Khám phá

Vì sao máy bay chở khách siêu thanh của Liên Xô ngừng bay?

21/07/2023, 15:57

Tu-144 của Liên Xô là máy bay chở khách đầu tiên trên thế giới phá vỡ rào cản âm thanh.

Theo trang Russia Beyond, việc chế tạo máy bay dân dụng siêu thanh trên thế giới được khởi động ngay sau khi Thế chiến II kết thúc. Và vào những năm 1960, ý tưởng này đã được đưa vào thực tế.

img

Máy bay chở khách siêu thanh Tu-144 của Liên Xô. Ảnh: Sputnik

Cuộc đua chế tạo máy bay siêu thanh

Năm 1962, Anh và Pháp đồng ý cùng nhau phát triển một loại máy bay chở khách siêu thanh có tên là Concorde. Đồng thời, Liên Xô cũng bắt đầu thực hiện dự án của riêng mình: Tu-144.

Mỗi quốc gia đều tìm cách đưa máy bay của họ lên bầu trời trước đối thủ cạnh tranh. Cuối cùng, Liên Xô đã làm được việc này trước tiên.

Vào ngày 31/12/1968, chiếc máy bay siêu thanh do Phòng thiết kế Tupolev của Liên Xô phát triển đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên kéo dài 37 phút. Trong khi đó, Concorde mãi đến ngày 2/3/1969 mới cất cánh lần đầu.

img

Mọi người ăn mừng sau chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của Tu-144. Ảnh: Sputnik

Máy bay siêu thanh Tu-144 của Liên Xô nhanh hơn một chút so với đối thủ Concorde của phương Tây (2.500 km/h so với 2.150 km/h) và có thể bay trên độ cao cao hơn (19.000 mét so với 18.300 mét).

Nhà thiết kế máy bay Alexei Tupolev tuyên bố: "Chúng giống nhau ở nhiều điểm. Không có gì đáng ngạc nhiên ở đây, cả hai máy bay đều cùng hạng: số lượng hành khách, tốc độ, độ cao bay, trọng lượng gần như giống hệt nhau. Các thông số chính tương tự khiến chúng giống nhau cả về ngoại hình".

Theo trang Russia Beyond, sự khác biệt đáng kể trong thiết kế liên quan đến thực tế là Concorde được thiết kế cho các chuyến bay xuyên lục địa từ châu Âu đến Mỹ và ngược lại, trong khi các chuyến bay của Tu-144 thực hiện trong lãnh thổ Liên Xô.

Do đó, máy bay Pháp-Anh có thể bay qua đại dương hoang vắng với tốc độ siêu thanh ở độ cao thấp hơn so với máy bay của Liên Xô. Tu-144 phải bay cao hơn để tường và cửa sổ của những ngôi nhà dưới mặt đất không bị rung và tai của mọi người không bị ù. Do đó, sự khác biệt đến từ trọng lượng, mức tiêu thụ nhiên liệu và một số chỉ số khác.

img

Nhà thiết kế máy bay chính Aleksei Tupolev giới thiệu mẫu máy bay chở khách siêu thanh Tu-144 mới cho các nhà báo. Ảnh: TASS

Theo trang Russia Beyond, đầu những năm 1970, việc bắt đầu sản xuất hàng loạt máy bay Tu-144 đã bị lu mờ bởi một thảm họa. Vào ngày 3/6/1973, tại Triển lãm hàng không quốc tế Le Bourget (Pháp), chiếc máy bay chở khách siêu thanh được sản xuất hàng loạt đầu tiên của Liên Xô đã tan thành từng mảnh trên không và rơi xuống một khu dân cư.

Kết quả, 6 thành viên phi hành đoàn và 8 dân làng đã chết. Cuộc điều tra không tiết lộ bất kỳ trục trặc nào trong hệ thống của Tu-144 và chưa bao giờ xác định được nguyên nhân của vụ tai nạn máy bay.

img

Mảnh vỡ của chiếc Tu-144 bị rơi tại Triển lãm hàng không quốc tế Le Bourget. Ảnh: Getty Images

Tuy nhiên, việc sản xuất Tu-144 vẫn tiếp tục. Tổng cộng đã có 16 chiếc máy bay đã được chế tạo. Hai trong số đó được đưa vào phục vụ đường bay Moscow-Alma-Ata, ra mắt vào năm 1977.

