Hồ sơ tài liệu

Những yếu tố giúp ông Putin được dự báo chắc thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga

15/03/2024, 09:43

Việc giải quyết tốt các vấn đề như Ukraine, sự cô lập của phương Tây, mối quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia Nam bán cầu… giúp ông Putin chiếm ưu thế áp đảo trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga năm 2024.

Lộ trình rõ ràng cho cuộc chiến Ukraine

Theo AP, các cuộc điều tra gần đây cho thấy gần như Tổng thống Nga Putin không có đối thủ trong cuộc bầu cử lần này. Chiến thắng được dự báo trước đảm bảo cho ông Putin một nhiệm kỳ kéo dài 6 năm tới và ông sẽ trở thành người nắm quyền lâu nhất trong Điện Kremlin kể từ thời nhà lãnh đạo Liên Xô Josef Stalin với thời gian tại vị dự kiến có thể lên đến 24 năm.

Cụ thể, trong cuộc phỏng vấn do AP thực hiện hồi tháng 2 năm ngoái, có tới 86% người Nga ủng hộ những quyết sách của Tổng thống Nga Putin trong khi số người phản đối chỉ chiếm 11%. Đây là mức ủng hộ cao nhất mà ông Putin nhận được kể từ năm 2014, thời điểm Nga chính thức tuyên bố sáp nhập Crimea vào lãnh thổ của mình bất chấp sự phản đối của Mỹ và các nước châu Âu.

Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống Nga Putin đã lên tiếng cam kết sẽ đạt được mục tiêu trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Trước đó, trong bản thông điệp liên bang hồi tháng 2, Tổng thống Nga cũng cáo buộc Mỹ và các đồng minh NATO “muốn tạo ra một nước Nga phụ thuộc, suy yếu và lụi tàn để có thể làm bất kỳ những gì họ muốn”.

Những yếu tố giúp ông Putin được dự báo chắc thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga- Ảnh 1.

Tổng thống Nga Putin được dự báo dễ dàng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này (Ảnh: AFP)

Ông khẳng định, chiến dịch quân sự đặc biệt mà ông phát động tháng 2/2022 là nhằm bảo vệ những người dân nói tiếng Nga tại miền Đông Ukraine và ngăn chặn Ukraine trở thành mối đe dọa lớn về an ninh cho Nga khi nước này bày tỏ mong muốn gia nhập NATO.

Mới đây nhất, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Nga Rossiya 1 hồi đầu tuần, Tổng thống Putin cho biết các lực lượng quân đội Nga đang chiếm thế thượng phong sau khi đánh bại các cuộc phản công của Ukraine vào cuối năm ngoái. Theo ông Putin, Ukraine và phương Tây “sớm hay muộn” cũng phải chấp nhận đàm phán theo các điều kiện mà Moscow đưa ra.

Ông ca ngợi các binh sĩ Nga đang tham chiến tại Ukraine và cam kết sẽ biến họ thành những lực lượng tinh nhuệ mới của Nga.

“Chúng tôi có sẵn sàng đàm phán không? Có chứ, chúng tôi luôn sẵn sàng nhưng chỉ sẵn sàng cho các cuộc đàm phán dựa trên những diễn biến thực tế trên chiến trường chứ không phải dựa trên những mong muốn của ai đó”, ông Putin nhấn mạnh. Khi được hỏi liệu các cuộc đàm phán có dẫn đến “một thỏa thuận công bằng với phương Tây”, Tổng thống Nga đáp lời: “Tôi không tin tưởng ai cả nhưng chúng tôi cần sự đảm bảo”.

Mặt khác, ông Putin cáo buộc các cuộc tấn công của Ukraine gần đây tại Belgorod và Kursk xảy ra trong bối cảnh Kiev đang hứng chịu những thất bại liên tiếp trên chiến trường và mục tiêu của các cuộc tấn công này là nhằm can thiệp và phá hoại kết quả bầu cử ở Nga.

