Điều ít biết về hệ thống đường hầm như "thành phố dưới lòng đất" của Hamas
Nhiều năm qua, Hamas đã xây dựng mê cung đường hầm dày đặc len lỏi dưới lòng đất Dải Gaza và sử dụng nơi này để vận chuyển vũ khí, hàng hóa và cả tập kích Israel.
Bên trong mạng lưới đường hầm khổng lồ ở Gaza
Theo báo chí phương Tây như tờ Washington Post, trong nhiều năm qua, Hamas đã xây dựng một mạng lưới đường hầm lớn ở Dải Gaza - nơi có thể được ví như thành phố dưới lòng đất.
Quá trình xây dựng bắt đầu khi lực lượng này nhận ra rằng không thể đối đầu trực diện với sức mạnh của quân đội Israel. Do đó, Hamas đã xây dựng đường hầm nhằm tìm kiếm lợi thế khi tấn công.
Đây cũng là điều họ học hỏi được từ Hezbollah, tổ chức đã phát triển một mạng lưới tương tự ở miền nam Lebanon vào những năm 1990 nhằm đối phó với sự thống trị trên không của Israel.
Đa phần các đường hầm này rộng 1m và cao khoảng 2.5m đủ để một người đàn ông dễ dàng di chuyển.
Một số đường hầm được đào tương đối sâu, nằm dưới bề mặt đất 30m và được Hamas xây dựng với chi phí khổng lồ.
Trong một bài viết trước đây, Washington Post cho biết Hamas đã xây dựng hơn 1.300 đường hầm kể từ năm 2007 với chi phí 1,25 tỷ USD, trích từ nguồn kinh phí lẽ ra được dùng để nâng cấp cơ sở hạ tầng công cộng ở Gaza.
Còn theo thông tin do Lực lượng phòng vệ Israel (IDF), Hamas đã đầu tư hàng triệu USD và các nguồn lực khác vào xây dựng, vận hành mạng lưới đường hầm khổng lồ.
Ví dụ, hàng tháng, Israel chuyển vật liệu xây dựng vào Gaza dành cho các dự án dân sự nhưng những vật liệu này được Hamas lựa chọn để chuyển sang xây dựng đường hầm.
Những đường hầm tấn công này rộng đến mức lực lượng Israel gọi đây là "Hệ thống tàu điện ngầm" và Hamas có thể sử dụng để đối mặt với "một cuộc chiến tiêu hao kéo dài".
Kể từ tháng 1/2014, 4.680 xe tải chở 181 nghìn tấn sỏi, sắt, xi măng, gỗ và các vật tư khác đã đi qua Kerem Shalom để vào Gaza.
Cũng theo lực lượng Israel, có hàng chục điểm tiếp cận đường hầm nằm rải rác khắp Gaza. Hầu hết các điểm đầu vào và đầu ra này thường nằm giữa trường học, nhà thờ Hồi giáo, bệnh viện và các tòa nhà dân sự khác nhằm tránh bị lực lượng phòng vệ Israel (IDF) phát hiện.
Một số đường hầm nối thẳng từ Gaza đến khu vực cộng đồng Israel gần biên giới và giúp Hamas thực hiện các hành động chớp nhoáng tại đây.
Một yếu tố quan trọng nữa là Hamas đã xây dựng ba loại đường hầm khác nhau bên dưới Dải Gaza.
Ông Eado Hecht, nhà phân tích quốc phòng Israel chuyên về chiến tranh ngầm cho hay: có một số đường hầm phục vụ vận chuyển bí mật giữa Gaza và Ai Cập; một số đường hầm phục vụ hoạt động phòng thủ tại Gaza, bao gồm triển khai hoạt động chỉ huy và kho chứa vũ khí.
Và loại cuối là những đường hầm tấn công được sử dụng trong các cuộc hành động quân sự xuyên biên giới vào Israel.
