Y tế

Vụ đầu độc khí CO khiến 4 mẹ con tử vong: Tại sao người chồng thoát chết?

26/08/2023, 06:30

Loại khí người chồng dùng để đầu độc khiến 4 mẹ con ở Khánh Hòa tử vong nguy hiểm như thế nào, vì sao người chồng lại thoát chết?

"Gieo" cái chết vào trong giấc ngủ

Ngày 25/8, Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết, kết quả điều tra ban đầu xác định Hồ Xuân Hải (SN 1971, trú tại thôn Vĩnh Đông, xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đã sử dụng khí CO đầu độc vợ và các con khi đang ngủ.

Theo Bác sĩ Chuyên khoa I Lê Đăng Khoa, Khoa hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hoà, khí CO có tên gọi là cacbon monoxit hay mọi người vẫn gọi là khí ôxit cacbon. Khí CO không màu, không mùi, không vị, bắt cháy và có độc tính cao.

img

Chân dung bị can Hồ Xuân Hải.

Theo Bác sĩ Khoa, khí CO nguy hiểm bởi con người không thể cảm nhận được sự có mặt của nó từ khói xe, khói thuốc lá, bếp than, lò sưởi… Trong khi ở nồng độ rất nhỏ, khí CO đã có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

"Do khí này không màu, không mùi nên khi hít phải mọi người rất khó phát hiện ra. Triệu chứng thường gặp là cảm giác hơi chóng mặt, mệt mỏi, nhức đầu, buồn nôn, nặng hơn nữa là hôn mê, truỵ tim mạch.

Khi ở trong phòng kín mà hít phải một lượng lớn khí CO vào cơ thể, nồng độ oxy máu của bệnh nhân sẽ giảm, nếu tình trạng đó kéo dài, nguy cơ tử vong rất cao", bác sĩ Khoa nhận định.

Cũng theo bác sĩ Khoa, khi con người hít phải chất khí này (do tai nạn hay cố ý), CO sẽ khuếch tán nhanh qua phế nang, qua màng mao mạch phổi vào máu và liên kết với hemoglobin (Hb) trong hồng cầu.

img

Ngôi nhà tang thương của Hồ Xuân Hải.

"Hb là thành phần có chức năng vận chuyển khí trong máu đưa tới phổi, thực hiện trao đổi khí, nhận oxy (O2) và thải cacbonic (CO2) ra ngoài.

Do loại khí này có ái lực (lực thúc đẩy các chất hoặc vật chất phản ứng với nhau hoặc tương tác với nhau-PV) rất cao với Hb nên phản ứng sẽ tạo ra carboxyhemoglobin (HbCO) và Hb sẽ không còn khả năng vận chuyển oxy nữa.

Điều trị loại này thì dùng O2 cao áp, tức dùng O2 để đẩy CO ra khỏi Hb. Vì vậy, với mỗi người chúng ta, tốt nhất là phòng ngừa không để bị nhiễm khí CO”, bác sỹ Khoa giải thích.

Liên quan đến loại khí gây chết người này, TS. Bác sĩ Nguyễn Lương Kỷ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hoà cho biết thêm: CO là sản phẩm sinh ra trong quá trình cháy nhưng hiện nay đã được lưu giữ công nghiệp trong các bình chứa nhằm bảo quản thực phẩm, để giữ cho các sản phẩm tươi lâu như: thịt bò, thịt lợn, cá...

"Vì là loại khí cực độc nếu không bảo quản hợp lý, khi hít vào, nhất là trong các buồng kín, nạn nhân có thể tử vong nhẹ nhàng như đi vào giấc ngủ.

Do đó, cơ quan chức năng cần có quy định chặt chẽ trong kinh doanh, tránh việc mua bán đơn giản, tràn lan. Bởi sử dụng nó cũng nguy hiểm không kém thuốc trừ sâu hoá học”, ông Kỷ nói.

Về việc cùng nằm phòng hít khí CO nhưng ông Hải không mất mạng như vợ và 3 con, bác sĩ Khoa nhận định, thông tin ban đầu cho thấy, ông Hải hít CO vào trong người cũng đang thoi thóp nhưng do phát hiện sớm và được đưa đi cấp cứu nên sống sót.

Ngoài ra, có thể do sức chịu đựng của người chồng khoẻ hơn. Vợ và con của ông Hải là phụ nữ nên sức chịu đựng kém hơn vì vậy cả 4 mẹ con đều bị tử vong.

Phòng ngừa tác hại của CO

Trước tác hại của loại khi độc này, bác sĩ Nguyễn Lương Kỷ còn khuyến cáo, mọi người không khởi động ô tô, xe máy trong nhà ngay cả khi mở cửa; không đặt máy phát điện trong nhà, hay ở gầm sàn nhà; không được đốt than, củi trong nhà, trong lều, trong xe đóng kín cửa; không dùng khí đốt, lò nướng hoặc máy sấy để sưởi ấm.

Theo ông Kỷ, tuyệt đối không sử dụng thiết bị đốt khí gas mà không có thông hơi trong phòng kín hoặc trong phòng ngủ. Trong trường hợp ngạt khí do hỏa hoạn, nạn nhân cần tìm khăn ướt ấp ngay vào mũi để bảo vệ đường hô hấp trong khi tự tìm cách thoát ra hoặc chờ người đến cứu.

Sử dụng bình CO công nghiệp để bảo quản thực phẩm phải đúng mục đích và an toàn.

Khi có các triệu chứng bất thường nghi ngộ độc khí CO, nên nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được chữa trị kịp thời.

Theo nhiều tài liệu, khí CO sinh ra từ nguồn khí thải của động cơ đốt trong tạo ra sau khi đốt các nhiên liệu gốc cacbon có chứa CO.

img

Các em học sinh trường Tiểu học Cam An Nam đến viếng người bạn xấu số.

CO cũng tồn tại với một lượng nhỏ nhưng tính về nồng độ là đáng kể trong khói thuốc lá.

Trong cuộc sống, CO được tạo ra khi các nguồn nhiên liệu xăng, hơi đốt, dầu hay gỗ không cháy hết trong các thiết bị dùng chúng làm nhiên liệu.

CO là khí công nghiệp có nhiều ứng dụng trong sản xuất hóa chất; làm chất đốt trong công nghiệp; ứng dụng trong ngành luyện kim.

img

Sản phẩm được cho là bình khí CO được rao bán trên mạng xã hội.

Ngộ độc CO gây ra thiếu oxy chủ yếu ở hệ thần kinh trung ương, tim và thai nhi, đặc biệt nguy hiểm đối với người lớn tuổi, người bị thiếu máu hay suy hô hấp.

Triệu chứng ngộ độc CO thường bắt đầu bằng cảm giác bần thần, nhức đầu, buồn nôn, khó thở rồi từ từ đi vào hôn mê. Nếu ngộ độc CO xảy ra khi đang ngủ say hoặc uống rượu say thì người bị ngộ độc sẽ hôn mê từ từ, ngưng thở và tử vong.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.