Kinh tế

Vì sao Việt Nam bị đánh tụt hạng năng lực cạnh tranh?

05/11/2018, 06:30

Theo thước đo của Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF) và WB, Việt Nam đều tụt hạng năng lực cạnh tranh.

14

Xếp hạng của Việt Nam về các chỉ số môi trường kinh doanh - Nguồn: WB

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) đánh giá năm 2018 cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) mạnh mẽ nhất, phạm vi rộng nhất. Tuy nhiên, theo thước đo của Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF) và WB, Việt Nam đều tụt hạng.

Chỉ số thuế bị tụt 45 bậc, ngành Thuế lên tiếng

Trái với những lĩnh vực thăng hạng, chỉ số nộp thuế năm 2018 của Việt Nam đứng thứ 131, tụt đến 45 bậc. Đáng chú ý là thời gian nộp thuế năm 2018 vẫn bị đánh giá như năm 2017 với thời gian tiêu tốn cho việc nộp thuế lên tới 498 giờ/năm (trong đó thuế 351 giờ, BHXH 147 giờ).

Ông Nguyễn Đại Trí, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế giải thích, mặc dù thời gian nộp thuế 351 giờ nhưng trong đó có tới 334 giờ dành cho việc tính toán số liệu và chuẩn bị tờ khai. Còn thời gian thực tế cho việc nộp tờ khai và nộp thuế chỉ còn 17 giờ. “So sánh với các nước trong khu vực, thời gian thực hiện các thủ tục nộp tờ khai và nộp thuế của Việt Nam rất thấp, chỉ còn 1,42 giờ/tháng do ngành Thuế đã triển khai các dịch vụ khai thuế, nộp thuế bằng phương thức điện tử cho tất cả các DN”, ông Trí nói.

Sau khi tụt 3 bậc trong Chỉ số cạnh tranh quốc gia của WEF cách đây hơn 2 tuần, Việt Nam tiếp tục tụt 1 bậc trong báo cáo Doing Business 2019, từ 68 xuống 69/109 nền kinh tế trong bảng xếp hạng Chỉ số thuận lợi của môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB). Tuy thứ hạng giảm nhưng điểm tổng của Việt Nam tăng từ 66,77 lên 68,36 với 3 cải cách được ghi nhận (so với 5 cải cách của Việt Nam năm 2017). Trong khi chỉ số Tiếp cận điện tăng lên thứ hạng 27 thế giới, gia nhập thị trường tăng khá từ 123 lên 104, khởi sự kinh doanh tăng 19 bậc... thì chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội lại giảm mạnh về thứ 131.

Ngoài ra, đại diện Tổng cục Thuế cho rằng, một số cải cách tạo thuận lợi cho DN đã được áp dụng vài năm nay nhưng vẫn chưa được ghi nhận trong Doing Business 2019 (Báo cáo môi trường kinh doanh) như bỏ Bảng kê hóa đơn mua vào, bán ra kèm theo tờ khai thuế giá trị gia tăng (GTGT). Trong khi chi tiết thời gian về thuế giá trị gia tăng vẫn tính việc lập bảng kê bằng Excel mất 90 giờ. Hay một số quy định đơn giản hóa thủ tục về tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cũng chưa được ghi nhận như thu hẹp dần khoảng cách về thời điểm xác định doanh thu tính thuế giữa thuế và kế toán… Do đó, thời gian tuân thủ nghĩa vụ thuế TNDN vẫn cao 132 giờ/tổng số 351 giờ (trong đó thời gian để chuẩn bị bộ dữ liệu kê khai là 122 giờ/tổng số 334 giờ).

Đại diện Tổng cục Thuế cũng cho rằng, việc chuẩn bị và tính toán dữ liệu để kê khai thuế cũng một phần do trách nhiệm của DN. Nếu DN áp dụng công nghệ thông tin thay vì ghi sổ sách rồi tới thời điểm kê khai mới ngồi cộng thủ công thì rõ ràng mất thời gian.

Một yếu tố báo cáo Doing Business 2019 ghi nhận là số lần nộp thuế của Việt Nam 10 lần (trong đó, các loại thuế 9 lần, bảo hiểm xã hội 1 lần), giảm 4 lần so với năm 2018. Theo đại diện Tổng cục Thuế, nếu nhìn vào số lần nộp các loại thuế vẫn thấy có đến 5 lần của thuế TNDN. Nhưng trên thực tế từ khi sửa đổi Luật số 71 năm 2015, số lần khai thuế TNDN chỉ còn 1 lần trong năm (khai quyết toán năm). Hay WB vẫn ghi nhận 1 lần DN phải nộp thuế/phí xăng dầu nhưng thực tế là khoản này do DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu nộp một lần khi nhập khẩu, còn với các DN khác thì thuế bảo vệ môi trường đã tính vào giá khi mua nhiên liệu. “Như vậy, nếu được ghi nhận đầy đủ theo thực tế thì số lần nộp thuế có thể giảm được 5 lần nữa”, ông Nguyễn Đại Trí khẳng định.

Cải cách cần mạnh mẽ và thực chất hơn

Đánh giá về việc tụt hạng này, trong đó có liên quan tới ngành Thuế, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng: Điều này đòi hỏi các cải cách trong nước cần mạnh mẽ và thực chất hơn.

Ông Nguyễn Đình Cung nhận xét: “Tưởng như đang cải cách rất mạnh cho đến khi Doing Business công bố mới thấy thế giới và những nước quanh ta họ cải cách nhanh hơn, mạnh hơn”. Do đó, ông Cung cho rằng, cần phải có sự so sánh với các nước để biết ta đang ở đâu để tiếp tục cố gắng hơn nữa.

Phó viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu nêu rõ hơn, thách thức lớn nhất hiện nay là nỗ lực của từng bộ, ngành quyết tâm để đạt được mục tiêu. “Các nước xung quanh cũng quyết tâm mà chúng ta chỉ quyết tâm như những năm trước thì không bao giờ đạt được mục tiêu. Quyết tâm của chúng ta phải gấp 3, 4 thậm chí 5 lần so với trước”, ông Hiếu nói.

Trong khi đó, nhìn lại nỗ lực năm qua, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, đầu năm 2018, Chính phủ yêu cầu phải “cắt bỏ” 50% điều kiện kinh doanh, giấy phép con. Tuy nhiên, sau đó, do khó thực hiện lại phải chuyển sang “cắt giảm” và “đơn giản hóa” 50% các điều kiện, giấy phép con. Điều đó có nghĩa là “cắt bỏ” hẳn sẽ mất, nhưng mới chỉ “giảm thiểu, đơn giản hóa” thì vẫn còn đó và vẫn là rào cản. “Nếu các bộ, ngành, địa phương, mà ở đó cán bộ vẫn không thay đổi thì không đạt hiệu quả. Việc này trở thành thực tế cải cách từ Trung ương nhưng không xuống được tới địa phương”, ông Cung nói. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.