Hồ sơ tài liệu

Ukraine xoay xở chạy đua sản xuất vũ khí trong nước

24/03/2024, 08:00

Ukraine đang đẩy hết tốc lực để sản xuất vũ khí phục vụ cuộc chiến với Nga nhưng lại vấp phải muôn vàn khó khăn, thách thức cả về tài chính và công nghệ.

Ngành công nghiệp quốc phòng nở rộ

Theo Washington Post, trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào nước này hồi tháng 2/2022, Ukraine gần như không tự sản xuất được bất kỳ loại vũ khí nào. Tuy nhiên, chỉ hơn hai năm sau, ngành công nghiệp quốc phòng của nước này lại phát triển nhanh chóng.

Tại cuộc họp Chính phủ tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết, sản lượng vũ khí sản xuất trong nước đã tăng lên gấp 3 lần trong năm 2023 và dự kiến tăng lên 6 lần trong năm nay. Các nhà máy của Ukraine đang làm việc hết công suất để sản xuất các loại đạn pháo, xe quân sự, tên lửa và nhiều trang thiết bị quan trọng khác phục vụ cho chiến trường.

Ukraine xoay xở chạy đua sản xuất vũ khí trong nước- Ảnh 1.

Một công nhân làm việc tại xưởng sửa chữa của Kvertus chuyên sản xuất các hệ thống phòng vệ chống lại máy bay không người lái bao gồm hệ thống tác chiến điện tử hoặc hệ thống tình báo (Ảnh: Washington Post).

Dù thừa nhận số vũ khí này vẫn chưa thể bù đắp được số lượng vũ khí bị thiếu hụt từ các nhà tài trợ quốc tế, đặc biệt là Mỹ trong bối cảnh Hạ viện nước này vẫn chưa thông qua gói viện trợ trị giá 60 tỷ USD cho Ukraine, giới chức Ukraine khẳng định việc tự chủ được phần nào đó vũ khí trong nước có ý nghĩa then chốt đối với Ukraine trong cuộc chiến với Nga.

Cụ thể, theo Bộ trưởng Chuyển đổi số Ukraine Mykhailo Fedorov, nước này đã sản xuất được tới 90% số máy bay không người lái được đưa ra chiến trường. Đây là loại vũ khí được coi là mang tính bước ngoặt đối với quân đội Ukraine giúp nước này có thể thực hiện các vụ tấn công tầm xa nhằm vào các cơ sở dầu mỏ nằm sâu trong đất Nga trong vài tuần qua.

Ngoài ra, Ukraine đã tự sản xuất được các loại đạn pháo 122mm và 152mm theo chuẩn Liên Xô.

Bên cạnh đó, các công ty quốc phòng của Ukraine dự kiến sẽ bổ sung các loại đạn pháo 155mm theo chuẩn NATO mà quân đội nước này đang rất cần để cung cấp cho hệ thống pháo do các nước phương Tay cung cấp cho nước này trên chiến chiến trường. Tuy nhiên, một quan chức tại nhà máy quốc phòng Ukroboronprom cho biết việc sản xuất sẽ không thể bắt đầu “trước nửa sau của năm nay”.

Ukraine xoay xở chạy đua sản xuất vũ khí trong nước- Ảnh 2.

Một công nhân sửa chữa một bộ phận của xe thiết giáp đa dụng Novator do Ukrainian Armor thiết kế (Ảnh: Washington Post).

Bản thân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng đã lên tiếng khẳng định, việc tự chủ sản xuất vũ khí trong nước đã trở thành yếu tố sống còn để duy trì khả năng phòng thủ của Ukraine trước các cuộc tấn công của Nga. Trả lời phỏng vấn AP hồi tháng 12/2023, ông Zelensky nhấn mạnh: “Đây là lối thoát duy nhất” và cho biết, nếu có thể làm được điều này mọi kế hoạch tấn công của Nga nhằm vào Ukraine “sẽ phải chấm dứt”.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, giới chức Ukraine thừa nhận, quân đội nước này đang cần gấp nhiều loại vũ khí đạn dược. Ông Maksym Polyvianyi, Phó Tổng giám đốc Ukrainian Armor – tập đoàn sản xuất vũ khí tư nhân lớn nhất nước này, nhận định: “Đáng tiếc tôi phải nói rằng, nếu không có sự hỗ trợ của các đối tác phương Tây, bao gồm cả Mỹ, chúng tôi chưa thể đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của các lực lượng quân đội Ukraine”.

