Y tế

Thời tiết lạnh sâu, nhiều người đột quỵ não, mắc bệnh tim mạch

20/12/2023, 13:18

Khoa Cấp cứu Bệnh viện E liên tiếp tiếp nhận nhiều ca đột quỵ não và các bệnh tim mạch. Điều đáng nói, đột quỵ não hay xảy ra ở người trẻ, còn bệnh lý tim mạch lại "tấn công" người già.

Dấu hiệu cần lưu ý khi chơi thể thao ngày lạnh

Mới đây, Khoa Cấp cứu Bệnh viện E (Hà Nội) tiếp nhận nam bệnh nhân (34 tuổi, ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đến viện trong tình trạng yếu nửa người trái, nói khó… Sau khi làm các xét nghiệm, chiếu chụp cần thiết, bác sĩ xác định bệnh nhân bị đột quỵ não.

Thời tiết lạnh sâu, chủ quan người trẻ cũng đột quỵ

 - Ảnh 1.

Một bệnh nhân trẻ tuổi đột quỵ não được điều trị thành công tại Bệnh viện E. 

Người bệnh có biểu hiện yếu nửa người, nói khó khi đang chơi bóng bàn tại cơ quan sau giờ làm việc. Ban đầu, mọi người đều nghĩ bệnh nhân bị trúng gió nên được đưa đến cấp cứu tại đơn vị đột quỵ và can thiệp mạch máu – Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E.

Sau khi xác định bệnh nhân tắc mạch máu não cấp đến bệnh viện trong thời gian vàng là sau 25 phút kể từ khi khởi phát triệu chứng ban đầu, các bác sĩ đã chỉ định sử dụng thuốc tiêu huyết khối tái tưới thông mạch máu não.

Cũng tại đây, các bác sĩ tiếp nhận một cụ ông 89 tuổi (ở Nam Trực, Nam Định) được chuyển từ bệnh viện tuyến dưới lên, với cơn đau vùng ngực sau xương ức, khó thở. Người nhà cho biết trưa 18/12, người bệnh có biểu hiện sốt, ho, khó thở. Gia đình đã đưa người bệnh đi khám ở bệnh viện tuyến huyện.

Với chẩn đoán bệnh lý mạch vành, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội. Sau đó, do bệnh trở nặng, ngay trong đêm, bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện E.

Nhận định người bệnh có nguy cơ nhồi máu cơ tim, các bác sĩ chỉ định siêu âm tim, điện tim, xét nghiệm cần thiết. Kết quả men tim của người bệnh tăng gấp 30 lần so với ngưỡng thông thường là 14 ng/L. May mắn là bệnh nhân được điều trị nội khoa kịp thời.

Tăng nguy cơ đột quỵ, bệnh tim mạch

ThS.BS Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E, cho biết thời tiết biến đổi thất thường như những ngày vừa qua khiến lượng bệnh nhân nhập viện gia tăng đột biến, nhất là các bệnh lý về đột quỵ não và tim mạch. Để phòng tránh đột quỵ não và tim mạch mùa lạnh, người dân cần tầm soát các yếu tố nguy cơ như huyết áp, mỡ máu, đái tháo đường, thuốc lá, bia rượu, chất kích thích… 

ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội bệnh mạch máu Việt Nam, khuyến cáo vào mùa lạnh, việc duy trì sự ấm áp, ổn định nhiệt độ cơ thể và thực hiện các biện pháp phòng tránh là rất quan trọng, để giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lý. Đặc biệt với người cao tuổi hoặc người có tiền sử mắc bệnh tim mạch hay cao huyết áp, tiểu đường.

Với những đối tượng nguy cơ, cần hạn chế ra ngoài trời lạnh đột ngột vào buổi đêm và sáng sớm; Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, bổ sung đầy đủ nước và các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. 

Người dân cũng cần duy trì chế độ ăn uống tập luyện khoa học, tránh căng thẳng, nên vận động nhẹ nhàng 3-5 phút trước khi xuống giường vào buổi sáng.

Không tắm quá muộn cũng như không tắm nước lạnh. Tránh uống rượu trước khi ra ngoài trời vì rượu làm giãn nở các mạch máu trên da, khiến cơ thể cảm thấy ấm hơn, trong khi thực sự lấy đi nguồn nhiệt ra khỏi các cơ quan quan trọng.

Với những người có tiền sử bệnh tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, nếu thấy những đột ngột nói khó, liệt 1/2 người, nhìn mờ 1 bên mắt, liệt nửa mặt… thì gia đình chủ động gọi cấp cứu hoặc đưa đến bệnh viện sớm. Đặc biệt lưu ý, trong khoảng thời gian vàng từ dưới 3 giờ - 4,5 giờ đầu sau khi khởi phát đột quỵ, nếu người bệnh được đưa đến bệnh viện chữa trị kịp thời thì cơ hội sống sót và phục hồi rất cao.

"Việc càng trì hoãn điều trị sớm, trong vòng vài phút nếu không được cung cấp đủ máu các tế bào não sẽ bắt đầu chết, thời gian kéo dài càng lâu, số lượng tế bào não chết càng nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy của cơ thể, thậm chí là tử vong. Do đó, bệnh nhân đột quỵ cần được sớm đưa vào bệnh viện để các bác sĩ cứu chữa trong thời gian vàng này", BS Vĩnh Yên lưu ý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.