Hồ sơ tài liệu

Vùng đệm mà ông Putin định thiết lập ở Ukraine sẽ như thế nào?

19/03/2024, 15:23

Tại cuộc họp báo về kết quả cuộc bầu cử năm 2024, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga có thể buộc phải tạo ra một vùng đệm tại các vùng lãnh thổ hiện do Ukraine kiểm soát.

Vùng đệm là gì?

Trao đổi với báo giới, Tổng thống Vladimir Putin đã chia sẻ về một vùng đệm tiềm năng có thể tạo ra để ngăn chặn Ukraine pháo kích vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cung cấp.

Sau đó cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã làm rõ về biện pháp do tổng thống Nga đề xuất.

Ông khẳng định biện pháp này là cần thiết để ngăn chặn các cuộc tấn công liên tục bằng pháo và máy bay không người lái của Kiev nhằm vào các khu dân cư và cơ sở dân sự của Nga.

Vùng đệm mà ông Putin định thiết lập ở Ukraine sẽ như thế nào?- Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trước báo giới sau cuộc bầu cử (Ảnh: Xinhua).

"Khu vực đó chỉ có thể được bảo đảm bằng cách tạo ra một hành lang, một vùng đệm nhất định để bất kỳ phương tiện nào mà kẻ thù có thể sử dụng để tấn công đều nằm ngoài tầm với", ông Peskov nói với các phóng viên.

Để làm rõ thêm, hãng tin Sputniks đã phỏng vấn nhà phân tích chính trị người Nga, Sergei Poletaev. Chuyên gia Nga cho biết: "Cần phải phân biệt các loại vùng đệm. Loại đầu tiên được thiết lập từ thỏa thuận ngừng bắn. Loại thứ hai được thiết lập do hành động mạnh mẽ của một trong số các bên".

Ông Poletaev nói: "Ở trường hợp của chúng tôi, lựa chọn thứ hai phù hợp hơn. Đó là khi một trong các bên tổ chức một hoạt động quân sự để đảm bảo một khu vực an ninh nhất định bên ngoài biên giới của mình, với lý do là mối đe dọa đến từ một quốc gia láng giềng".

Theo ông Poletaev, Nga đã cố gắng đàm phán về một loại vùng đệm với những thành viên khác của Bộ tứ Normandy trong khuôn khổ Thỏa thuận Minsk 2014 và 2015 để đảm bảo an ninh cho dân thường vùng Donbas khi Ukraine liên tục pháo kích vào khu vực.

Nhà phân tích Nga cho biết: "Vùng đệm đó được hình thành cùng với việc rút vũ khí hạng nặng khỏi đường phân giới. Trong phụ lục của Thỏa thuận Minsk, những khu vực này thậm chí còn được vẽ rõ ràng trên bản đồ".

Tuy nhiên, phía Nga cáo buộc Kiev đã không tuân thủ các thỏa thuận. Thậm chí, các đồng minh phương Tây ủng hộ Ukraine còn thừa nhận họ đã sử dụng Thoả thuận Minsk để "câu giờ" cho phép Ukraine củng cố quân đội.

Theo chuyên gia Poletaev, chiều sâu của vùng đệm phụ thuộc vào loại vũ khí mà quân đội Ukraine sẽ sử dụng.

Nếu đó là đại bác hoặc tên lửa pháo binh thì khoảng cách này là khoảng 40 - 50km. Hệ thống pháo phương Tây phổ biến nhất được người Ukraine sử dụng là pháo M777 - có tầm bắn từ 20 - 40 km, tùy loại. Còn tầm bắn của đạn Excalibur dẫn đường phức tạp là hơn 40km. Các hệ thống Grad, bao gồm cả phiên bản nâng cấp, hay Vampir [RM-70] của Séc cũng có tầm bắn lên tới 40km.

"Đó chính là cách để ngăn chặn khả năng đối phương có thể pháo kích ồ ạt vào Belgorod (và các thành phố biên giới khác của Nga)", chuyên gia nhà nhấn mạnh.

Dù thiết lập vùng đệm cũng không ngăn được Ukraine tấn công? 

Tuy nhiên, nhà phân tích Poletaev nhận xét, vùng đệm vẫn không ngăn được Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng máy bay không người lái và tên lửa tầm xa.

Trong khi thực tế, gần đây nhất, Ukraine đã tăng cường các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào các cơ sở của Nga.

Vùng đệm mà ông Putin định thiết lập ở Ukraine sẽ như thế nào?- Ảnh 4.

Quân nhân Ukraine tấn công vào vị trí của Nga bằng lựu pháo M777 (Ảnh: AP).

Hơn nữa, trong đoạn ghi âm rò rỉ cuộc trò chuyện của các sĩ quan cấp cao quân đội Đức mà Nga công bố, đã tiết lộ kế hoạch sử dụng tên lửa Taurus (có tầm bắn lên tới 500km) chống lại các mục tiêu dân sự của Nga. 

Song, ông Poletaev lưu ý xét từ quan điểm của Kiev và những tuyên bố của phương Tây, dường như họ không sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán để chấm dứt các hành động thù địch.

Vì vậy, theo ông, giải pháp duy nhất cho vấn đề nan giải này là "chuyển tiền tuyến" ra khỏi biên giới Nga. Ông Poletaev tin rằng việc Ukraine pháo kích và xâm nhập vào các khu vực biên giới của Nga khiến Moscow không có nhiều sự lựa chọn.

Đây không phải lần đầu tiên Tổng thống Nga Putin đề cập tới việc tạo vùng đệm từ tháng 6/2023 để phản ứng trước các cuộc tấn công, pháo kích của Ukraine vào lãnh thổ Nga.

Trong cuộc gặp với các phóng viên chiến trường đang đưa tin về chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga thời điểm đó, ông Putin đã nhấn mạnh: "Khả năng pháo kích vào lãnh thổ của chúng tôi từ Ukraine vẫn còn nguyên".

Từ đó một vạch ra một số giải pháp. Thứ nhất, tăng cường hiệu quả của cuộc đấu tranh chống pháo. Nhưng điều này không có nghĩa là sẽ không có các cuộc tấn công tên lửa nhằm vào lãnh thổ của chúng tôi.

"Nhưng nếu các vụ tấn công đó tiếp tục thì rõ ràng Nga sẽ phải xem xét về việc tạo ra một vùng đệm trên lãnh thổ Ukraine ở một khoảng cách xa đến mức không thể tiếp cận được lãnh thổ của chúng tôi", ông Putin nói và nhấn mạnh đang đưa ra cân nhắc rất cẩn trọng.

Ông Putin lưu ý rằng Điện Kremlin phải xem tình hình diễn biến như thế nào. Và nay, khi các cuộc tấn công của Ukraine tiếp tục diễn ra, Moscow đang tăng cường xem xét lựa chọn này.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.