Xã hội

Thừa Thiên - Huế: Phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ, thúc đẩy liên kết vùng

31/12/2023, 19:49

Thừa Thiên - Huế đặt mục tiêu phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng gắn với các hành lang kinh tế, phù hợp với quy hoạch mạng lưới giao thông quốc gia.

Ngày 31/12, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thừa Thiên Huế: Phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ, thúc đẩy liên kết vùng- Ảnh 1.

Công trình cầu qua cửa Thuận An thuộc dự án tuyến đường bộ ven biển Thừa Thiên - Huế đang thi công.

Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại

Về các nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành TP trực thuộc Trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; Trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung và cả nước về văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu, GD&ĐT, KH&CN.

Xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thông minh, đặc biệt là kết cấu hạ tầng đô thị, giao thông, hạ tầng số đảm bảo sự hài hòa giữa kiến trúc với thiên nhiên và đặc thù của Huế.

Hình thành và phát triển các hành lang kinh tế Bắc - Nam, Đông - Tây, hành lang kinh tế đô thị hướng biển và các trung tâm động lực.

Các khâu đột phá là phát triển hệ thống đô thị di sản kết hợp đô thị hiện đại, thông minh trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản; Phát huy lợi thế đô thị ven biển gắn với vị thế 4 trung tâm của vùng và cả nước với quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao về kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại; Trọng tâm ưu tiên phát triển hạ tầng CNTT, viễn thông, hạ tầng giao thông chiến lược, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các KCN, KKT, hạ tầng đô thị...

Thừa Thiên Huế: Phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ, thúc đẩy liên kết vùng- Ảnh 2.

Đoạn tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan qua tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, là cực tăng trưởng, động lực phát triển của vùng động lực miền Trung và cả nước với hệ thống cảng biển nước sâu Chân Mây đồng bộ, hiện đại gắn với phát triển chuỗi KKT, KCN, đô thị biển - đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đặc sắc của khu vực. Phát huy vai trò động lực của KKT Chân Mây - Lăng Cô trong phát triển KT-XH của tỉnh, của vùng...

Quy hoạch cũng nêu rõ phương án phát triển ngành, lĩnh vực, trong đó phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ vận tải, dịch vụ đô thị thông minh, dịch vụ văn hóa, triển lãm và hội nghị quốc tế...

Phát triển dịch vụ logistics gắn với hệ thống Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, cảng biển nước sâu Chân Mây trở thành trung tâm logistics xanh của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.

3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế, 3 trung tâm động lực tăng trưởng

Theo quy hoạch, Thừa Thiên - Huế sẽ có 3 trung tâm đô thị gồm TP Huế (được chia thành 2 quận quận Bắc sông Hương, quận Nam sông Hương), quận Hương Thủy, thị xã Hương Trà.

Trong đó, quận Bắc sông Hương, Nam sông Hương là trung tâm vùng, là đô thị di sản, giữ vai trò động lực phát triển KT-XH của tỉnh; Quận Hương Thủy phát triển đô thị sân bay gắn với Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, các KCN, cụm công nghiệp động lực; Thị xã Hương Trà là đô thị vệ tinh.

Đô thị vùng tây bắc là thị xã Phong Điền - Quảng Điền - A Lưới; Đô thị vùng đông nam là các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Nam Đông.

Thừa Thiên Huế: Phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ, thúc đẩy liên kết vùng- Ảnh 3.

Đoạn tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua tỉnh Thừa Thiên - Huế nhìn từ trên cao.

Ba hành lang kinh tế, gồm: HLKT Bắc - Nam gắn với QL1 là trục chính, cao tốc Bắc - Nam (Cam Lộ - La Sơn - Tuý Loan), QL49B và đường ven biển gắn với hành lang kinh tế ven biển.

Hành lang kinh tế (HLKT) Đông - Tây, kết nối liên thông 3 cụm cảng biển phía đông (Chân Mây, Thuận An, Phong Điền) với 2 cặp cửa khẩu biên giới Việt - Lào ở phía tây (A Đớt/Tà Vàng và Hồng Vân/Cô Tài) thông qua các quốc lộ (49, 49D, 49E, 49F); Gắn đường Hồ Chí Minh (kết nối các tỉnh vùng động lực miền Trung và Tây Nguyên) kết nối các nước Lào, Myanmar, Thái Lan.

HLKT đô thị hướng biển và thúc đẩy liên kết vùng với Quảng Trị và TP Đà Nẵng, gồm trục chính là đường ven biển, phát triển các tuyến đường tỉnh, các tuyến giao thông hiện đại (tàu điện, đường sắt tốc độ cao) hướng đô thị biển; Kết nối TP Huế, thị xã Hương Thủy, Hương Trà và các đô thị ven biển.

Trong 3 trung tâm động lực tăng trưởng, đối với KKT Chân Mây - Lăng Cô, xây dựng cảng Chân Mây trở thành cảng container, cảng du lịch, là trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế; Gắn với cảng Liên Chiểu Đà Nẵng và hệ thống đấu nối giao thông quốc gia với các đường bộ trở thành trung tâm logistics xanh của vùng và quốc gia; Cung cấp và sử dụng năng lượng sạch làm cơ sở hình thành đô thị Chân Mây và các khu chức năng trong KKT.

