Xã hội

Phó thủ tướng: Phân cấp chương trình mục tiêu quốc gia nếu không khéo sẽ mất cán bộ

16/01/2024, 14:31

Phát biểu thảo luận tổ tại kỳ họp bất thường, Quốc hội khóa XV, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, trong phân cấp ở chương trình mục tiêu quốc gia, nếu không khéo sẽ mất cán bộ.

Một cơ chế mạnh mẽ chưa từng có

Tiếp tục kỳ họp bất thường lần thứ 5, sáng 16/1, Quốc hội thảo luận ở tổ dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Phó Thủ tướng: Phân cấp chương trình mục tiêu quốc gia nếu không khéo sẽ mất cán bộ- Ảnh 1.

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.

Phát biểu ý kiến, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, dự thảo trình Quốc hội lần này là một cơ chế mạnh mẽ chưa từng có.

"Nếu như Quốc hội bấm nút thông qua thì cho dù lựa chọn phương án nào, chúng tôi cũng cho là thành công", Phó thủ tướng Chính phủ nói.

Từ thực tiễn triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia và cụ thể hóa nhiệm vụ Quốc hội giao, Chính phủ đề xuất 8 cơ chế đặc thù để tháo gỡ triệt để khó khăn, vướng mắc.

Theo Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, 8 cơ chế đặc thù, gỡ vướng chương trình mục tiêu quốc gia được đề xuất đều khác luật, vượt lên trên luật. Bởi ba chương trình mục tiêu quốc gia còn rất nhiều chính sách, quy định phức tạp, đan xen xung đột, nếu không tháo gỡ sẽ không tiếp tục thực hiện được.

Phó thủ tướng Chính phủ chỉ rõ nguyên tắc lớn nhất của tám cơ chế Chính phủ kiến nghị Quốc hội là phân cấp mạnh, tăng cường năng lực của cơ sở và đòi hỏi tăng cường kiểm tra, giám sát, trong đó, có trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, có thể bổ sung thêm Mặt trận Tổ quốc.

Phó Thủ tướng: Phân cấp chương trình mục tiêu quốc gia nếu không khéo sẽ mất cán bộ- Ảnh 2.

Phiên họp tổ về cơ chế đặc thù, gỡ vướng chương trình mục tiêu quốc gia.

Huyện, xã có kham nổi hay không?

Từ ý kiến của đại biểu Quốc hội đặt ra về việc phân cấp cho huyện, xã, Phó thủ tướng nêu, khi phân cấp cho huyện, xã có kham nổi hay không?

"Vì nếu không khéo chúng ta sẽ mất cán bộ. Máy điện thoại của tôi nhận được rất nhiều tin nhắn của các cán bộ ở huyện, xã về việc "xin Phó thủ tướng đừng giao cho em, là em đứt". Nên đâu đó cũng có sự phân vân về phân cấp tới đâu.

Nhưng nguyên tắc phải có tính khả thi và anh em dưới phải làm được. Cho nên có thể có những điều mong muốn của đại biểu mà chúng tôi cân nhắc rất kỹ cũng chưa dám phân cấp", Phó thủ tướng nêu.

Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh 8 nội dung Chính phủ trình không phải cơ chế thí điểm mà là cơ chế đặc thù. Thí điểm là cho áp dụng phạm vi nhỏ sau đó rút kinh nghiệm, có thể mở rộng. Còn ở đây, có chăng chỉ thí điểm ở phương án thứ 7 liên quan lựa chọn một huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp trong giai đoạn 2024-2025.

Liên quan ý kiến của đại biểu đề nghị phân cấp mạnh, giao luôn cho HĐND cấp huyện, Phó thủ tướng nhắc lại việc không phải nội dung nào cũng dám giao.

"Giao mà anh em căng quá có khi là buông luôn. Thêm vào đó, hiện nay, HĐND cấp tỉnh rất linh hoạt, họp bất thường liên tục. Hồi xưa mỗi tháng họp một phiên bất thường để kịp thời giải quyết các vấn đề", Phó thủ tướng cho hay.

Theo Phó thủ tướng, việc giao cho HĐND cấp tỉnh thì với cách nhìn bao quát của cấp tỉnh sẽ cân đối đầy đặn, hài hòa hơn giữa các địa phương. Bởi nếu như giao cho huyện, có thể so bì huyện này ít, huyện này nhiều...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.