Hạ tầng

Quá hạn, cầu huyết mạch trên đường Đông Trường Sơn vẫn ngổn ngang

18/07/2023, 22:25

Hết thời gian thi công, công trình cầu Nước Bua thuộc dự án đường Đông Trường Sơn vẫn ngổn ngang, chưa về đích.

Công trường dự án cầu trọng điểm chỉ có… 3 công nhân

Ngày 18/7, PV Báo Giao thông có mặt trên công trình cầu Nước Bua, bắc qua sông Nước Bua (xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi), công trình cầu cuối cùng thuộc dự án đường Đông Trường Sơn qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

img

Công trình cầu Nước Bua dù hết thời gian thi công trong hợp đồng ký kết nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành (Ảnh: Lê Đức).

Ghi nhận trên công trường dự án cho thấy, ngay khu vực đầu tuyến (phía nam) dự án có một công nhân đang bẻ rọ sắt, phía bên trong lán trại không có ai. Đi tiếp về phía mố cầu là hình ảnh công trường vắng lặng cũng có một công nhân đang đục đẽo bê tông ở khe co giãn giữa mố cầu và dầm cầu. Những đống sắt được tập kết để thi công công trình sau thời gian dài dầm mưa phơi nắng đã gỉ sắt.

Dự án đầu tư xây dựng đường Đông Trường Sơn đi qua địa phận Quảng Ngãi có tổng chiều dài hơn 37km, có điểm đầu tại xã Sơn Bua giáp với xã Trà Vân (Quảng Nam) và điểm cuối tại xã Sơn Lập giáp với xã Ngọc Tem, huyện Konplong, tỉnh Kon Tum. Dự án chia làm 9 gói thầu, đến nay đã có 8 gói thầu hoàn thành. Gói thầu số 9 cầu Nước Bua là gói thầu cuối cùng, có chiều dài gần 1km, gồm 5 nhịp, tổng vốn đầu tư hơn 35 tỷ đồng, do Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng) làm chủ đầu tư, Ban QLDA 46 làm đại diện chủ đầu tư. Thời gian thi công từ 18/3/2022-11/6/2023.

Vắng công nhân, các thiết bị phục vụ công tác thi công dự án cầu Nước Bua nằm trơ trọi. Những tấm đan bê tông có diện tích khoảng 1,5m2 được lắp vào các khe của dầm cầu còn nguyên vẹn, lác đác một vài tấm bị nứt, có dấu hiệu hư hỏng... Nhiều mối sắt thi công dang dở đã gỉ.

Sau khi PV có mặt khoảng 5 phút, xuất hiện thêm một công nhân không đội mũ bảo hộ, không đeo thiết bị an toàn nhưng vẫn bước vào công trường và tiến đến một “thang treo” tạm bợ để lắp ván khuôn đổ bê tông giá gác tấm đan, trong khi phía bên dưới là lòng sông sâu hoắm.

Đi tiếp vẫn thấy công trường vắng lặng, dường như lâu rồi không có người đến làm. Những tấm đan bê tông, sắt rọ, ván khuôn… nằm lẫn lộn. Nhiều khoảng trống sâu hoắm nhìn xuống dòng nước bên dưới có khoảng cách hơn 10m.

Ở khu vực phía bắc công trình càng vắng lặng hơn khi không có lấy bất kỳ một công nhân hay thiết bị cơ giới nào làm việc. Mố cầu được xây dựng xong rồi bỏ dở trong thời gian dài. Dấu hiệu dễ nhận biết là những thanh sắt đã chuyển sang màu vàng đỏ, bên dưới mố cầu cỏ dại mọc um tùm.

Người dân sống gần công trường dự án cho biết, từ nhiều tháng qua dự án thi công chậm và số lượng công nhân cũng ít đi so với thời điểm trước tết Nguyên đán. “Họ đang làm thì rút đi đâu không ai biết, chỉ còn số ít người ở lại trên công trường để làm việc, có hôm không thấy ai làm”, ông Đ.V.T, một hộ dân sống gần dự án cho hay.

img

Công trường ngổn ngang, vắng tanh dù đã chậm tiến độ (Ảnh: Lê Đức).

