Hàng hải

Sửa nhiều chương trình đào tạo, huấn luyện thuyền viên

05/09/2023, 14:12

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư quy định về chương trình đào tạo, huấn luyện thuyền viên, hoa tiêu hàng hải.

Bổ sung chương trình huấn luyện thuyền viên làm việc trên tàu cao tốc

Dự thảo Thông tư mới nhằm thay thế Quyết định số 2908 ngày 28/12/2018 của Bộ Giao thông vận tải về việc ban hành chương trình đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải, hoa tiêu hàng hải và bộ ngân hàng câu hỏi, hướng dẫn trả lời câu hỏi thi sỹ quan hàng hải, tiếng Anh hàng hải.

Đề xuất sửa nhiều chương trình đào tạo, huấn luyện thuyền viên - Ảnh 1.

Nhiều chương trình đào tạo thuyền viên mới được đề xuất bổ sung nhằm phù hợp với những quy định về hàng hải (Ảnh minh họa).

Dự thảo Thông tư đề xuất bổ sung nhiều chương trình mới để phù hợp với những quy định mới của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), như chương trình huấn luyện cơ bản và nâng cao thuyền viên làm việc trên tàu hoạt động tại các vùng cực; chương trình huấn luyện cơ bản và nâng cao thuyền viên làm việc trên tàu sử dụng nhiên liệu có điểm cháy thấp; chương trình đào tạo sỹ quan hàng hải mức trách nhiệm vận hành ngành điều khiển tàu biển hạng tàu từ 500 GT trở lên...

Ngoài ra, Thông tư cũng đề xuất bổ sung chương trình bổ túc một số ngành trình độ đại học như điều khiển tàu biển, khai thác máy tàu biển, kỹ thuật điện tàu biển. 

Lý giải về điều này, theo Cục Hàng hải VN, dự thảo Thông tư thay thế Thông tư quy định về tiêu chuẩn chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn, đào tạo, huấn luyện thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu của tàu biển Việt Nam quy định tốt nghiệp ngành hoặc chuyên ngành có tên khác nhóm ngành.

Việc bổ sung chương trình bổ túc trình độ đại học nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế, để sinh viên chuyên ngành cùng nhóm ngành có thể học chuyển đổi để đi tàu, nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội cho sự phát triển của ngành hàng hải.

Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư cũng đề xuất bổ sung nhiều chương trình huấn luyện như huấn luyện cơ bản và nâng cao thuyền viên làm việc trên tàu cao tốc.

Nguyên nhân do theo quy định của Bộ luật Quốc tế về tàu cao tốc (Bộ luật HSC 2000), thuyền viên trên tàu cao tốc phải qua huấn luyện cơ bản và nâng cao. 

Hiện nay, trong dự thảo Thông tư thay thế Thông tư quy định về tiêu chuẩn chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn, đào tạo, huấn luyện thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu của tàu biển Việt Nam đã yêu cầu bắt buộc phải có đối với thuyền viên đi trên tàu cao tốc.

Bãi bỏ chương trình bổ túc trình độ sơ cấp vì không có người học

Ngoài việc bổ sung nhiều chương trình đào tạo, huấn luyện mới, dự thảo Thông tư cũng đề xuất thay thế và bãi bỏ nhiều chương trình đào tạo. 

Cụ thể, đề xuất thay thế chương trình đào tạo ngành Điều khiển tàu biển trình độ sơ cấp bằng Chương trình đào tạo, huấn luyện thuỷ thủ.

Theo lý giải, hiện nay, các trường xây dựng chương trình đào tạo Điều khiển tàu biển trình độ sơ cấp theo Thông tư 42/2015 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định về đào tạo trình độ sơ cấp. Trong đó, không xây dựng thời gian thực tập, huấn luyện 2 tháng theo quy định của Công ước STCW 78/2010. Bởi vậy, việc thay thế chương trình đào tạo là cần thiết để thống nhất chương trình đào tạo ngành Điều khiển tàu biển trình độ sơ cấp.

Ngoài ra, hiện trong định biên an toàn tối thiểu không quy định có chức danh thuỷ thủ trưởng, thợ máy chính. 

Do đó, dự thảo Thông tư mới bãi bỏ chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ thuỷ thủ trưởng và thợ máy chính, giao cho các trường tự xây dựng chương trình và đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp.

Cùng đó, đề xuất bãi bỏ chương trình bổ túc trình độ sơ cấp các ngành điều khiển tàu biển, khai thác máy tàu biển và kỹ thuật điện tàu biển do các chương trình này không còn phù hợp với thực tế và không có học sinh tham gia học. 

Thay vào đó, thay thế bằng các chương trình đào tạo, huấn luyện thợ máy và đào tạo, huấn luyện thợ kỹ thuật điện.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.