Đường bộ

Rốt ráo rà soát, điều chỉnh định mức xây dựng dự án giao thông

29/01/2024, 16:32

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT và Bộ Xây dựng đã lên kế hoạch đẩy nhanh tiến độ rà soát, điều chỉnh bất cập đối với định mức, đơn giá xây dựng dự án giao thông hiện nay.

Định mức chưa phản ánh đúng hao phí thực tế

Hôm nay (29/1), Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ GTVT tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Công điện số 02 ngày 9/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; Khai thác, cung ứng vật iệu xây dựng cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Rốt ráo rà soát, điều chỉnh định mức xây dựng dự án giao thông- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh và Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đồng chủ trì hội nghị.

Trăn trở về tình trạng định mức, đơn giá chưa phản ánh hết thực tế thi công khiến nhà thầu càng làm càng lỗ, ông Phùng Tiến Thành, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả thẳng thắn đánh giá, Thông tư 12/2021 do Bộ Xây dựng ban hành đang có nhiều định mức không phản ánh đúng hao phí thực tế trên công trường, định mức mới có xu hướng cắt giảm so với định mức cũ.

Đơn cử như định mức thi công móng cấp phối đá dăm, nếu định mức 1776 trước đây, hao phí vật liệu là 1,42m3 đá/1m3 móng hoàn thiện thì đến Thông tư 12, hao phí vật liệu chỉ còn 1,34m3 đá/1m3.

Hao phí vật liệu để hoàn thiện 1m3 móng cấp phối đá dăm đã giảm, trong khi hao hụt thi công theo định mức vật liệu là không đổi. Thi công dự án, các nhà thầu đều rơi vào cảnh "âm" vật liệu.

"Công tác triển khai thi công đá tận dụng đắp nền đang áp dụng rất nhiều dự án trọng điểm nhưng định mức đắp đá và hệ số lu lèn cũng chưa được ban hành để áp dụng.

Riêng về bộ định mức thi công hầm đường bộ, từ năm 2017 đến nay, thi công 5-6 công trình hầm, bộ định mức đã được nhà thầu xây dựng, đề nghị cấp có thẩm quyền ban hành nhưng đến nay vẫn chưa được cập nhật vào định mức chung của Bộ Xây dựng", ông Thành nói.

Là một trong những nhà thầu có tiếng trong thi công cầu, đại diện Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính cho biết, theo sự phát triển của khoa học công nghệ, các dự án giao thông trước đây chủ yếu là kết cấu giản đơn, đúc hẫng thông thường, kết cấu đúc trên đà giáo nhưng theo sự phát triển của đất nước, ngày càng có các công trình cầu quy mô lớn, yêu cầu độ khó cao như: Cầu vòm thép, cầu dây văng, cầu Extradosed.

Trong bối cảnh ấy, cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện, ban hành định mức cho cầu kết cấu đặc thù.

"Các cầu có nhịp, chiều cao thân trụ lớn (từ 70-100m) cũng cần được bổ sung định mức đặc thù thay vì tính bình quân cho tất cả các kết cấu bê tông thân trụ như hiện tại.

"Hay với máy thi công, các hệ thống định mức hiện nay đang áp dụng loại cẩu phổ biến từ 16-25 tấn, sà lan từ 200-400 tấn.

Quá trình thi công, nhà thầu phải thi công các mã hàng lớn, loại cẩu sử dụng lên đến 50-100 tấn, sà lan áp dụng từ 800-1.000 tấn, thậm chí là hơn, đòi hỏi định mức cần phải cập nhật, điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn", đại diện Công ty Trung Chính nói.

Không chỉ định mức trong thi công xây dựng, theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn Thiết kết GTVT (TEDI), định mức đối với công tác tư vấn cũng còn có nhiều bất cập.

