBIC nắm bắt. Các công ty có phương án đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường cho đến khi tòa nhận hồ sơ thụ lý và tuyên bố phá sản.

Giải thích về thủ tục pháp lý, bà Nguyễn Thị Thuỳ Dung, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân TP.HCM cho biết, các doanh nghiệp phải tuân thủ theo Luật Phá sản, cần thuê công ty luật hoặc luật sư để tư vấn về các thủ tục phá sản hiện nay. Nếu các bên đã ký hợp đồng rồi mà đang trong quá trình triển khai đóng tàu thì tiếp tục thực hiện hợp đồng bình thường.

Phá sản Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy là để hồi sinh- Ảnh 4.

Bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân TP.HCM giải đáp những khúc mắc của đại biểu.

Cũng theo Phó Chánh án Tòa án Nhân dân TP.HCM, trong Luật Phá sản cũng có quy định về cơ chế phục hồi, tức là sau khi mở thủ tục phá sản vẫn cho phép các chủ nợ cũng như các doanh nghiệp bị đề nghị phá sản ngồi lại thương lượng và đưa ra những phương án phục hồi. Đây là quá trình làm việc rất nghiêm túc và hết sức linh hoạt giữa doanh nghiệp, quản tài viên…

Ông Ngô Tùng Lâm, phụ trách Đảng bộ SBIC cho biết, sẽ chỉ đạo các công ty đơn vị thành viên rà soát, hoàn thiện tất cả hồ sơ và liên hệ với tòa án địa phương để nhận được sự hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ sớm nhất theo quy định pháp luật.

Đồng thời, tiếp tục quán triệt chỉ đạo các đơn vị duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo thu nhập, việc làm, chế độ chính sách cho người lao động trong thời gian quá trình thực hiện Nghị quyết 220 của Chính phủ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.