Thời sự Quốc tế

Phương Tây nhắm vào đồng Ruble Nga - đòn trừng phạt nguy hiểm hơn SWIFT?

Các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu cho rằng tiền tệ có thể là một trong những điểm yếu lớn nhất của Nga và đã nhắm vào đó khi tung đòn trừng phạt.

Biện pháp nặng nhất

Cuối tháng 2, Mỹ và các nước phương Tây đồng loạt áp các lệnh trừng phạt, đặc biệt là liên quan tới các hệ thống tài chính tại Nga sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine.

Trong khi dư luận thế giới rất quan tâm đến việc Mỹ, Ủy ban Châu Âu, Anh và Canada đã đồng ý loại bỏ một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, coi đây là bước đi mạnh mẽ nhất.

Báo New York Times (Mỹ) đã có bài phân tích cho rằng, thực chất biện pháp nhằm vào Ngân hàng trung ương Nga mới kéo theo hệ lụy nặng nề nhất với nước này.

img

Người dân Nga xếp hàng rút tiền tại ATM của Ngân hàng Alfa ở Moscow ngày 27/2. Nguồn - AP

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết họ sẽ “đóng băng các giao dịch (của Ngân hàng trung ương Nga - pv)” và “khiến tổ chức này không thể chuyển đổi tài sản”.

Còn Bộ Tài chính Mỹ khẳng định động thái của họ sẽ làm tê liệt tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga tại Mỹ và ngăn người Mỹ tham gia vào các giao dịch liên quan đến Ngân hàng Trung ương Nga, Quỹ Tài sản Quốc gia của Nga hoặc Bộ Tài chính Nga.

Song, các giao dịch liên quan đến xuất khẩu năng lượng – lĩnh vực châu Âu phụ thuộc lớn nhất vào Nga - sẽ được miễn trừ.

Đầu tuần này, chính phủ Anh cũng cấm các giao dịch liên quan đến Ngân hàng Trung ương Nga, Bộ ngoại giao và Quỹ tài sản có chủ quyền của Nga.

Trọng tâm của các động thái nhằm vào Ngân hàng Trung ương Nga là dự trữ ngoại hối.

Vì sao phương Tây trừng phạt lại khiến đồng ruble giảm giá?

Dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga là một lượng lớn tài sản có thể chuyển đổi, bao gồm vàng và tiền tệ của các nước khác, từ lợi nhuận của Nga liên quan tới hoạt động kinh doanh dầu và khí đốt với châu Âu và các nhà nhập khẩu năng lượng khác.

Lý do chính mà các nước đồng minh phương Tây chọn hành động như vậy là do thực tế: Tuy Ngân hàng trung ương của Nga sở hữu khối tài sản này, nhưng họ lại không thể kiểm soát.

Theo giải thích của nhà nghiên cứu Michael S. Bernstam tại Viện Hoover thuộc Đại học Stanford, Mỹ, Ngân hàng Trung ương Nga có khoảng 640 tỷ USD dự trữ ngoại hối nhưng phần lớn số tiền đó không nằm trong các kho dự trữ hoặc các tổ chức tài chính của Nga mà do các ngân hàng trung ương và thương mại ở New York, London, Berlin, Paris, Tokyo và các nơi khác trên thế giới nắm giữ.

img

Đòn trừng phạt nhắm vào dự trữ ngoại hối của Ngân hàng trung ương Nga sẽ mang lại nhiều hệ lụy nguy hiểm cho kinh tế nước này. Nguồn - Bloomberg.

Ở những quốc gia đồng tiền nội tệ không quá ổn định như Nga, khả năng chuyển đổi sang một đồng tiền mạnh như đồng đô la hoặc đồng euro là rất quan trọng.

Và kho ngoại hối khổng lồ của Nga giúp bảo trợ cho đồng tiền nội tệ của nước này, là sự đảm bảo với các hộ gia đình và doanh nghiệp rằng họ có thể chuyển đổi đồng ruble bất cứ khi nào họ muốn và Nga có thể bảo vệ tỷ giá hối đoái của đồng nội tệ với các loại tiền tệ khác. Các khoản dự trữ này cũng giúp các giao dịch xuất khẩu và nhập khẩu hàng ngày của các doanh nghiệp Nga được tiến hành thuận lợi.

Tuy nhiên, một khi người lao động, người quản lý, chủ sở hữu và các nhà giao dịch tài chính lo ngại không thể giao dịch đồng ruble lấy đô la hoặc euro, bởi vì các ngân hàng nước này không có quyền tiếp cận dự trữ ngoại hối, thì người dân sẽ mất tự tin.

Cũng theo New York Times, để tăng cường giá trị của đồng nội tệ, Ngân hàng Trung ương Nga có thể phải sử dụng dự trữ của họ để mua đồng ruble người dân Nga đang bán ra ngoài. Tuy nhiên, họ chỉ có thể làm được điều đó khi còn có thể tiếp cận với các nguồn dự trữ ngoại hối.

Hiện tại, xét trong kho dự trữ ngoại hối của Nga, Ngân hàng trung ương Nga chỉ có trong tay khoảng 12 tỷ USD tiền mặt – chiếm một phần quá nhỏ so với khoảng 400 tỷ USD được đầu tư vào các tài sản bên ngoài Nga, 84 tỷ USD được đầu tư vào trái phiếu Trung Quốc và 139 tỷ USD vào vàng.

Ngân hàng Trung ương Nga có thể giao dịch một số trái phiếu Trung Quốc lấy đồng Nhân dân tệ - giúp Nga mua được hàng hóa từ Trung Quốc, tuy nhiên, sẽ khó sử dụng để giao dịch với các nước khác. Nga cũng có thể bán vàng nhưng rất ít người có thể mua hàng tấn vàng Nga sở hữu, theo nhà nghiên cứu Bernstam.

Trong khi có một số ước tính khác rằng lượng tài sản ngoại hối của Nga ở mức gần 300 tỷ USD thì những hệ luỵ của việc không được tiếp cận với số tiền này đối với nền kinh tế Nga vẫn nghiêm trọng tương tự.

Mỹ và một số đồng minh trước đây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt tương tự đối với Venezuela, Iran và Syria, nhưng những nước này đều có nền kinh tế nhỏ hơn nhiều so với Nga.

Trước những tuyên bố trừng phạt từ Mỹ và các nước phương Tây, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitri Medvedev khẳng định, Nga sẽ đáp trả tất cả các động thái trừng phạt từ nước ngoài một cách có hệ thống, theo nguyên tắc áp dụng với từng quốc gia, theo Sputnik.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.