Hải Phòng chỉ đạo xử lý vụ tái chế phế liệu sau phản ánh của Báo Giao thông
UBND TP. Hải Phòng chỉ đạo huyện Thủy Nguyên khẩn trương vào cuộc, xử lý nghiêm đối với hành vi tái chế phế liệu gây ô nhiễm môi trường.
UBND TP Hải Phòng vừa có công văn số 3372 ngày 5/10/2020 về việc xử lý thông tin phản ánh hoạt động tái chế phế liệu gây ô nhiễm môi trường tại xã Đông Sơn, huyện Thủy Nguyên.
Văn bản 3372 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Đình Chuyến nêu rõ: Báo Giao thông ngày 30/9 đăng bài "Hải Phòng: Ngang nhiên tái chế phế liệu không phép", phản ánh hoạt động tái chế phế liệu gây ô nhiễm môi trường tại xã Đông Sơn và xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên. Giao UBND huyện Thủy Nguyên chủ trì cùng các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh, làm rõ thông tin phản ánh; xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm theo thẩm quyền và quy định của pháp luật (nếu có), báo cáo UBND TP Hải Phòng trước ngày 20/10/2020.
Ngày 9/10, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Viển, Phó chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên cho biết: UBND huyện Thủy Nguyên đã nhận được ý kiến chỉ đạo của UBND TP. Hải Phòng về xử lý vụ việc. Trước đó, ngày 6/10, UBND huyện Thủy Nguyên đã tổ chức cuộc họp với các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương về xử lý vụ việc.
"Tại cuộc họp, tôi đã chỉ đạo yêu cầu UBND xã Đông Sơn phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện kiên quyết xử lý dứt điểm, và yêu cầu tháo dỡ, di chuyển toàn bộ máy móc, thiết bị, phế liệu vi phạm của Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ và vận tải Hải Dương. Nếu Công ty Hải Dương không tự tháo dỡ máy móc thiết bị, UBND huyện sẽ ra quyết định cưỡng chế. Hiện, UBND huyện Thủy Nguyên đã chỉ đạo Công ty Nam Bình Phát - đơn vị cho Công ty Hải Dương "mượn" đường dây điện trái phép phải cắt điện nối với hệ thống máy móc hoạt động trái phép của Công ty Hải Dương".
Trước đó, ngày 16/9, ông Nguyễn Văn Viển, Phó chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên chủ trì cuộc họp xử lý vụ việc Công ty Hải Dương hoạt động không phép, gây ô nhiễm môi trường khiến dư luận bức xúc. Kết luận cuộc họp, ông Viển yêu cầu Công ty Hải Dương ngay lập tức dừng hoạt động tập kết, sơ, tái chế phế liệu không phép gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. UBND huyện yêu cầu Công ty Hải Dương di chuyển toàn bộ tài sản, máy móc, nguyên vật liệu ra khỏi khu đất trước ngày 25/9.
Tuy nhiên tới nay (ngày 10/9), theo ghi nhận của PV, hệ thống máy móc thiết bị xay, vò sắt thép phế liệu gây ô nhiễm môi trường vẫn chình ình tại khu đất bất chấp sự chỉ đạo quyết liệt của UBND thành phố Hải Phòng và UBND huyện Thủy Nguyên.
Luật sư Nguyễn Thanh Điệp (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: “Tái chế phế liệu là hoạt động kinh doanh có điều kiện, phải đảm bảo các tiêu chí như: Giấy phép kinh doanh, báo cáo đánh giá tác động môi trường, hệ thống phòng chống cháy nổ…Việc công ty Hải Dương tổ chức hoạt động xay, nghiền sắt thép, tái chế phế liệu không phép gây ô nhiễm môi trường là hoạt động vi phạm nghiêm trọng Luật bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật liên quan. Chính vì vậy, UBND huyện Thủy Nguyên chỉ đạo tháo dỡ hệ thống máy móc của công ty Hải Dương là hoàn toàn chính xác. Bên cạnh đó, UBND huyện cần có các biện pháp xử phạt vi phạm đối với doanh nghiệp này để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật”.
Trước đó, như Báo Giao thông đã phản ánh trong bài “Hải Phòng: Ngang nhiên tái chế phế liệu không phép”, mấy tháng gần đây, hàng nghìn công nhân các DN tại khu vực giáp ranh xã Đông Sơn và Kênh Giang (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) bị tra tấn bởi tiếng ồn, khói bụi xuất phát từ hoạt động tái chế phế liệu của Công ty CP Thương mại dịch vụ và Vận tải Hải Dương (Công ty Hải Dương).
Không thể chịu đựng được sự “tra tấn” kéo dài, đại diện các DN đồng loạt gửi đơn kiến nghị đến UBND xã Đông Sơn, huyện Thủy Nguyên, đồng thời phản ánh đến báo chí về vụ việc.
Chính quyền địa phương đã nhiều lần yêu cầu Công ty Hải Dương dừng hoạt động tái chế phế liệu không phép, gây ô nhiễm môi trường nhưng chỉ được một thời gian, tình hình lại tái diễn.