Giữ vững kinh tế

Bên cạnh những thắng lợi trên chiến trường Ukraine, một trong những yếu tố giúp Tổng thống Nga Putin xây chắc quyền lực của mình chính là những kết quả tích cực của nền kinh tế nước này bất chấp những nỗ lực bao vây, cấm vận của phương Tây.

Theo IMF, kinh tế Nga được dự báo tăng trưởng 2,6% trong năm nay, cao hơn nhiều con số 0,9% tại các nước châu Âu. Tỷ lệ lạm phát dù vẫn ở mức cao là 7% nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở Nga lại rất thấp.

Ngành công nghiệp quốc phòng hiện đang trở thành xương sống cho nền kinh tế Nga. Các nhà máy quốc phòng của Nga liên tục sản xuất tên lửa, xe tăng và đạn dược để đưa ra chiến trường. Các hợp đồng quốc phòng đã mang lại thu nhập đáng kể cho hàng nghìn người lao động qua đó thúc đẩy tiêu dùng và tạo động lực cho kinh tế Nga phát triển.

Những yếu tố giúp ông Putin được dự báo chắc thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga- Ảnh 3.

Cuộc chiến tại Ukraine là một trong những vấn đề có tác động lớn đến kết quả bầu cử Tổng thống Nga (Ảnh: Anadolu)

Trong các cuộc vận động tranh cử, Tổng thống Nga Putin luôn cam kết cung cấp nhà ở giá rẻ được Chính phủ hỗ trợ để giúp các thanh niên trẻ, đặc biệt là những gia đình có con nhỏ, an cư lập nghiệp cũng như thúc đẩy sự bùng nổ của ngành xây dựng. Ông Putin cam kết đổ nhiều tiền hơn cho lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, khoa học, thể thao trong khi vẫn tiếp tục nỗ lực xóa đói giảm nghèo.

Những cam kết nói trên đã mang lại cho Tổng thống Nga Putin sự ủng hộ lớn lao của giới trẻ. AP dẫn lời ông Dmitry, một nhân viên bất động sản đến từ nước Cộng hòa Komi, ở phía Bắc nước Nga, đến thăm Moscow cùng vợ trong dịp này, chia sẻ: “Chắc chắn chúng tôi sẽ bỏ phiếu cho ông Putin. Ông ấy đã biến nước Nga trở nên tốt đẹp hơn”.

Khi được hỏi về cuộc chiến tại Ukraine và liệu ông có cho rằng ông Putin phải chịu trách nhiệm khi đẩy nước Nga vào tình thế chiến tranh như hiện nay, ông Dmitry khẳng định: “Không, chúng tôi ủng hộ ông ấy. Chiến thắng này là dành cho chúng tôi và nếu thấy cần thiết tôi cũng sẽ ra trận và chiến đấu”.

Trong khi đó, anh Sergey, một nhân viên văn phòng 25 tuổi cho biết, anh cảm thấy công việc của mình khá ổn định và nhận được phúc lợi y tế rất tốt. Anh lên tiếng bác bỏ những thông tin cho rằng các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga đang khiến nền kinh tế nước này suy yếu. “Với tư cách là một công dân Nga, tôi không hề cảm thấy tác động nào từ các lệnh trừng phạt”, anh Sergey nói.

Chính sách đối ngoại chủ động

Một yếu tố khác khiến ông Putin ghi điểm trong mắt cử tri Nga chính là chính sách ngoại giao chủ động và tích cực của ông.

Giới quan sát phương Tây cho rằng, sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024, ông Putin sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoàn thành các mục tiêu trong chiến dịch quân sự đặc biệt bằng cách tiến hành các cuộc tấn công mới với quy mô lớn hơn trước. Thậm chí, phương Tây còn lên tiếng cáo buộc ông Putin nhiều khả năng sẽ triển khai vũ khí hạt nhân nếu tình thế trên chiến trường tỏ ra bất lợi cho quân đội Nga.

