Đường bộ

Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm kiểm tra cao tốc Bắc-Nam đoạn Cần Thơ-Cà Mau

16/05/2023, 21:15

Ngày 16/5, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm đã kiểm tra thi công dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau.

5 tháng chỉ thi công hơn 2%

Ông Lê Đức Tuân, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư) cho biết, dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang, đến nay các địa phương đã bàn giao khoảng 39km, trong đó chiều dài mặt bằng có thể thi công được khoảng 38km; 33/40 cầu có mặt bằng thi công.

img

Tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm chưa hài lòng khi máy móc, thiết bị chưa được bố trí đầy đủ, chưa tương xứng với quy mô của công trường thi công cao tốc

Hiện Hậu Giang đang xây 4 khu tái định cư. Dự kiến trong tháng 6/2023 sẽ thực hiện bốc thăm nền tái định cư cho các hộ dân. Kiên Giang đang triển khai thủ tục lập dự án đầu tư 1 khu tái định cư với diện tích 4,9ha. Riêng tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau tự cân đối bố trí các khu có sẵn.

Đoạn Hậu Giang - Cà Mau đã bàn giao khoảng 74km, mặt bằng có thể thi công khoảng 69km; 69/86 cầu có mặt bằng thi công.

Theo ông Tuân, tình hình thi công dự án đến nay chậm so với kế hoạch, sản lượng thi công chỉ được hơn 2%. Trong khi đó, chủ đầu tư đã xây dựng kế hoạch từ đầu năm, phấn đấu sản lượng trong năm 2023 đạt từ 35% giá trị dự án.

"Đối với các nhà thầu, Ban Quản lý dự án yêu cầu các đơn vị khẩn trương kiện toàn nhân sự ban điều hành, huy động bổ sung máy móc, thiết bị. Tuy nhiên, hiện tại, nhà thầu Vạn Cường hiện nay chưa có chỉ huy trưởng và chưa triển khai thi công được gì trên công trường", ông Tuân cho hay.

img

Hình hài cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau

Lấy sản lượng cầu bù vào đường chính

Đại diện Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam (Trung Nam E&C) cho biết, nhà thầu đã xây dựng phương án thi công cụ thể đối với các cầu trên tuyến bám sát theo kế hoạch chủ đầu tư đưa ra.

Trong tuần tới, nhà thầu sẽ huy động thêm máy móc, thiết bị phục vụ cho việc thi công công trình.

Tuy nhiên, cũng như các nhà thầu khác, Trung Nam E&C cho rằng khó khăn lớn nhất hiện nay đó là mặt bằng tại nhiều điểm thi công còn đang vướng. Mặc dù các hộ dân đã nhận tiền đền bù nhưng chưa di dời vì còn chờ nhận nền tái định cư. Kế đến là khó khăn về nguồn vật liệu cát.

Từ đó, đại diện nhà thầu này kiến nghị Bộ GTVT tiếp tục quan tâm, tác động đến các địa phương có mỏ cát sớm hỗ trợ cát cho dự án. Đồng thời tháo gỡ các vấn đề vướng mắc liên quan đến thủ tục cấp phép khai thác, tăng công suất các mỏ.

img

Chủ đầu tư phấn đấu năm 2023 thi công đạt 35% giá trị dự án

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho rằng, chủ đầu tư đã quán triệt các nhà thầu phải có kế hoạch thi công đối với tuyến chính, đường găng của dự án ngay từ thời điểm ký kết hợp đồng.

Tuy nhiên qua báo cáo, tổng sản lượng thi công 2 dự án thành phần đến nay chỉ đạt hơn 2%, rất chậm so với kế hoạch. Nguyên nhân chính, theo ông Thi, là do thời gian qua, dự án gặp khó khăn về vật liệu cát.

Ngoài ra địa bàn chia cắt với 126 cầu dọc tuyến nên việc tiếp cận công trường khó khăn, dẫn đến công tác huy động ban đầu mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, sau các công điện đốc thúc của Bộ trưởng Bộ GTVT, UBND các tỉnh cũng đã vào cuộc rất quyết liệt nên tình hình GPMB đã thuận lợi hơn nhiều.

"Chúng tôi đã đề nghị các đơn vị huy động máy móc, thiết bị tập trung thi công đối với các vị trí đã có mặt bằng. Tập trung thi công các cầu trên tuyến, lấy sản lượng thi công cầu bù vào sản lượng tuyến chính trong giai đoạn còn khó khăn về nguồn cát như hiện nay. Trường hợp nhà thầu vẫn không có chuyển biến tích cực, chủ đầu tư sẽ xem xét, xử lý theo hợp đồng", Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận nhấn mạnh.

img

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm đề nghị nhà thầu nói được phải làm được

Lường trước các yếu tố bất lợi, kiểm soát chặt tiến độ của dự án

Ghi nhận những nỗ lực của chủ đầu tư, nhà thầu trong bối cảnh việc thi công còn rất nhiều khó khăn, song Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nêu rõ: Kết quả kiểm tra thực tế cũng như báo cáo của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho hay: Việc thi công chưa như mong muốn, còn chậm so với kế hoạch.

"Giai đoạn đầu của dự án sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong tình hình khan hiếm nguồn vật liệu cát như hiện nay. Điều này đòi hỏi các nhà thầu phải cần phải tập trung xây dựng kế hoạch thi công chi tiết ngay từ đầu.

Trong kế hoạch phải lường trước các yếu tố bất lợi như thời tiết, thời gian xử lý nền đất yếu, việc huy động thiết bị máy móc gặp khó khăn do địa hình chia cắt… kiểm soát chặt tiến độ của dự án.

Đồng thời giao Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận tiếp tục phối hợp cùng địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác GPMB", Thứ trưởng chỉ đạo đồng thời yêu cầu liên danh các nhà thầu kiện toàn nhân sự ban điều hành, lựa chọn đơn vị mạnh nhất làm người điều phối kịp thời hỗ trợ cho các thành viên liên danh khi gặp khó khăn trong quá trình thi công dự án.

Liên quan đến vấn đề cát, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết, Bộ TN&MT sẽ có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương có nguồn cát như An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long bố trí các mỏ cát để phục vụ cho việc thi công dự án. Đồng thời hướng dẫn chi tiết cụ thể các vướng mắc liên quan đến thủ tục cấp mỏ cát.

“Các nhà thầu vẫn khẳng định bám sát mục tiêu khối lượng thi công đạt 35% trong năm 2023. Nhưng đây chỉ là các nhà thầu nói, vấn đề quan trọng là phải làm được”, Thứ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh.

Cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau có chiều dài gần 111km. Tổng mức đầu tư hơn 27.500 tỷ đồng, được phân thành 2 dự án thành phần gồm Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.