Đường bộ

Thông xe kỹ thuật tuyến đường "đón đầu tương lai" 1.400 tỷ đồng

30/12/2023, 17:29

Tuyến đường dài 20km chạy song song với đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Pháp Vân - Cầu Giẽ đã chính thức thông xe kỹ thuật vào ngày hôm nay (30/12).

Tuyến đường đón đầu tương lai

Sáng nay, toàn tuyến đường bên của tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã cơ bản hoàn thành các hạng mục mặt đường, đảm bảo cho các các phương tiện cơ giới lưu thông. Theo ghi nhận của PV, nhờ việc tuyến đường bên được đưa vào sử dụng mà trong ngày đầu tiên của kỳ nghỉ tết Dương lịch, giao thông thuận lợi, không xảy ra tình trạng ùn ứ như các năm.

Thông xe kỹ thuật tuyến đường "đón đầu tương lai" 1.400 tỷ đồng- Ảnh 1.

Đường nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Pháp Vân - Cầu Giẽ trở nên thông thoáng sau khi hệ thống đường bên chính thức thông xe.

Đi trên tuyến đường mới, chị Nguyễn Thị Minh (trú xã Xuân Trúc, huyện Ân Thi) tỏ ra vui mừng: Chúng tôi vẫn ngày ngày mong ngóng lúc tuyến đường được đưa vào khai thác. Trước đây, đường rộng nhưng đi chung với xe tải, container, người dân chúng tôi vẫn nơm nớp lo sợ. Giờ thì có đường riêng, có dải phân cách, mỗi khi đi ở đây thấy yên tâm hơn hẳn.

Đúng như lời chị Minh, những ngày đầu tuyến đường nối hai cao tốc được mở rộng, tuy đã cơ bản xóa đi tình trạng ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, do lưu lượng các loại xe ô tô, nhất là xe tải hạng nặng, container lưu thông trên tuyến dày đặc, chiếm gần như hết phần đường của các phương tiện cơ giới của người dân địa phương. Ngoài ra, tốc độ lưu thông của xe đường dài và xe địa phương khác nhau nên thường xảy ra xung đột giao thông, mất an toàn ở các điểm rẽ, nút giao cắt. Nay tuyến đường bên thông xe, gần như đã giải quyết được các vấn đề nêu trên.

Thông xe kỹ thuật tuyến đường "đón đầu tương lai" 1.400 tỷ đồng- Ảnh 2.

Tuyến đường bên giúp giảm tải và phân tách dòng phương tiện địa phương với các xe đường dài chạy xuyên tỉnh Hưng Yên qua đường nối hai cao tốc.

Đặc biệt hơn, hệ thống đường bên còn kết nối với hàng loạt khu công nghiệp của các huyện Yên Mỹ, Ân Thi, các khu đô thị, khu dân cư của TP Hưng Yên, huyện Kim Động, Tiên Lữ trở thành tuyến đường kết nối liên vùng thúc đẩy phát triển kinh tế và cũng là trục đường gom trong tương lai sau khi các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được hoàn thiện và lấp đầy. Chính vì vậy, người Hưng Yên vẫn hay gọi tuyến đường này là đường đón đầu tương lai.

Dự án xây dựng đường bên của tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hưng Yên phê duyệt tại Quyết định số 2172/QĐ-UBND ngày 14/9/2021, có chiều dài một bên tuyến thiết kế 19,68km, với tổng mức đầu tư hơn 1,4 nghìn tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 đến năm 2025. Dự án do Sở GTVT tỉnh Hưng Yên làm chủ đầu tư. Đơn vị trúng thầu thi công là Doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường.

Phấn đấu về đích trước tết Nguyên đán

Theo chủ đầu tư dự án, Dự án đường bên được đầu tư xây dựng nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông vận tải thiết yếu của Hưng Yên nói riêng và của khu vực nói chung theo quy hoạch được phê duyệt. Dự án nhằm phục vụ tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân, đẩy mạnh thu hút đầu tư trên địa bàn các huyện Yên Mỹ, Khoái Châu, Kim Động, Ân Thi, Tiên Lữ và Thành phố Hưng Yên; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thông xe kỹ thuật tuyến đường "đón đầu tương lai" 1.400 tỷ đồng- Ảnh 3.

Hệ thống đường bên được xem là tuyến đường đón đầu tương lai khi kết nối hàng loạt các khu công nghiệp, khu đô thị.

Trong quá trình triển khai dự án, tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo các địa phương nơi tuyến đường đi qua tập trung nguồn lực để giải phóng mặt bằng (GPMB), bàn giao trước các đoạn đi qua đất nông nghiệp. Đồng thời, từng bước tháo gỡ các khó khăn vướng mắc. Đến nay, đã cơ bản bàn giao xong mặt bằng cho đơn vị thi công. Là một trong số ít những dự án có mặt bằng tốt không ảnh hưởng tiến độ thi công.

Về phía chủ đầu tư, sau khi dự án được khởi công xây dựng vào ngày 15/11/2021, Sở GTVT Hưng Yên đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo nhà thầu bố trí đầy đủ trang thiết bị, máy móc, tổ chức thi công, tuân thủ nghiêm các nguyên tắc về vệ sinh, an toàn lao động, an toàn giao thông với tinh thần trách nhiệm cao nhất, quyết tâm khắc phục khó khăn để thi công đáp ứng tiến độ, chất lượng, bảo đảm kỹ mỹ thuật.

Sở cũng phối hợp với các ngành, địa phương tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, đặc biệt là công tác GPMB tại một số vị trí nút giao của dự án. Cùng đó, tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình triển khai xây dựng, giải ngân nguồn vốn.

Kỹ sư Nguyễn Văn Công, Chỉ huy trưởng công trường nhà thầu Doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường cho biết: Đến ngày 30/12/2023, phần đường trên tuyến đã cơ bản hoàn thiện và đủ điều kiện cho phương tiện lưu thông. Trên tuyến, chúng tôi vẫn đang duy trì các mũi thi công hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông như: sơn kẻ vạch kẻ đường, làm cọc tiêu, biển báo, đường vuốt nối; và mũi thi công cầu vượt 38, phấn đấu hoàn thành dự án trước tết Nguyên đán 2024.

Theo kỹ sư Công, tổng giá trị sản lượng dự án đã thực hiện đến nay ước đạt gần 80%. Trong đó, phần đường đã cơ bản hoàn hiện, dự kiến vượt tiến độ khoảng 7 tháng. Đối với phần cầu và các nút giao do mặt bằng được bàn giao muộn nên sẽ hoàn thành, bàn giao trong tháng 6/2024. Tuy nhiên, việc thi công các hạng mục này không làm ảnh hưởng nhiều đến phương tiện lưu thông trên tuyến chính.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.