Đời sống

Vì sao người mua BHXH tự nguyện tăng chậm?

16/11/2019, 07:24

Hạn chế quyền lợi về chế độ thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là rào cản khiến khó khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện.

img
Cần nhiều thay đổi về cơ chế chính sách để thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện

Còn nhiều vướng mắc khó thu hút BHXH tự nguyện

Năm 2008 là năm đầu tiên áp dụng chính sách BHXH tự nguyện, cả nước có 6.000 người tham gia. Đến năm 2018, con số này tăng lên 320.000 người và tính đến tháng 10/2019, số người tham gia là 453.000 người. Số gia tăng của năm 2019 tính đến thời điểm hiện tại bằng gần 1/3 con số đã phát triển được trong vòng 10 năm qua; song vẫn còn thấp so với tổng số người thuộc diện tham gia.

Theo ông Trần Đình Liệu, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam, khác với bảo hiểm thương mại, BHXH tự nguyện là một chính sách an sinh xã hội và để tăng tính hấp dẫn thì rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, nhất là ở mức đóng phí. Từ năm 2018, Nhà nước có chính sách hỗ trợ số tiền đóng BHXH tự nguyện cho người tham gia theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hàng tháng theo chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (hiện là 700.000 đồng). Cụ thể, hỗ trợ 30% mức đóng đối với người tham gia thuộc hộ nghèo, 25% với người thuộc hộ cận nghèo, 10% đối với đối tượng khác. Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người, nhưng không quá 10 năm. Ông Liệu cũng cho rằng, mức hỗ trợ đóng hiện nay còn thấp (10% với đối tượng khác ngoài hộ nghèo, cận nghèo) khiến người dân không mấy mặn mà với chính sách BHXH tự nguyện.

Một nguyên nhân quan trọng khác nữa khiến BHXH tự nguyện chưa hấp dẫn đối với người dân là ở mức hưởng. Người tham gia BHXH bắt buộc được hưởng 5 chế độ hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp nhưng chính sách BHXH tự nguyện chỉ thực hiện 2 chế độ là hưu trí và tử tuất.

Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách BHXH tự nguyện nên mở rộng thêm các chế độ hưởng để người có nhu cầu mở rộng thêm quyền lợi được tham gia. Ngoài ra, có thể tích hợp thêm chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), để khi người dân tham gia BHXH tự nguyện thì có luôn thẻ BHYT.

Đề xuất thêm 3 gói BHXH tự nguyện để tăng sức hút

Theo mục tiêu trong Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH: Đến năm 2021, phấn đấu có khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng, trợ cấp xã hội.
Đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi; 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp xã hội.

Bộ LĐ, TB&XH vừa có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm gói BHXH tự nguyện ngắn hạn và linh hoạt nhằm thu hút người lao động đến với chính sách BHXH tự nguyện.

Trên cơ sở đánh giá tình hình bối cảnh trong nước và quốc tế, quan điểm, mục tiêu xây dựng gói BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt, Bộ LĐ, TB&XH đã đề xuất bổ sung thêm 3 gói BHXH tự nguyện mới bên cạnh chế độ BHXH tự nguyện hiện hành.

Thứ nhất là gói BHXH tự nguyện hiện hành bổ sung chế độ thai sản. Theo Bộ LĐ, TB&XH, đề xuất về gói này được thiết kế trên cơ sở của chính sách BHXH tự nguyện hiện hành (chế độ hưu trí và tử tuất) bổ sung thêm quyền lợi về thai sản khi người lao động sinh con. Người lao động khi tham gia sẽ được hưởng chế độ nếu đủ điều kiện đóng BHXH tự nguyện từ đủ 12 tháng trở lên và không được nhận BHXH một lần.

Ưu điểm của gói này là có thể thu hút sự tham gia của nhóm người lao động trong độ tuổi sinh đẻ, đáp ứng được một phần nhu cầu trước mắt, gia tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện.

Tuy nhiên, nhược điểm của gói này chính là khó cân đối về tài chính nên cần đến sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước và không đảm bảo sự tham gia lâu dài, bền vững do có thể phát sinh lựa chọn ngược. Đặc biệt khi người lao động chuẩn bị mang thai mới tham gia, sau khi sinh con hưởng chế độ sẽ không tiếp tục tham gia BHXH.

Thứ hai là gói BHXH tự nguyện hiện hành bổ sung chế độ ốm đau. Theo đó, người tham gia BHXH tự nguyện được thêm quyền lợi được hưởng chế độ khi gặp rủi ro ốm đau (tối đa 30 ngày trong 1 năm) với điều kiện người lao động đang đóng BHXH tự nguyện và không được nhận BHXH một lần.

Về ưu điểm, gói này là có thể thu hút sự tham gia của nhóm người lao động có nhiều nguy cơ gặp rủi ro ốm đau... Nhưng nhược điểm của gói chính là cần đến sự hỗ trợ (bù) của ngân sách Nhà nước (việc quy định người lao động đóng là không khả thi); mức độ thu hút phụ thuộc rất lớn vào mức trợ cấp được hưởng và mức độ thuận tiện trong thủ tục, hồ sơ giải quyết hưởng chế độ.

Thứ ba là gói BHXH tự nguyện hiện hành bổ sung chế độ trợ cấp gia đình/trẻ em. Với gói này, hưởng chế độ hưu trí và tử tuất, người tham gia BHXH tự nguyện có con dưới 6 tuổi (được hưởng trợ cấp hàng tháng bằng 350.000 đồng/con cho đến khi con đủ 6 tuổi) với điều kiện người lao động đang đóng BHXH tự nguyện và không được nhận BHXH một lần.

Ưu điểm của gói này là có thể thu hút sự tham gia của nhóm người lao động có con dưới 6 tuổi… Nhưng nhược điểm của gói này chính là cần sự đóng góp thêm của người lao động (1,5% và vẫn cần đến sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước bởi với quy định tỷ lệ đóng 1,5% khó đảm bảo khả năng cân đối do tỷ lệ đóng này được Tổ chức Lao động quốc tế tính toán trên giả định tham gia của phần lớn những người thuộc đối tượng).