Giới chức Ukraine cho biết, bên cạnh các loại đạn pháo thông thường, Ukraine còn đang rất cần các loại vũ khí phức tạp như tên lửa tầm xa, máy bay chiến đấu, máy bay ném bom… 

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Chiến lược Ukraine Oleksandr Kamyshin nói, Ukraine đã bắt đầu sản xuất được một số loại vũ khí cơ bản như tên lửa có tầm bắn trên 600km. Ngoài ra, các hệ thống phòng không và tên lửa có độ chính xác cao tương tự như hệ thống HIMARS của Mỹ đang được phát triển.

Ukraine cũng hợp tác với một số công ty của phương Tây như Rheinmetall của Đức, BAE của Anh và Baykar của Thổ Nhĩ Kỳ để sản xuất trang thiết bị quân sự. Tháng trước, Rheinmetall đã nhất trí tham gia liên doanh sản xuất đạn pháo 155mm. Tổng thống Ukraine Zelensky hy vọng sẽ được các nhà thầu quân sự nước ngoài cấp phép sản xuất và sửa chữa những loại vũ khí của Mỹ với giá rẻ.

Khó khăn chồng chất 

Tuy nhiên, theo ông Polyvianyi, Giám đốc Hiệp hội Quốc phòng Quốc gia Ukraine, nước này vẫn chưa thể sản xuất được các hệ thống vũ khí công nghệ cao có khả năng đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga. 

“Để làm chủ được công nghệ và sản xuất được hệ thống đó đòi hỏi phải mất hàng thập kỷ”, theo ông Polyvianyi cho biết. 

Bên cạnh đó, giới chức Ukraine liệt kê một loạt những khó khăn mà nước này phải đối mặt như thiếu hụt tài chính, không đủ thuốc súng… khiến ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine không thể gia tăng sản lượng sản xuất. “Ngân sách quốc gia của chúng tôi không đủ”, ông Oleksandr Zavitnevych, Chủ tịch Ủy ban An ninh, Quốc phòng và Tình báo Ukraine nói.

Theo giới chức Ukraine, năng lực tài chính phục vụ việc sản xuất vũ khí trong nước của Ukraine bị giới hạn. Dù được phương Tây hỗ trợ nhiều nhưng hầu hết các nguồn đó đều dành cho các nhu cầu phi quân sự. Dự kiến trong năm 2024, Ukraine sẽ chi khoảng 5 tỷ USD cho hoạt động sản xuất vũ khí. Tuy nhiên, giới chức nước này thừa nhận con số này là không đủ.

Trong bối cảnh đó, giới chức Ukraine đã tính đến tăng thuế. Tuy nhiên, đây là một giải pháp không chỉ mạo hiểm về mặt chính trị mà còn khó khả thi về mặt kinh tế nếu biết rằng kinh tế Ukraine đang trong tình trạng “sống thoi thóp” khi mà phần đông dân số đã di tản ra nước ngoài, số còn lại trong nước thì hoặc đang tham gia chiến đấu hoặc đang phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp. 

Trước tình thế khó khăn đó, giới chức Ukraine đề xuất sử dụng một phần trong tổng số khoảng 300 tỷ USD nằm trong Ngân hàng Trung ương Nga bị phương Tây phong tỏa và đã nhận được sự ủng hộ từ Thủ tướng Đức Olaf Scholz. 

Ukraine xoay xở chạy đua sản xuất vũ khí trong nước- Ảnh 3.

Các công nhân làm việc tại một xưởng sản xuất đạn pháo 82mm của Ukrainian Armor (Ảnh: Washington Post).

Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp có tiền, Ukraine vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt chất nổ đang diễn ra trên toàn cầu. Do nguồn cung bị bóp nghẹt trong khi nhu cầu trên thế giới tăng cao một phần xuất phát từ cuộc chiến ở Ukraine và xung đột ở Dải Gaza đã dẫn đến tình trạng gián đoạn sản xuất liên tục tại Ukraine. “Chúng tôi sẽ bước vào giai đoạn có được bao nhiêu chất nổ, sẽ sản xuất bấy nhiêu đạn pháo”, ông Polyvianyi cho biết.

Một lý do khác khiến hoạt động sản xuất vũ khí trong nước của Ukraine bị ảnh hưởng chính là cách thức mua sắm của chính quyền Kiev. Theo các nhà thầu quốc phòng, nước này thiếu một hệ thống làm việc thông suốt. 

Giám đốc Athlon Avia nêu ví dụ, trước chiến tranh công ty này sản xuất được 100 máy bay không người lái mỗi năm. Tuy nhiên, con số này giờ đã là 150 máy bay không người lái một tháng. Dù vậy, mỗi hợp đồng như thế đòi hỏi công ty phải mất nhiều tháng trời để lên kế hoạch mua sắm nguyên vật liệu. 

Nhà thầu này đã trao đổi với giới chức Ukraine để tìm hướng giải quyết, cho biết ông không thể ngay lập tức gia tăng sản lượng sản xuất và chỉ có thể đạt tới mục tiêu đó vào năm sau vì cần thời gian chuẩn bị. Nhưng đáp lại, giới chức Ukraine cho biết Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu đang rà soát lại quy trình.

Một khó khăn khác mà Ukraine phải đối mặt đó là việc Nga tăng cường nhắm mục tiêu tấn công đến những nhà máy quốc phòng của Ukraine. Giới chức Ukraine cho biết họ đã đánh chặn rất nhiều tên lửa của Nga nhưng một số quả tên lửa vẫn đánh trúng mục tiêu. 

Để bảo vệ quá trình sản xuất, nhiều công ty của Ukraine đã phải chuyển một phần dây chuyền sản xuất ra nước ngoài hoặc tìm cách chia nhỏ các bộ phận sản xuất ra nhiều nơi khác nhau hoặc đưa xuống dưới hầm ngầm. Tuy nhiên, điều này gây tổn hại không nhỏ đến sản lượng vũ khí được sản xuất.

Ông Viunnyk cho biết, ông chia nhỏ dây chuyền sản xuất của Athlon Avia ở Kiev và chuyển một phần dây chuyền này đến Lviv ở miền Tây Ukraine. Tuy nhiên, sau một vụ đánh bom ở Lviv, ông cũng buộc phải chia nhỏ dây chuyền sản xuất ở đây. “Điều này khiến hiệu quả sản xuất của chúng tôi bị giảm sút. Dù vậy, chúng tôi vẫn buộc phải làm vậy bởi nếu không làm thế chúng tôi sẽ phải đối mặt với rắc rối lớn”.

Tình trạng thiếu hụt vũ khí, đạn dược và cả binh sĩ trong vài tuần qua đã khiến quân đội Ukraine chịu tổn thất nghiêm trọng trên chiến trường miền Đông nước này. Theo tình báo Mỹ, tình hình có thể trở nên tệ hại hơn rất nhiều khi Ukraine cạn kiệt hệ thống phòng thủ tên lửa vào cuối tháng này.

Trong bối cảnh đó, gói cứu trợ trị giá 60 tỷ USD mà Chính phủ Mỹ đang hối thúc Quốc hội Mỹ thông qua được kỳ vọng sẽ mang lại những hy vọng dù rất mong manh cho Ukraine để thay đổi tình thế.

Tuần trước, EU đã thông qua gói viện trợ quân sự trị giá 5 tỷ USD và chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ chuyển cho Ukraine 500 triệu USD tiền viện trợ nằm trong “khoản tiết kiệm bất thường” từ các hợp đồng mà Lầu Năm Góc ký kết. Chính phủ Séc cũng sẽ chuyển khoảng 800.000 viên đạn pháo cho Ukraine trong vài tuần tới.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.