Thừa Thiên Huế: Phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ, thúc đẩy liên kết vùng- Ảnh 4.

Tàu làm hàng container tại cảng Chân Mây.

Phát triển giao thông đồng bộ, thúc đẩy liên kết liên vùng...

Quy hoạch cũng nêu cụ thể phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật... Đối với phương án phát triển mạng lưới GTVT, Thừa Thiên - Huế phát triển mạng lưới giao thông của tỉnh đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng gắn với HLKT Bắc - Nam, HLKT ven biển, HLKT dọc đường Hồ Chí Minh, HLKT Đông - Tây; Phù hợp với quy hoạch mạng lưới giao thông quốc gia.

Trong đó, tập trung đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông đối ngoại liên vùng như: Hoàn thành đầu tư tuyến đường bộ ven biển, cao tốc nối các tỉnh trong vùng động lực miền Trung; Giao thông tỉnh kết nối giữa các đô thị; Nâng cấp một số tuyến đường trục chính, đường nội thị quan trọng tại TP, quận, thị xã và huyện và các hạ tầng quan trọng khác.

Tiếp tục hoàn thiện các tuyến đường thủy nội địa, phục hồi, duy trì và giữ cấp các tuyến sông phục vụ phát triển du lịch; Hình thành cảng hàng hóa, hành khách tại các điểm phù hợp trên sông Hương, phá Tam Giang; Tăng cường kết nối tuyến Chân Mây - Tiên Sa Đà Nẵng.

Phát triển cảng biển Thừa Thiên - Huế loại I gồm: Khu bến Chân Mây (đáp ứng tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải từ 150.000- 200.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện, tàu container sức chở đến 4.000 TEU hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện; Tàu khách quốc tế đến 225.000 GT, tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 150.000 tấn, hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện và phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực và quy hoạch năng lượng và các quy hoạch khác có liên quan), phát triển các bến cảng phù hợp với nhu cầu thị trường, khả năng huy động vốn của nhà đầu tư, bảo đảm sự đồng bộ về kết cấu hạ tầng phụ trợ, đặc biệt là luồng hàng hải, đê chắn sóng, ngăn cát.

Khu bến Thuận An (đáp ứng tàu trọng tải đến 5.000 tấn). Khu bến Phong Điền (đáp ứng tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 50.000 tấn; Tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 150.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện), xây dựng đê chắn sóng và các khu neo đậu chuyển tải, tránh, trú bão.

Thừa Thiên Huế: Phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ, thúc đẩy liên kết vùng- Ảnh 5.

Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Phú Bài.

Quy hoạch tuyến đường sắt đô thị kết nối các địa phương, đặc biệt tuyến Huế - Đà Nẵng kết nối 2 thành phố, là cơ sở để phát triển các hoạt động kinh tế: Du lịch, dịch vụ, giải trí, thương mại, công nghiệp, logistics.

Phát triển hệ thống giao thông đường sắt tốc độ cao, tàu điện trên cao sau năm 2030 từ Huế đến Đà Nẵng và có gắn với liên kết vùng, hợp tác quốc tế.

Nâng cấp cửa khẩu chính Hồng Vân và cửa khẩu chính A Đớt thành cửa khẩu quốc tế; nâng cấp lối mở Hồng Thái thành cửa khẩu phụ.

Hình thành các trung tâm logistics gắn với hệ thống cảng biển, cảng hàng không quốc tế, các cửa khẩu với khu cụm công nghiệp, đô thị, các vùng nông nghiệp, thủy sản.

Khi có đủ điều kiện theo quy định, nâng cấp và mở rộng sân bay quốc tế Phú Bài, ga hàng hóa hàng không đáp ứng nhu cầu vận chuyển; Mở mới các đường bay mới của các hãng hàng không nước ngoài đến sân bay quốc tế Phú Bài.

Nghiên cứu các tuyến đường thủy vận chuyển hàng hóa và khách du lịch để thúc đẩy sự phát triển du lịch cũng như hỗ trợ tiếp nhận, xuất nhập khẩu hàng hóa.

Ứng dụng các kỹ thuật công nghệ tiến tiến, thành tựu khoa học kỹ thuật trong phát triển hệ thống giao thông đa phương tiện thông minh, điều hành và quản lý hệ thống GTVT một cách hiệu quả, đảm bảo ATGT, giảm thời gian, chi phí đi lại, thuận tiện và thân thiện với môi trường.

Hình thành các bãi đỗ xe thông minh gắn với bãi đáp của phương tiện bay, các phương tiện vận tải đa dụng trong tương lai ở các khu đô thị trọng điểm và khu vực Quần thể di tích, di sản Cố đô Huế. Phát triển hệ thống GTVT xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về "0" vào năm 2050.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương, quy hoạch này đóng vai trò quan trọng, là nền tảng, cơ sở để định hình không gian phát triển và các nhiệm vụ trọng tâm sắp tới, đặc biệt trong bối cảnh toàn tỉnh nỗ lực xây dựng tỉnh trở thành TP trực thuộc Trung ương.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.