Showbiz

Sự kiện Văn hóa tiêu biểu năm 2023: Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" hồi hương

05/12/2023, 14:25

Sự kiện Văn hóa và Du lịch tiêu biểu năm 2023: Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" hồi hương; Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam; Việt Nam trúng cử Thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027 và nhiều sự kiện lớn diễn ra trong năm.

Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" hồi hương

Chiều 16/11, tại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền, đại diện Bộ Công an (Việt Nam) và Đại diện Bộ Ngoại giao Pháp, đại diện UNESCO đã chứng kiến buổi lễ Chuyển giao Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" cho Việt Nam.

Sự kiện Văn hóa tiêu biểu năm 2023: Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" hồi hương - Ảnh 1.

Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" hồi hương.

Sự kiện này là kết quả của hơn một năm đàm phán, thương thảo và thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan về việc dừng đấu giá công khai Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" tại Paris, Pháp tháng 11/2022 và cùng thỏa thuận thống nhất các yêu cầu cho việc chuyển giao Ấn vàng cho phía Việt Nam theo đề nghị của Đoàn công tác liên ngành do Bộ VH,TT&DL chủ trì cùng các Bộ Ngoại giao, Tư Pháp, Tài chính, Công an và sự hỗ trợ đặc biệt của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.

Bên cạnh giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật…, ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" là di sản văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng với dân tộc, là biểu trưng quyền lực chính trị trong một giai đoạn lịch sử nhất định của tiến trình lịch sử Việt Nam, đánh dấu mốc quan trọng cho sự chuyển giao từ chế độ quân chủ hơn nghìn năm sang nền dân chủ của nhân dân Việt Nam - nhà nước Việt Nam mới - Dân chủ cộng hòa, tiền thân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thời đại Hồ Chí Minh.

Sự kiện Văn hóa tiêu biểu năm 2023: Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" hồi hương - Ảnh 2.

Cuộc họp báo Bình chọn Sự kiện Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2023.

Sự kiện Văn hóa tiêu biểu năm 2023: Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" hồi hương - Ảnh 3.

Thành công của việc hồi hương ấn vàng lần này phải kể đến sự tổng hợp của nhiều yếu tố: Sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của các lãnh đạo và các cơ quan chức năng; Sự phối hợp nhịp nhàng của các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan và tham gia vào quá trình thương lượng, đàm phán.

Sự hợp tác của các cơ quan chức năng sở tại, của các đối tác, bạn bè, cộng đồng tại Pháp để giúp đỡ, hỗ trợ Đoàn công tác liên ngành và Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp. 

Trong thời gian tới, Cục Di sản văn hóa sẽ tham mưu Lãnh đạo Bộ VH,TT&DL nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng danh mục cổ vật của Việt Nam bị đưa ra khỏi đất nước bất hợp pháp trong quá khứ và tham vấn Ban thư ký Công ước 1970 của UNESCO về Danh mục để làm cơ sở tìm kiếm giải pháp đưa cổ vật Việt Nam từ nước ngoài về nước.

Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam  

Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943 có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn. Sau 80 năm, các luận điểm, quan điểm trong bản Đề cương vẫn tiếp tục được Đảng ta sáng tạo, khẳng định và hiện thực hóa. Những thành quả mà nền văn hóa Việt Nam có được hôm nay đều dựa trên các quan điểm từ bản Đề cương này.

Sự kiện Văn hóa tiêu biểu năm 2023: Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" hồi hương - Ảnh 4.

Sự kiện Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam.

Chuỗi hoạt động nhân kỷ niệm 80 năm ra đời bản đề cương về văn hóa Việt Nam đã được Bộ VH,TT&DL chủ trì, phối hợp cùng các ban, bộ, ngành và địa phương tổ chức nhằm nhìn lại và tiếp tục phát huy giá trị lịch sử, giá trị thực tiễn của bản đề cương. 

Điểm nhấn là Hội thảo khoa học quốc gia "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển" do Bộ VH,TT&DL, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.

Cùng với đó, Tuần phim kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam được tổ chức trên phạm vi toàn quốc. 