Những đường hầm này cũng dài hàng km, được liên kết với nhau và giúp lực lượng Hamas di chuyển an toàn và không bị IDF phát hiện.
Ngày 28/7, Hamas đã xâm nhập vào Israel qua một đường hầm gần Nahal Oz. Mục tiêu của họ là tấn công một cộng đồng Israel gần biên giới. Các binh sĩ IDF đã ngăn chặn được hoạt động này.
Khoảng năm 2006, khi Hamas tấn công một cơ sở của IDF, lực lượng này đã sử dụng một đường hầm để bắt giữ binh sĩ Israel Gilad Shalit. Shalit bị giam giữ 5 năm trước khi được thả theo thỏa thuận trao đổi tù nhân năm 2011.
Trong một trường hợp khác, trong xung đột Gaza năm 2014, Hamas đã công bố video quay cảnh những người đàn ông mang vũ khí tự động và súng phóng lựu bò ra từ miệng hố.
Hamas thường sử dụng đường hầm ở Gaza trong tấn công vì rất khó bị phát hiện.
Để tìm ra những đường hầm này, người Israel phải có thông tin tình báo rất chính xác từ nội bộ Gaza hoặc họ phải vào trong và tìm kiếm từng nhà.
Hơn nữa, phá hủy một đường hầm tốn rất nhiều thời gian và có phần phức tạp vì nếu chỉ phá huỷ lối vào hoặc một số hướng di chuyển thì gần như không ảnh hưởng lớn tới hệ thống đường hầm.
Những người thợ đào của Hamas có thể nhanh chóng đào đoạn đường tránh và tiếp tục sử dụng phần đường hầm còn lại, theo BBC.
Israel dùng bom cực mạnh phá hủy hệ thống ngầm
Trong cuộc xung đột hiện tại giữa Israel - Hamas, để đáp trả cuộc đột kích bất ngờ hôm 7/10, IDF đã tấn công các đường hầm của Hamas nhằm bóp nghẹt hoạt động của lực lượng này.
Theo báo Al Jazeera, Israel đang sử dụng bom phá boong-ke, một loại bom cực mạnh để ném vào các khu vực đường hầm.
Những quả bom này được đưa sâu xuống lòng đất sau đó kích nổ và có khả năng phá huỷ các mục tiêu kiên cố, nằm sâu dưới đất.
Ông Yossi Mekelberg, một chuyên gia về Israel làm việc tại tổ chức tham vấn chính sách Chatham House có trụ sở ở London, mô tả loại bom này là "có sức công phá rất mạnh, để lại hậu quả khủng khiếp".
Đây cũng không phải là lần đầu tiên Israel nhắm vào mạng lưới đường hầm ở Gaza. Tháng 5/2021, Israel cho biết 54 máy bay đã tham gia một chiến dịch nhắm vào hệ thống đường hầm phức tạp này.
Ở thời điểm đó, người phát ngôn của IDF, Trung tá Jonathan Conricus chia sẻ với tờ The Washington Post cho biết hệ thống đường hầm này là "xương sống" trong các hoạt động của Hamas.
Trước đó, năm 2018, Israel cũng đã phá hủy một đường hầm ở Dải Gaza.
Song, dù bị phá hủy bao nhiêu, Hamas vẫn còn đường hầm. Vì theo các cựu quan chức quân sự cấp cao Israel, cứ mỗi đường hầm bị phá hủy thì một đường hầm khác lại được xây dựng.
Hơn nữa, khó có thể đảm bảo mọi đường hầm đều bị phát hiện và bị "vô hiệu hóa".
Bên cạnh việc phá hủy các đường hầm, Israel còn đưa ra các ý tưởng mới để đối phó. Một trong số những kế hoạch này là xây dựng một bức tường ngầm dọc biên giới với Gaza nhằm mục đích ngăn chặn sự xâm nhập của Hamas qua hệ thống đường hầm.