Bất động sản

Xả lỗ bất động sản nghỉ dưỡng gần nửa tỷ đồng mỗi căn

14/11/2023, 13:55

Thị trường bất động sản thanh khoản yếu, chủ đầu tư chậm hoàn thiện các thủ tục pháp lý khiến nhiều nhà đầu tư buộc phải cắt lỗ song không dễ thoát hàng.

Giảm giá sâu nhưng không có khách

Dự án Nhơn Hội New City (Kỳ Co GateWay) do Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt làm chủ đầu tư, Tập đoàn Danh Khôi là đơn vị phát triển dự án, có diện tích 45,9ha, nằm trong quy hoạch tổng thể khu du lịch sinh thái Nhơn Hội. Dự án được giới thiệu là khu đô thị sinh thái và du lịch giàu tiềm năng với 2.055 căn nhà phố liền kề, 351 nhà phố thương mại và hỗn hợp chung cư cao 45 tầng.

Trước thông tin hấp dẫn trên, nhiều nhà đầu tư đã xuống tiền ôm đất chờ cơ hội sinh lời. Nay thị trường ảm đạm, nhà đầu tư "gãy vốn" kèm lo ngại rủi ro khâu cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nên đã tìm cách thoát hàng.

Anh Nguyễn Tiến Thành, chủ Văn phòng bất động sản Nghĩa Thành (Quy Nhơn), không giấu được niềm vui khi có khách muốn bắt đáy. "Hàng cắt lỗ nhiều lắm anh ơi!", anh Thành nói rồi cung cấp danh sách nhà đầu tư cắt lỗ dài cả chục trang.

Cắt lỗ sâu nhất là căn LK phân khu 9, diện tích 80m2 chưa có sổ đỏ, trước đây niêm yết giá trên hợp đồng 1,581 tỷ đồng (chưa bao gồm xây dựng). Nay, căn này rao bán giá 1,145 tỷ đồng, cắt lỗ hơn 430 triệu. Theo anh Thành, hàng cắt lỗ có và chưa có sổ đỏ đều sẵn. Hàng không có sổ đỏ cắt lỗ sâu hơn hàng đã có giấy tờ khoảng 100-200 triệu đồng.

Nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng xả lỗ gần nửa tỷ/căn - Ảnh 1.

Dự án Nhơn Hội New City (Kỳ Co GateWay), Quy Nhơn, Bình Định.

Anh Đỗ Đặng Tấn, một nhà đầu tư tại dự án, cho biết lý do muốn thoát hàng vì thị trường ảm đạm, nhưng cũng vì bức xúc chủ đầu tư thiếu uy tín. "Tôi đầu tư 6 căn, luôn hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo cam kết. Nhưng ngược lại, chủ đầu tư giao sổ chậm hơn hợp đồng. Đáng lý họ phải chịu lãi phạt nhưng luôn khất lần, khất lượt".

Chị Nguyễn Thị Xuân (Hà Nội) cũng đang chào bán căn hộ nghỉ dưỡng 39,1m2 đầu tư tại dự án Arena Cam Ranh (TP Cam Ranh, Khánh Hòa) do Công ty Trần Thái Cam Ranh làm chủ đầu tư. Chị Xuân cho biết giá chị mua trên hợp đồng 1,2 tỷ đồng, nay chị cắt lỗ với giá 750 triệu đồng (lỗ 450 triệu đồng).

"Arena Cam Ranh sở hữu 29ha view biển, đó là lợi thế rất lớn và được kỳ vọng tỷ suất sinh lời lớn. Nhưng thực tế, hiện nay không có khách, dự án vắng hoe. Đáng ngại nhất là chủ đầu tư có vấn đề về đầu tư, phải điều chỉnh pháp lý, mật độ, chiều cao xây dựng... chưa biết khi nào có sổ. Tôi cảm thấy bất an", chị Xuân nói và sốt ruột vì nửa năm rao bán vẫn chưa thoát được hàng.