Chuyến bay diễn ra ở độ cao lên tới 17.000 km với tốc độ 2.000 km/h. Khoảng cách 3.260 km đã được máy bay siêu thanh thực hiện chỉ trong 2 tiếng thay vì 5 tiếng bằng máy bay thông thường.

img

Quang cảnh bên trong máy bay Tu-144 đang thực hiện chuyến bay Moscow-Alma-Ata. Ảnh: TASS

"Chiếc máy bay siêu thanh bắt đầu tăng độ cao với một góc nghiêng cực lớn đến mức có cảm giác như thể bạn đang ngồi trong một con tàu vũ trụ đang phóng lên: chân chổng lên ngược lên trên, tiếng động cơ gầm rú như quá tải. Theo cảm nhận của tôi, tình trạng này kéo dài hai đến ba phút sau khi cất cánh…", một hành khách nhớ lại.

"Dần dần, áp lực ở phía sau ghế bắt đầu giảm. Góc nghiêng cũng giảm đi khi máy bay đạt được độ cao cần thiết… Rất nhanh, khi chúng tôi còn chưa lên tới vùng trời quang đãng, đã có loa thông báo: 'Kính thưa các quý khách, độ cao của chúng ta là 11.000 mét, tốc độ là 1.200 km/h…'. Thật tuyệt vời, chúng ta đang đi máy bay siêu thanh", hành khách này nói thêm.

Chở khách bằng máy bay siêu thanh không kinh tế

Theo trang Russia Beyond, máy bay Tu-144 đã thực hiện 55 chuyến bay và chở 3.284 hành khách trên đường bay Moscow-Alma-Ata trong năm 1978 - khi Liên Xô quyết định ngừng sử dụng thương mại máy bay siêu thanh. Nguyên nhân chính thức là do máy bay đã phải hạ cánh khẩn cấp trong quá trình thử nghiệm động cơ mới vào tháng 5 năm đó. Hậu quả của vụ tai nạn là 2 thành viên phi hành đoàn đã thiệt mạng.

Tuy nhiên, lý do thực sự là sự thiếu kinh tế của hoạt động hàng không chở khách bằng máy bay siêu thanh. Vé cho một chuyến bay Tu-144 đắt gần gấp đôi so với vé máy bay thông thường, vì vậy Tu-144 thường xuyên bay trong tình trạng trống một nửa số ghế. Chi phí nhiên liệu, bảo trì máy bay và xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp trên mặt đất cũng khá cao. Đồng thời, việc mở các đường bay thương mại đến châu Âu đã không được xem xét.

img

Công việc lắp ráp máy bay chở khách siêu thanh Tu-144. Ảnh: Sputnik

Theo trang Russia Beyond, sau khi ngừng sản xuất, những chiếc máy bay chở khách Tu-144 đang có đã được sử dụng để vận chuyển hàng hóa, huấn luyện và bay thử nghiệm. Năm 1993, Tu-144 bắt đầu được sử dụng trong các chương trình nghiên cứu chung giữa Nga và Mỹ.

Số phận của đối thủ phương Tây Concorde của Tu-144 có vẻ may mắn hơn. Đã có khá nhiều doanh nhân ở châu Âu và Mỹ sẵn sàng chi một số tiền lớn để bay xuyên đại dương chỉ trong 3 tiếng rưỡi. Concorde chỉ ngừng hoạt động vào năm 2003, vì không thể khôi phục hoàn toàn niềm tin sau vụ tai nạn bi thảm của hãng hàng không Air France vào năm 2001. Giá nhiên liệu sau đó bắt đầu tăng cao, góp phần tạm thời chấm dứt hoạt động vận chuyển hành khách bằng máy bay siêu thanh trên phạm vi toàn cầu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.