Chậm tiến độ, ngổn ngang công trình cầu huyết mạch

Dự án cầu Nước Bua có chiều dài gần 1km, gồm 5 nhịp, tổng vốn đầu tư hơn 35 tỷ đồng. Theo kế hoạch được Ban QLDA 46 phê duyệt, công trình khởi công vào tháng 3/2022 và hoàn thành vào tháng 6/2023. Dự án do Công ty Xây dựng 470 - Bộ Quốc phòng là đơn vị trúng thầu thi công.

Trái ngược với cao điểm cán đích công trình, dự án cầu Nước Bua vẫn ngổn ngang khi nhà thầu chỉ mới hoàn thiện việc lao lắp các dầm cầu, thi công được hai đoạn bản mặt cầu với chiều dài khoảng 60m. Mố cầu hai bên đầu cầu và đường dẫn vẫn chưa thi công.

img

Đại diện đơn vị tư vấn giám sát cho biết, tiến độ đề ra vẫn đáp ứng yêu cầu và nếu có mặt bằng sẽ sớm hoàn thiện (Ảnh: Lê Đức).

Đại diện chủ đầu tư cho rằng, tiến độ thi công dự án đảm bảo kế hoạch đề ra, trong đó điểm tồn tại của dự án là do vướng trong khâu bồi thường, GPMB dẫn đến hết thời hạn ký kết hợp đồng thi công nhưng công trình vẫn chưa hoàn thành.

Đại diện đơn vị tư vấn giám sát dự án cho biết, theo kế hoạch tiến độ dự án chỉ khoảng 20 tháng hoàn thành, trong đó có dự phòng những ngày mưa gió không thi công được. Nếu có mặt bằng các đơn vị đã sớm hoàn thiện công trình.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, khu vực vướng mặt bằng thuộc phạm vi đường dẫn và mố cầu. Ngay hạng mục bản mặt cầu vẫn ngổn ngang. Đại diện đơn vị thi công và tư vấn giám sát lý giải, từ tháng 9/2022 đã lao lắp dầm xong, riêng chỉ có phần bản mặt cầu chưa xong và có thể cán đích trong vòng 1 tháng.

Trao đổi qua điện thoại, thượng tá Đoàn Nhữ Minh, Phó giám đốc Ban QLDA 46 cho biết, không ở công trường dự án mà đang công tác ở TP Hà Nội. Ông Minh quả quyết, tiến độ dự án đang đảm bảo.

img

Mố cầu thi công tạm bợ không có biện pháp đảm bảo an toàn giao thông (Ảnh: Lê Đức).

Theo tìm hiểu của PV, dự án cầu Nước Bua có tổng diện tích chiếm đất gần 2ha, có 17 hộ dân và 1 tổ chức bị ảnh hưởng, 15 hộ thuộc diện thu hồi đất phải tái định cư (TĐC).

Để triển khai công tác bồi thường, GPMB, Ban QLDA 46 đã ký kết hợp đồng với UBND huyện Sơn Tây thực hiện công tác bồi thường. Theo kế hoạch, đến giữa năm 2022, huyện Sơn Tây phải bàn giao 100% mặt bằng để nhà thầu thi công cầu Nước Bua. Tuy nhiên, đến nay mặt bằng hai bên đầu tuyến vẫn còn vướng.

Đại diện UBND huyện Sơn Tây cho biết, đã xác định vị trí TĐC cho các hộ dân bị thu hồi đất tại khu Mang Hin, xã Sơn Bua. Việc xác lập thủ tục thu hồi đất, TĐC, giải phóng mặt bằng đang được triển khai, đảm bảo sớm bàn giao toàn bộ mặt bằng cho đơn vị thi công.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.