Y tế

Trẻ bị sang chấn tâm lý vì bạo lực học đường, cần làm gì?

24/12/2023, 07:02

Hầu hết trẻ đều không dám thông báo với bố mẹ về việc mình bị bạo hành và nếu không được phát hiện sớm, có biện pháp bảo vệ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần của trẻ.

Hỏi:

Thời gian gần đây, truyền thông đưa tin về tình trạng bạo lực học đường gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của trẻ em. Vậy cha mẹ cần làm gì để bảo vệ các con trước tình trạng này?

Nguyễn Thành (Hà Nội)

Trẻ bị sang chấn tâm lý vì bạo lực học đường, cần làm gì? - Ảnh 1.

Một vụ bạo lực học đường tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị (ảnh minh họa).

TS. BS Ngô Anh Vinh, Phó trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương trả lời:

Mới đây, chúng tôi điều trị cho một bé gái 12 tuổi nhập viện trong tình trạng hoảng loạn, mệt mỏi, đau đầu, đau bụng do bị bạo lực học đường. Hiện tượng này không phải hiếm gặp.

Tình trạng này gây ra những hậu quả trầm trọng về tinh thần của trẻ như: rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, chán học và bỏ học. Đặc biệt, bạo lực học đường là một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi tự tử của học sinh.

Vì thế, cần có những biện pháp phòng ngừa để có thể phát hiện sớm các vụ bạo lực học đường, tránh được các hậu quả đáng tiếc. Các bậc phụ huynh cần phối hợp với nhà trường để theo dõi quá trình học tập, sinh hoạt của con tại trường. Bên cạnh đó, gia đình và nhà trường cần giáo dục cho trẻ các kỹ năng cần thiết phòng tránh bạo lực học đường.

Thực tế, hầu hết trẻ đều không dám thông báo với bố mẹ về việc mình bị bạo hành vì thấy xấu hổ, tự ti, thậm chí sợ lại bị bạo hành tiếp vì mang tiếng là "hớt lẻo".

Phụ huynh, thầy cô giáo nên động viên, khuyến khích trẻ chủ động báo ngay cho nhà trường và gia đình khi bị bắt nạt hoặc thấy bạn bị hành hung. Từ đó giúp trẻ cần mạnh dạn báo cho người lớn biết về việc bị bạn bè đe dọa qua lời nói, các tin nhắn có nội dung đe dọa qua điện thoại di động hay email… trước khi sự việc bạo lực học đường xảy ra.

Ngoài ra, cha mẹ, thầy cô cũng cần hướng dẫn con em các kỹ năng nhận biết, tự vệ trước bạo lực học đường. Khi thấy bạo lực nguy hiểm đến bản thân, trẻ cần phải biết kêu cứu để được sự trợ giúp từ thầy cô giáo, gia đình, người thân hoặc những người xung quanh như bảo vệ, bạn bè…

Trẻ cũng cần biết cách nhận diện sớm các dấu hiệu dẫn đến bạo lực như: nhìn đểu, trêu đùa quá khích, bị cho ra rìa, tẩy chay… Nếu nhận biết được, trẻ sẽ biết cách cách hành xử để né tránh khỏi bạo lực.

Ngoài ra, trẻ cũng cần được rèn luyện trong cuộc sống để mạnh mẽ về thể chất, tinh thần, năng lực. Điều này sẽ giúp trẻ không bị yếu thế và tránh khỏi các đối tượng bắt nạt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.