Xã hội

Thủ tướng nêu 10 nhiệm vụ để triển khai quy hoạch tổng thể quốc gia

20/04/2023, 11:46

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 10 nhiệm vụ trọng tâm để triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia lần đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam.

Nhiệm vụ chưa từng có tiền lệ

Sáng 20/4, Chính phủ tổ chức Hội nghị công bố và triển khai quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII để nhấn mạnh Quy hoạch tổng thể quốc gia (QHTTQG) được Trung ương coi là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, lâu dài, nhưng cũng là vấn đề rất rộng lớn, rất mới, rất khó, rất nhạy cảm và chưa có tiền lệ".

img

Tại Hội nghị, Thủ tướng và các đại biểu bấm nút khai trương Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quy hoạch quốc gia - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

QHTTQG lần đầu tiên được xây dựng ở nước ta, là quy hoạch vừa mang tính tổng thể, vừa mang tính chiến lược, bao trùm mọi lĩnh vực KTXH và được lập cho 10 năm (trước đây chỉ có chiến lược phát triển KTXH của cả nước).

Sau khi được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ KH&ĐT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 81 của Quốc hội và Kế hoạch thực hiện QHTTQG thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Chính phủ ban hành, triển khai.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Sau khi các quy hoạch được phê duyệt, phải có các dự án, đề án cụ thể, bố trí nguồn lực để thực hiện, mang lại hiệu quả cân đong đo đếm được”.

10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Trước nhiệm vụ chính trị chưa từng có tiền lệ này, Thủ tướng đưa ra một số chỉ đạo trong đó lưu ý 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để hiện thực hóa.

Trước hết, phải quán triệt nội dung của QHTTQG để thực hiện trong từng cơ quan, đơn vị. Bộ KH&ĐT sớm hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện QHTTQG của Chính phủ để phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương và cơ quan có liên quan.

Thứ hai, ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện có hiệu quả QHTTQG, nhất là tập trung nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án quan trọng quốc gia.

img

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng lưu ý phải “ưu tiên vốn đầu tư công cho các dự án hạ tầng kỹ thuật quy mô lớn mang tính liên vùng, liên tỉnh kết nối các vùng động lực quốc gia, các hành lang kinh tế; các công trình có sức lan tỏa cao, giải quyết nhu cầu thiết yếu, các nút thắt của vùng, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao".

Phát huy vai trò dẫn dắt của vốn đầu tư công để kích hoạt, huy động, thu hút mọi nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực tư nhân tham gia các công trình đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Nhiệm vụ thứ ba, theo Thủ tướng, là cần xây dựng cơ chế, chính sách. Trong đó, cần có cơ chế, chính sách theo hướng tăng cường phân cấp huy động, sử dụng nguồn lực đầu tư ở Trung ương và địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương cùng đầu tư ngân sách vào các hạ tầng dùng chung, hạ tầng liên kết vùng, các công trình hạ tầng kết nối giữa các trung tâm phát triển của địa phương với hệ thống hạ tầng quốc gia.

Thủ tướng nhấn mạnh:

Việc làm quy hoạch đã khó, nhưng tổ chức thực hiện còn khó hơn nữa. Việc triển khai và thực hiện thắng lợi các mục tiêu, yêu cầu của QHTTQG là nhiệm vụ rất nặng nề, khó khăn, cần quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả của các cấp chính quyền.

Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển các vùng động lực, phát triển các hành lang kinh tế ưu tiên; nâng cao năng lực cơ sở đào tạo, thu hút nhân lực; Hoàn thiện chính sách thu ngân sách Nhà nước đối với đất đai, tài sản, tài nguyên; cơ chế khai thác nguồn lực từ đất đai cho phát triển.

Về thu hút đầu tư phát triển, Thủ tướng yêu cầu tạo điều kiện môi trường đầu tư, kinh doanh; Huy động vốn vay nước ngoài với lãi suất ưu đãi, phù hợp để ưu tiên đầu tư cho các dự án trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, có hiệu ứng lan tỏa như hạ tầng giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu, năng lượng sạch,…

Về phát triển nguồn nhân lực, Thủ tướng nhấn mạnh phải xây dựng chính sách, giải pháp đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tiếp đó là nhiệm vụ chăm lo công tác an sinh xã hội. Thứ bảy là nhiệm vụ về khoa học, công nghệ và môi trường, trong đó, người đứng đầu Chính phủ chú trọng lựa chọn và tập trung triển khai nghiên cứu ứng dụng phát triển công nghệ cho một số ngành, lĩnh vực then chốt.

Về nguồn lực tài chính thực hiện quy hoạch, Thủ tướng chỉ đạo phải cơ cấu lại chi đầu tư công theo hướng trọng tâm, trọng điểm và không dàn trải, nâng cao hiệu quả, hiệu lực phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết dứt điểm tình trạng đầu tư dàn trải.

Cuối cùng, Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh hợp tác quốc tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.