Thế giới giao thông

Phát triển trạm sạc xe điện, vì sao nên học Đức?

25/03/2024, 07:52

Theo chuyên gia, kinh nghiệm từ Đức cho thấy, việc chuẩn bị trạm sạc đầy đủ, phù hợp chính là một trong những yếu tố quan trọng và Việt Nam nên học hỏi mô hình này.

Tỉ lệ trạm sạc ở Việt Nam còn quá thấp

Theo các chuyên gia, Việt Nam đã đặt mục tiêu đến năm đến năm 2050, toàn bộ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Trong quá trình này, việc thúc đẩy phát triển hạ tầng trạm sạc là yếu tố không thể tách rời.

Phát triển trạm sạc xe điện, vì sao nên học Đức?
- Ảnh 1.

Một trạm sạc xe điện tại Đức.

Theo một nghiên cứu tại Mỹ, việc thiếu trạm sạc là một trong ba rào cản chính đối với người tiêu dùng khi quyết định mua và sử dụng xe điện.

Song, tỷ lệ trạm sạc của Việt Nam hiện nay còn thấp. Tính đến năm 2021, chỉ có duy nhất VinFast sở hữu 150.000 cổng sạc được lắp đặt tại 63 tỉnh, thành trong cả nước. Do đó, việc lồng ghép các trạm sạc vào hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ tại Việt Nam cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và đảm bảo đồng bộ.

Từ nghiên cứu các mô hình trên thế giới, hiến kế vào việc phát triển trạm sạc tại Việt Nam, GS.TS Wilmar Matinez, chuyên gia nghiên cứu về năng lượng điện đến từ Đại học KU Leuven (Vương quốc Bỉ) nhận định, Việt Nam nên học tập mô hình của Đức.

Chính phủ Đức đặt mục tiêu vào năm 2030 sẽ có 15 triệu ô tô chạy hoàn toàn bằng điện. Tới năm 2035, Đức cũng như các quốc gia khác thuộc Liên minh châu Âu sẽ cấm bán ô tô mới phát thải CO2. Tình trạng thiếu điểm sạc được coi là một trong những thách thức lớn nhất, cản trở những mục tiêu này.

Song, thời gian gần đây, cơ sở hạ tầng sạc công cộng cho ô tô điện ở Đức tiếp tục phát triển và khoảng cách giữa cung và cầu đang bắt đầu thu hẹp. Cuối năm 2022, Đức đã công bố "Kế hoạch tổng thể về cơ sở hạ tầng sạc", đặt nền tảng để đạt được 1 triệu điểm sạc công cộng đạt tiêu chuẩn vào năm 2030.

Sạc pin phải dễ dàng như bơm xăng

Theo số liệu do cơ quan quản lý xe cơ giới của Đức công bố, Berlin dự định chi 6,6 tỷ euro (6,17 tỷ USD) trong ba năm kể từ năm 2022. Trọng tâm của kế hoạch là xây dựng trạm sạc ở các địa phương đang thiếu nguồn cung, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, nơi các điểm sạc khó tìm hơn so với thành phố lớn.

Đức cũng chuẩn bị mặt bằng để có thể xây dựng các trạm sạc mới, đặc biệt là các địa điểm dọc đường cao tốc. Chủ sở hữu ô tô điện tư nhân sẽ được trợ cấp để giúp lắp đặt các tấm pin mặt trời tại nhà để ô tô của họ có thể được sạc qua đêm. Chính phủ cũng chuẩn bị để lưới điện tăng chịu tải khi số lượng xe điện tăng lên.

Phát biểu khi trình bày kế hoạch tổng thể phát triển hạ tầng sạc năm 2022, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đức Volker Wissing lưu ý: "Lưới điện sẽ chịu thêm áp lực khi số lượng xe điện tăng lên, do đó Đức phải chuẩn bị cho phù hợp".

Người đứng đầu ngành giao thông Đức nhấn mạnh, để phương tiện sử dụng điện được chấp nhận thì cần phải làm cho khả năng sạc pin dễ dàng như việc bơm xăng, tiếp nhiên liệu như hiện nay.

Đẩy mạnh nghiên cứu và hỗ trợ tài chính

Nhấn mạnh về cách thức phát triển hạ tầng sạc của Đức, chuyên gia Matinez cho biết, trong quá trình đẩy mạnh hạ tầng sạc, Đức đã và đang đẩy mạnh đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) thông qua các khoản tài trợ, các quỹ nghiên cứu. Trong đó có quỹ đầu tư lên đến 240 tỷ Euro, ngoài ra còn được hỗ trợ thêm 40 tỷ Euro từ quỹ nghiên cứu chung châu Âu.

Phát triển trạm sạc xe điện, vì sao nên học Đức?
- Ảnh 2.

Một trạm sạc nhanh tại Đức sử dụng công nghệ sạc của Tesla.

Theo Cleanenergywire, tờ báo của Đức, có hai chương trình hỗ trợ sạc cho các hộ gia đình và sạc nhanh cho ô tô, xe tải thương mại.

Một chương trình sẽ hỗ trợ cho hạ tầng sạc điện trong các tòa nhà dân cư tư nhân với một gói hỗ trợ kết hợp giữa các trạm sạc, hệ thống quang điện và kho lưu trữ. Với chương trình này, Đức dự kiến sẽ cấp nguồn tài chính lên tới 500 triệu euro và đã bắt đầu vào mùa thu năm 2023.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng sạc nhanh cho ô tô và xe tải thương mại sẽ được cấp 400 triệu euro khác.

Từ kinh nghiệm của Đức và áp dụng với Việt Nam, chuyên gia Matinez cho rằng, trước hết, Việt Nam cần sớm chọn lựa một tiêu chuẩn sạc. Tiêu chuẩn các loại phích cắm vào cổng kết nối sạc sẽ khác nhau giữa các khu vực và phụ thuộc thiết kế của từng mẫu xe. Do đó, việc phát triển hệ thống trạm sạc có thể đáp ứng nhu cầu cho tất cả các loại xe điện có chuẩn sạc khác nhau cũng là một thách thức.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần ban hành những chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, công ty sản xuất xe điện, đơn vị cung ứng trạm sạc và cả người tiêu dùng.

Ngoài ra, các đơn vị cung cấp dịch vụ cần ưu tiên hạ tầng sạc trên những tuyến đường có mật độ giao thông cao. Đặc biệt, cần đẩy mạnh đầu tư hạ tầng lưới điện để đáp ứng yêu cầu xây dựng nhiều trạm sạc.

Hiệp hội ngành nước và năng lượng Đức đánh giá, hệ thống trạm sạc dành cho xe điện của Đức phát triển nhanh chóng. Kể từ đầu năm 2023 đến ngày 1/10/2023, Đức có 113.112 trạm sạc công cộng, tăng hơn 30% so với trước đó. Đức đã có số điểm trạm sạc tăng gấp đôi so với tiêu chuẩn chung của châu Âu.

Xét về số "xe xanh", ước tính Đức có khoảng 2,6 triệu xe xanh bao gồm cả xe thuần điện (BEV) và xe Plug-in hybrid (hay còn có tên gọi khác là PHEV - xe lai sạc điện, loại xe hybrid được trang bị động cơ điện và động cơ đốt trong).


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.