Dẫn chứng ví dụ điển hình, ông Hà cho biết, định mức chi phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế - kỹ thuật công trình giao thông đang thấp nhất trong các loại công trình, chỉ bằng 0,6-0,7 lần so với công trình dân dụng; 0,4-0,6 lần so với công trình công nghiệp; 0,7-0,8 lần định mức công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn khi chưa nhân hệ số.

Định mức chi phí thiết kế kỹ thuật, thiết kế BVTC công trình giao thông cũng thấp nhất trong các công trình: Dân dụng, công nghiệp, nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Làm phép so sánh với công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (có tính chất gần với công trình giao thông) thì định mức chi phí thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công công trình giao thông chỉ bằng 0,69-0,83 lần đối với công trình cấp đặc biệt; 0,53-0,59 lần đối với công trình cấp I; 0,48-0,60 lần đối với công trình cấp II; 0,48-0,58 lần đối với công trình cấp III; 0,55-0,67 lần đối với công trình cấp IV.

"Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu điều chỉnh cân đối định mức tư vấn đối với các công trình giao thông tối thiểu phải tương đương với định mức tư vấn công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (nhóm công trình có tính chất tương đồng về tính chất, quy mô, phạm vi).

Việc áp dụng bổ sung các hệ số quy mô công trình cho các dự án có quy mô lớn cũng cần được nghiên cứu. Bởi, nguyên tắc các dự án có quy mô càng lớn thì tỷ lệ phần trăm thiết kế càng nhỏ chưa phản ánh đúng thực tế tính chất quan trọng của dự án.

Thực tế đã chứng minh, các dự án có tổng mức đầu tư lớn đều là các dự án có yếu tố kỹ thuật phức tạp/tuyến trải dài qua nhiều địa phương. Công tác thiết kế/giám sát cần bổ sung các chi phí để phản ánh được đúng với tính chất của dự án", ông Hà chia sẻ.

Rốt ráo rà soát, điều chỉnh định mức xây dựng dự án giao thông- Ảnh 2.

Định mức, đơn giá trong thi công các công trình cầu, đường hiện nay đều chưa phản ánh đúng thực tế (Ảnh minh họa: Tạ Hải).

Tăng cường "số hóa" trong quản lý dự án, cập nhật định mức

Bàn về công tác xây dựng định mức, đơn giá xây dựng hiện nay, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định, các cơ quan quản lý đang có xu hướng thiên về an toàn.

"Cần phải nói rằng, giao thông sẽ không thể đột phá nếu đơn giá, định mức còn vướng và thiệt hại do chậm trễ công trình sẽ nặng nề hơn sự linh hoạt, chủ động trong điều chỉnh các định mức, đơn giá chưa phù hợp", TS Lộc nêu quan điểm.

Việc quản lý đến từng định mức, đơn giá, khối lượng công việc của phía nhà nước rất lớn, rất vất vả nhưng sẽ luôn chậm hơn so với yêu cầu thực tiễn. Trên thế giới mô hình EC, EPC là mô hình tiên tiến, đã được áp dụng rộng rãi. Khi khối lượng công việc của ngành rất lớn, cần có sự đổi mới về tư duy, phương pháp. Trong đó EC, EPC sẽ là phương thức tối ưu. Nhà nước giao cho doanh nghiệp đề bài, đường bao chi phí, quản lý đầu ra. Các doanh nghiệp sẽ chủ động phát duy khả năng quản lý, đổi mới, sáng tạo.
Rốt ráo rà soát, điều chỉnh định mức xây dựng dự án giao thông- Ảnh 3.TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam

Đặc biệt quan tâm đến vấn đề số hóa trong quản lý dự án giao thông, theo TS Lộc, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có chủ trương về chuyển đổi số trong các lĩnh vực. Hoạt động xây dựng công trình GTVT cũng thể đứng ngoài cuộc.

Các bộ quản lý chuyên ngành cần chủ động trong kiến nghị xây dựng các hành lang pháp lý, khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số (như công nghệ BIM), công nghệ mới trong các hoạt động đầu tư, thi công, quản lý vận hành công trình giao thông, trong đó có cả vấn đề định mức, đơn giá.