Phim tài liệu 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam với thời lượng trên 40 phút, chuyển tải thông điệp ý nghĩa, tập trung làm rõ bối cảnh ra đời, ý nghĩa lịch sử và giá trị lý luận, thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam cùng quá trình vận dụng, phát triển những tư tưởng cốt lõi của bản Đề cương trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Triển lãm ảnh cùng chủ đề góp phần làm phong phú các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu về sự kiện 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam. 

Lễ kỷ niệm và Chương trình nghệ thuật với chủ đề Đề cương Văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử để lại nhiều dấu ấn đặc biệt nhân dịp kỷ niệm trọng đại của dân tộc.

Việt Nam trúng cử thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027

Ngày 22/11 tại thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp, trong khuôn khổ Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 24 các quốc gia thành viên Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và Thiên nhiên Thế giới (Công ước Di sản Thế giới), Việt Nam đã trúng cử trở thành thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027. 

Có 173 quốc gia bỏ phiếu, 171 phiếu hợp lệ, Việt Nam đạt 121 phiếu, đứng thứ nhất trong nhóm 4 khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đứng thứ 2 trong tổng số 9 nước ở 5 khu vực được bầu, trong tổng số 195 quốc gia thành viên.

Sự kiện Văn hóa tiêu biểu năm 2023: Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" hồi hương - Ảnh 5.

Việt Nam trúng cử thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027.

Ủy ban Di sản Thế giới là một trong những cơ quan điều hành quan trọng nhất của Tổ chức UNESCO, có quyền quyết định những vấn đề then chốt liên quan tới việc công nhận các Di sản văn hóa và Thiên nhiên Thế giới; Xem xét, đánh giá tình trạng bảo tồn của các Di sản Thế giới trên toàn cầu; Quyết định chính sách, ngân sách chủ trương, định hướng phát triển của Công ước Di sản Thế giới.

Với tư cách là thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027, Việt Nam sẽ có điều kiện thuận lợi để đóng góp hơn nữa cho việc hoàn thiện, thực hiện các mục tiêu và ưu tiên của Công ước Di sản Thế giới, chia sẻ các kinh nghiệm trong xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển các Di sản Thế giới tại Việt Nam như Tổng giám đốc UNESCO, bà Audrey Azoulay đã khẳng định: "Việt Nam là điển hình thành công trong kết nối giữa phát triển kinh tế và văn hóa; Và là một hình mẫu tốt về bảo tồn môi trường và phát triển du lịch bền vững".

Hội An, Đà Lạt được công nhận Thành phố sáng tạo của UNESCO

Trong dịp kỷ niệm Ngày Các thành phố Thế giới (31/10/2023), Tổng giám đốc UNESCO đã ký Quyết định công nhận Đà Lạt và Hội An chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN).

Sự kiện Văn hóa tiêu biểu năm 2023: Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" hồi hương - Ảnh 6.

Hội An, Đà Lạt được công nhận Thành phố sáng tạo của UNESCO.

Như vậy, sau khi Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế vào năm 2019, giờ đây Việt Nam cùng lúc có thêm một Thành phố sáng sáng tạo âm nhạc và một Thành phố sáng tạo thủ công và nghệ thuật dân gian. 

Theo lộ trình từ nay đến năm 2030, mỗi 2 năm sẽ có tối đa 2 thành phố Việt Nam xây dựng và nộp hồ sơ ứng cử gia nhập UCCN với mục tiêu sẽ có từ 4-6 thành phố được công nhận là Thành phố sáng tạo của UNESCO.

Năm 2023 cũng là năm ghi nhận nhiều điểm sáng trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam. 

Việc tạo điều kiện tổ chức thành công 2 đêm diễn của nhóm nhạc BlackPink tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, nhiều địa chỉ như Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, làng nghề Lụa Vạn Phúc, thêu Quất Động, sơn mài Hạ Thái… liên tục đổi mới cách tiếp cận, khai thác để biến các lĩnh vực văn hóa thành nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa. 

Đặc biệt, phát triển du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ đang cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong học hỏi, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; Quyết tâm thực hiện mục tiêu đến năm 2030, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP.