Anh Nguyễn Văn Long, Giám đốc Văn phòng môi giới Trường Thịnh ở TP Cam Ranh, cũng cho biết thị trường đang rất ế ẩm. Kho hàng của anh có hơn 100 căn gửi bán cắt lỗ từ 10-30% nhưng nửa năm nay chưa chốt được khách nào do chưa có sổ.

Tình trạng bất động sản cắt lỗ diễn ra ở nhiều trung tâm du lịch khác. Theo khảo sát của Property Guru Việt Nam, tại Phú Quốc (Kiên Giang), biệt thự nghỉ dưỡng cắt lỗ 5-6 tỷ/căn, giảm từ 19-20 tỷ đồng/căn xuống 13-15 tỷ đồng/căn. Condotel cắt lỗ từ 150-300 triệu đồng.

Tương tự, tại Nha Trang (Khánh Hòa), năm 2021, biệt thự chào bán 20-23 tỷ đồng/căn, nay rao bán với giá 16-18 tỷ đồng/căn, giảm 4-5 tỷ/căn. Condotel tại Nha Trang cắt lỗ trung bình từ 100-300 triệu đồng/căn.

Hơn 100 dự án "đắp chiếu"

Tại Quảng Ninh, biệt thự nghỉ dưỡng tại phường Bãi Cháy giá bán có lúc lên tới 29-32 tỷ đồng/căn, nay dao động 22-25 tỷ đồng/căn. Đáng nói, giảm giá sâu nhưng vẫn vắng khách mua.

Không chỉ nhà đầu tư cá nhân khó thoát hàng, ngay cả chủ đầu tư cũng trầy trật khi lượng cầu phân khúc này thấp. Theo thống kê, lượng tiêu thụ của thị trường chỉ 2%.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), cho biết tính đến quý III, cả nước có khoảng 16 dự án ra hàng, tương ứng 970 sản phẩm, nhưng chỉ phát sinh 225 giao dịch, đạt 23%.

Cũng theo ông Đính, Việt Nam hiện có hơn 200 dự án bất động sản du lịch đã được triển khai, tạo ra gần 100.000 căn condotel, 3.000 căn villa biệt thự, 15.000 căn khách sạn mới. Tuy nhiên, có đến hơn 100 dự án khu du lịch quy mô lớn đang nằm "đắp chiếu" chờ tháo gỡ.

Thị trường thanh khoản yếu dẫn đến tăng lượng hàng tồn kho cộng hưởng với tình trạng dự án dừng triển khai do vướng pháp lý khiến phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng trở nên tiêu điều.

Lãnh đạo BHS Group dự báo phân khúc này sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức trong những tháng cuối năm, bởi tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa được cải thiện, giá bán sản phẩm phân khúc này lớn.

Ông Đinh Minh Tuấn, chuyên gia thị trường của Property Guru Việt Nam, nhận xét dù nút thắt pháp lý đang dần được tháo gỡ, nhưng bất động sản nghỉ dưỡng khó hồi phục trong ngắn hạn. "Thời điểm sớm nhất thị trường này có thể hồi phục là từ quý III/2024", ông Tuấn dự báo.

Tổng hợp báo cáo tài chính của 10 doanh nghiệp bất động sản như: Novaland, Becamex IDC, Nam Long, Đất Xanh... đến hết tháng 9 có lượng tồn kho khoảng 12 tỷ USD bao gồm cả bất động sản nghỉ dưỡng.

Kết quả nghiên cứu của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), số ngày tồn kho trung bình doanh nghiệp bất động sản trong quý I/2023 lên đến 5.662 ngày. Cá biệt có doanh nghiệp lên đến 54.334 ngày, tức doanh nghiệp phải mất đến 149 năm mới bán hết được giỏ hàng.

Hàng tồn kho tăng, có doanh nghiệp bất động sản phải bán 149 năm mới hết giỏ hàngHàng tồn kho tăng, có doanh nghiệp bất động sản phải bán 149 năm mới hết giỏ hàng

Khó khăn về thanh khoản, lượng hàng tồn kho bất động sản gia tăng, thời gian tồn kho kéo dài trăm năm.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.