Ủng hộ ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh cho rằng, việc xây dựng, cập nhật định mức trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi cần phải có công cụ mới, nghiên cứu theo phương pháp mới, trong đó, cần lấy số hóa làm gốc.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch sử dụng BIM số hóa thông tin công trình.

Các công trình quan trọng quốc gia, loại A buộc phải áp dụng BIM, từ khâu chuẩn bị vật liệu đến thi công, quản lý máy thi công, công nghệ thi công, nghiệm thu, thanh quyết toán.

"Nếu chúng ta không thúc đẩy BIM sẽ không có bigdata, đồng nghĩa sẽ không có hệ thống thiết kế mẫu và quản lý dự án, phục vụ các công tác liên quan, trong đó có việc xây dựng, cập nhật đơn giá định mức", Thứ trưởng Minh nói.

Rốt ráo rà soát, điều chỉnh định mức xây dựng dự án giao thông- Ảnh 4.

Bộ Xây dựng và Bộ GTVT sẽ thành lập tổ công tác rà soát tổng thể các bất cập trong định mức, đơn giá xây dựng công trình giao thông trong những ngày tới (Ảnh minh họa: Tạ Hải).

Lập tổ công tác giữa hai bộ, đẩy nhanh rà soát bất cập

Trên cơ sở thống nhất với Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh cho biết, ngay sau hội nghị hôm nay, Bộ Xây dựng và Bộ GTVT sẽ thành lập tổ công tác với nòng cốt là Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) và Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT).

Đối với một số định mức chưa phù hợp, còn thiếu hoặc chưa cập nhật công nghệ mới, hai bộ sẽ triển khai rà soát, bổ sung, điều chỉnh.

"Ngay trong quý I/2024, Bộ Xây dựng dự kiến ban hành bổ sung 318 mã định mức. Chúng tôi cũng sẽ cử cơ quan chuyên ngành phối hợp rà soát hơn 500 định mức được cơ quan Bộ GTVT đề nghị ban hành để đảm bảo tính pháp lý, tránh sự trùng lắp và xác định rõ thẩm quyền ban hành.

Những quý tiếp theo, hai bộ sẽ tiếp tục phối hợp xác định các định mức cần phải ban hành thêm", Thứ trưởng Bùi Hồng Minh nói.

Dưới góc độ cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng đề nghị các chủ đầu tư, ban QLDA, nhà thầu, địa phương rà soát định mức hiện tại, đề xuất các định mức còn lạc hậu, còn thiếu trên tinh thần trung thực, khách quan.

Trên cơ sở đó, tổ công tác của hai bộ sẽ tiếp nhận và đưa ra câu trả lời rõ ràng, định mức nào cần rà soát, định mức nào không ban hành lại.

Riêng về giá vật liệu xây dựng tại mỏ theo cơ chế đặc thù, tổ công tác sẽ rà soát những chi phí theo cơ chế đặc thù khác thế nào với chi phí thông thường. Chi phí này được xác định ra sao và phương pháp xác định giá do Bộ Xây dựng hướng dẫn hiện nay có cần phải điều.

Theo thẩm quyền quy định, thời gian tới, các địa phương phải công bố kịp thời giá vật liệu, chỉ số giá sát với giá thị trường.

"Về phía Bộ Xây dựng, chúng tôi sẽ chỉ đạo rà soát khung giá nhân công theo hướng thay đổi để phù hợp hoặc bỏ khung nhân công, xây dựng giá nhân công theo nguyên tắc thị trường.

Bộ Xây dựng cũng sẽ chỉ đạo nghiên cứu, định nghĩa rõ khái niệm định mức chuyên ngành, định mức đặc thù, số phiếu khảo sát đảm bảo độ tin cậy để tạo thuận lợi cho các bộ chuyên ngành, địa phương trong xây dựng, ban hành, điều chỉnh định mức, đơn giá kịp thời", Thứ trưởng Bùi Hồng Minh cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.