Đáp lại, Tổng thống Nga một mặt khẳng định Nga sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu có sự đe dọa đến sự tồn vong của nhà nước Nga. Mặt khác, ông nhấn mạnh “Nga chưa bao giờ mong muốn điều này xảy ra”. Ông Putin tố ngược chính Mỹ đang phát triển các lực lượng hạt nhân nhưng điều này không đồng nghĩa với việc Mỹ “sẵn sàng kích hoạt cuộc chiến tranh hạt nhân ngay ngày mai”.

“Họ đang đặt ra các mục tiêu tăng cường hiện đại hóa và cải tiến loại vũ khí này. Chúng tôi biết rõ họ đang phát triển mọi thành phần của vũ khí hạt nhân và chúng tôi cũng vậy. Vũ khí sinh ra để được đưa vào sử dụng nhưng chúng tôi có nguyên tắc riêng của mình”, ông Putin nhấn mạnh.

Trong khi đó, việc Nga tiếp tục duy trì được những mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia Nam bán cầu đã giúp củng cố vững chắc khối liên minh chính trị, quân sự quan trọng.

Bầu cử Nga diễn ra như thế nào?

Cuộc bầu cử Tổng thống tại Nga lần này sẽ diễn ra trong 3 ngày từ ngày 15-17/3, đánh dấu lần thứ 5 ông Vladimir Putin tham gia tranh cử. Đây cũng là lần đầu tiên một cuộc bầu cử Tổng thống ở Nga kéo dài như vậy.

Dù ông Putin được đánh giá gần như chắc chắn giành chiến thắng ngay trong vòng 1 của cuộc bầu cử. Luật pháp Nga quy định nếu không ứng viên nào giành được quá nửa số phiếu bầu trong vòng 1, một cuộc bỏ phiếu vòng 2 sẽ được tiến hành khoảng 3 tuần sau đó.

Không giống như một số quốc gia tiến hành bầu cử Tổng thống trong cùng một năm với bầu cử Quốc hội. Các cuộc bầu cử ở Nga tiến hành riêng rẽ và cuộc bầu cử Duma Quốc gia Nga (tức Hạ viện Nga) dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2026.

Các cuộc bầu cử sớm đã được tổ chức từ tháng trước tại các khu vực hẻo lánh trên khắp nước Nga với tổng số cử tri đủ điều kiện bỏ phiếu là 70.000 người, chủ yếu ở khu vực Viễn Đông. Khu vực này chiếm tới 2/3 diện tích của nước Nga nhưng chỉ có 5% dân số sinh sống.

Nga cáo buộc Mỹ can thiệp bầu cử ở quy mô chưa có tiền lệ

Trước đó, theo Reuters, Cơ quan Tình báo Đối ngoại Liên bang Nga (SVR) cảnh báo chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh cho các Tổ chức Phi Chính phủ (NGO) của Mỹ tiến hành các hành động nhằm tác động đến kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống ở Nga “với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về công nghệ thông tin của Mỹ".

Các tổ chức này sẽ tiến hành các cuộc tấn công mạng nhằm vào hệ thống bầu cử điện tử từ xa của Nga khiến cho việc kiểm phiếu đối với phần lớn các cử tri Nga không thể thực hiện được” - theo cảnh báo của SVR.

Bà Ella Pamfilova, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga, tuần trước đã lên tiếng xác nhận đối thủ của Nga đang cố tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống “ở mức chưa từng có tiền lệ”.

Trong khi đó, Đại sứ lưu động của Nga Gennady Askaldovich khẳng định: “Hệ thống bầu cử của chúng ta có thể chống lại các cuộc tấn công mạng từ bên ngoài. Dù vậy, đây cũng là chỉ báo cho thấy áp lực cực lớn mà đối phương muốn gây ra cho nước Nga”.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.