Xã hội

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến đồi A1

27/03/2024, 06:00

Dù đã 94 tuổi, nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công vào đồi A1 ở Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh Nguyễn Quốc An (Quảng Ninh) bỗng như có lửa, giọng trở lên mạnh mẽ khác thường.

Gác bút nghiên lên đường nhập ngũ

Trong căn nhà nhỏ khang trang tại tổ 2, khu 4A, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh), cụ Nguyễn Quốc An (94 tuổi, nguyên cán bộ Đại đội cối 82mm, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308 vẫn nhớ như in những thời khắc gian khổ mà hào hùng khi cùng đồng đội tham gia trận chiến trên đồi A1 (Điện Biên Phủ) thủa nào.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến đồi A1- Ảnh 1.

Cựu chiến binh Nguyễn Quốc An bên những kỷ vật một thời nơi chiến trường.

Cụ An kể, cụ sinh năm 1932 ở vùng quê lúa huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Do là con nhà nông dân nghèo, nên ngay từ nhỏ, cậu bé An đã chứng kiến cảnh gia đình, hàng xóm sống trong cảnh lầm than, cơ cực vì sự bóc lột của địa chủ, thực dân Pháp. Đặc biệt là đận chết đói năm 1945, khắp làng trên, xóm dưới ở quê hương, thi thể người chết đầy đường. 

Được sự tuyên truyền của cán bộ Việt Minh, thông qua người thân, cậu bé An đã nung nấu nguyện vọng sớm trưởng thành để được tham gia bộ đội, cầm súng đánh quân thù xâm lược.

Năm 1949, khi anh thanh niên Nguyễn Quốc An đang học tại quê nhà thì bị máy bay địch bắn phá vào trường học, gây tang tóc khắp nơi. Sau đận ấy, Nguyễn Quốc An tìm đến nhập ngũ vào Sư đoàn 308 (sau này là Đại đoàn 308) và được đưa lên tỉnh Thái Nguyên huấn luyện và biên chế vào đơn vị cối 82mm. 

Kể từ đó, người chiến sỹ Nguyễn Quốc An cùng đơn vị tham gia khắp các chiến trường từ chiến dịch Hòa Bình đến chiến dịch Tây Bắc rồi sang Thượng Lào truy kích địch…

Áp sát đồi A1 giành chiến thắng

Cuối năm 1953, đầu năm 1954, đơn vị của Nguyễn Quốc An được điều lên Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, do chủ trương của cấp trên, đơn vị vừa vào được một thời gian thì lại rút ra tiến quân sang Thượng Lào. Vì vậy, khi chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra được một thời gian thì đơn vị của Nguyễn Quốc An mới được điều động trở lại chiến trường này.

Là đơn vị cối có chức năng phối hợp từ xa, tuy nhiên, khi chiến dịch sắp kết thúc thì đơn vị của Nguyễn Quốc An có nhiệm vụ cùng các đơn vị bộ binh khác áp sát đồi A1. Ban ngày thì đào thông hào, ban đêm thì rút ra rừng để lực lượng bắn tỉa gác chiến hào. Tiếng pháo, tiếng súng râm ran suốt đêm ngày, khiến bộ đội chỉ chợp được mắt mỗi đêm một lúc.

"Điều kiện địa chất ở khu vực này rất rắn, giao thông hào chỉ đào sâu được hơn 1m, rộng 80 - 100cm, lại gặp thời tiết mưa khiến bùn nhão khắp nơi, nên bộ đội ta cơ động rất khó khăn. Trong khi đó, địch lại phòng thủ kiên cố, sử dụng nhiều loại hỏa lực mạnh, vì thế, bộ đội ta thương vong nhiều", cụ An nhớ lại.

Cụ An kể, đơn vị cối của cụ, có buổi xung phong lúc rút ra chỉ còn vài người. Cụ đã chứng kiến biết bao cảnh đồng đội ngã xuống khi tuổi mới 19, đôi mươi. Có những người bị thương nát cả chân, tay vẫn nén đau, ôm súng cùng đồng đội tiến lên phía trước, xung phong giết giặc…

"Hình ảnh ấy đến tận bây giờ vẫn còn hiện ra trước mắt vậy", cụ An rưng rưng.

Tiếp dòng hồi tưởng, cụ chia sẻ, chiều hôm ấy, khi đang cùng mấy chiến sỹ đi hái rau tàu bay để cải thiện bữa ăn cách đồi A1 chừng vài trăm mét thì bỗng nghe tiếng hò vang khắp chốn. Một chiến sỹ trẻ ôm chầm lấy Nguyễn Quốc An hô lớn: "Thủ trưởng ơi, địch hàng rồi!". Ngước mắt nhìn lên đồi A1, Nguyễn Quốc An nhìn thấy quân địch lũ lượt ra đầu hàng…

"Bao năm chinh chiến ở nhiều chiến trường, nhưng bao giờ tôi có cảm xúc vui sướng như buổi chiều hôm ấy khi thấy lũ giặc ra hàng. Vậy là đại thắng đã về ta. Nước mắt tôi chợt ứa ra thương cho các đồng đội vừa ngã xuống chiều hôm qua mà không kịp nhìn thấy cảnh giành chiến thắng", cụ An bùi ngùi.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến đồi A1- Ảnh 2.

Cựu chiến binh Nguyễn Quốc An bên những phần thưởng của bản thân do có thành tích tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước.

Sau khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ Nguyễn Quốc An được điều động về tỉnh Bắc Giang làm nhiệm vụ. Đến năm 1959, cụ An chuyển ngành sang làm xây dựng với quân hàm thiếu úy. 

Đến năm 1979, cụ An nghỉ hưu và về phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả sinh sống cùng vợ con. Noi gương cha, 6 người con của cụ An đều trưởng thành trở thành giáo viên, kỹ sư giỏi…

"Cách đây gần chục năm, chúng tôi có dịp trở lại chiến trường xưa được thăm lại đồi A1, những địa điểm đóng quân trước đây và thấy được sự thay đổi của vùng đất này thật mạnh mẽ. Giao thông phát triển, đời sống các đồng bào dân tộc ở Điện Biên ngày càng đổi mới. Giờ chúng tôi tuổi đã cao, khó có thể thực hiện được chuyến đi nữa. Nhưng xem báo chí, ti vi, thấy được Điện Biên giờ đã đổi thay mạnh mẽ, chúng tôi cũng vui lắm", cụ An tâm sự.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả cho biết, cụ An là cựu chiến binh cao tuổi, một tấm gương mẫu mực trong cuộc sống để thế hệ con cháu noi theo. Gia đình cụ, các con cháu đều trưởng thành, nhiều người là đảng viên.

Đặc biệt, mỗi khi có dịp, cụ thường kể lại kỷ niệm về những trận đánh mà bản thân tham gia. Qua đó đã góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về niềm tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm phấn đấu, vươn lên trong cuộc sống.



Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.