Du lịch Việt Nam đạt nhiều giải thưởng của Tổ chức Du lịch thế giới năm 2023

Trong đó, lần thứ 4 Việt Nam được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới; Lần thứ 5 được bình chọn là Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á

Năm 2023, Việt Nam tiếp tục đoạt hàng loạt giải thưởng tại Lễ trao giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards- WTA). Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) vừa diễn ra tại thành phố Dubai (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất) đã vinh danh Việt Nam là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới năm 2023. 

Đây là lần thứ 4 Việt Nam đón nhận giải thưởng danh giá này sau 3 lần trước vào năm 2019, 2020 và 2022.

Sự kiện Văn hóa tiêu biểu năm 2023: Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" hồi hương - Ảnh 7.

Du lịch Việt Nam đạt nhiều giải thưởng của Tổ chức Du lịch thế giới năm 2023.

Hà Nội vinh dự nhận danh hiệu "Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu Thế giới 2023". Đảo ngọc Phú Quốc đạt danh hiệu "Điểm đến biển đảo thiên nhiên hàng đầu thế giới 2023".

Mộc Châu được tôn vinh là "Điểm đến thiên nhiên địa phương hàng đầu thế giới 2023"; Hà Nam giành được giải thưởng "Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới 2023"; Tam Đảo đạt danh hiệu "Điểm đến thị trấn hàng đầu thế giới 2023", cùng nhiều hạng mục giải thưởng khác dành cho các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh du lịch của Việt Nam.

Trước đó, ở Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) khu vực châu Á và châu Đại Dương lần thứ 30 năm 2023 diễn ra tại TP.HCM tối 6/9/2023, Việt Nam đoạt hàng loạt giải thưởng du lịch hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương 2023.

Ở cấp quốc gia, Việt Nam vinh dự nhận giải thưởng "Điểm đến hàng đầu châu Á 2023" và "Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á 2023". Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam xuất sắc đạt danh hiệu "Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á 2023".

Đây là lần thứ 5 Việt Nam được bình chọn là "Điểm đến hàng đầu châu Á", trong đó có 3 lần liên tiếp đoạt giải (các năm 2018, 2019, 2021, 2022, 2023) và lần thứ 2 liên tiếp đoạt giải "Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á" (năm 2022 và 2023), khẳng định thương hiệu và sức hút đặc biệt của Du lịch Việt Nam.

Những giải thưởng danh giá của World Travel Awards 2023 đến với ngành Du lịch Việt Nam trong bối cảnh toàn ngành đang nỗ lực đẩy nhanh phục hồi và tăng tốc phát triển hiệu quả, bền vững.

Những giải thưởng này là sự ghi nhận của bạn bè, đối tác quốc tế trên toàn thế giới đối với du lịch Việt Nam, tiếp tục là động lực để Việt Nam khai thác tiềm năng du lịch to lớn, không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ; Lan tỏa sức hấp dẫn, thu hút du khách quốc tế trên toàn cầu đến khám phá và trải nghiệm trọn vẹn tại Việt Nam.

Tháng 7/2023, Tạp chí du lịch nổi tiếng The Travel của Canada bình chọn Việt Nam là 1 trong 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới từ khảo sát do InterNations tiến hành dựa trên câu trả lời của 12.000 người thuộc 174 quốc gia.

Năm 2023, ngành Du lịch phục vụ khoảng 110 triệu khách du lịch nội địa, 13 triệu khách quốc tế.

Cạnh đó là các sự kiện được bình chọn như: Lần đầu tiên tổ chức sự kiện "Tuyên dương 78 gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023" và Hội nghị cán bộ văn hóa toàn quốc;

Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng) được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới;

Tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I tại tỉnh Lai Châu, năm 2023;

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 ngày 15/3 và Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững ngày 15/11. Chính phủ ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững;

Ngày 14/8 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 127/NQ-CP về việc thực hiện áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ và Nghị quyết số 128/NQ-CP nâng thời hạn tạm trú lên 45 ngày đối với 13 nước được đơn phương miễn thị thực.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.