Quản lý

Xe không kinh doanh vận tải có phải gắn thiết bị hành trình?

16/04/2024, 12:33

Việc gắn phù hiệu, thiết bị hành trình chỉ bắt buộc đối với các phương tiện kinh doanh vận tải.

Một bạn đọc gửi đến Báo Giao thông câu hỏi về trường hợp xe của mình không còn hoạt động kinh doanh thì có gắn phù hiệu nữa không, có nên chuyển biển số từ vàng sang trắng lại hay không?

Theo bạn đọc này, anh có một công ty ở TP Thủ Đức, TP.HCM sử dụng xe tải 1,9 tấn để giao hàng cho đối tác (không thu phí). Xe đăng ký biển số lần đầu vào tháng 9/2019 có biển số nền trắng tại TP.HCM.

Năm 2020, công ty đổi sang biển số nền vàng, lắp định vị GPS và gắn phù hiệu xe tải theo quy định. Trên giấy kiểm định xe vẫn để thông tin biển đăng ký nền vàng, nhưng giấy đăng ký xe (cavet) vẫn để thông tin biển số đăng ký nền trắng.

Xe không kinh doanh vận tải có phải gắn thiết bị hành trình?- Ảnh 1.

Việc gắn phù hiệu, thiết bị hành trình chỉ bắt buộc đối với các phương tiện kinh doanh vận tải (Ảnh minh họa).

Đến tháng 3/2024, phù hiệu xe tải của công ty hết hạn (7 ngày) và bị CSGT quận 7, TP.HCM xử phạt gần 20 triệu đồng. Thời điểm bị xử phạt, xe tải này không chở hàng, tài xế đi đúng luật và có giấy tờ đầy đủ.

Khi tìm hiểu thông tin, bạn đọc được biết, quy định gắn phù hiệu không còn áp dụng đối với xe vận chuyển hàng hóa nội bộ công ty (Khoản 5 Điều 36 Nghị định 10/2020/NĐ-CP). Bạn đọc đặt câu hỏi xe của công ty bị CSGT xử phạt là đúng hay sai?

Ngoài ra, cavet xe và giấy kiểm định có thông tin biển số không đồng nhất, liệu có bị CSGT xử phạt? Nếu có thì khung tiền phạt là bao nhiêu, căn cứ quy định nào?

Bạn đọc cũng hỏi thêm, công ty có nên đổi biển số vàng sang nền trắng hay không, và khi đổi sang biển số nền trắng thì có bắt buộc lắp GPS hay không; thủ tục, giấy tờ và cơ quan liên hệ để nộp hồ sơ như thế nào?

Chúng tôi đã chuyển câu hỏi này đến Phòng quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT TP.HCM) và được trả lời như sau:

Theo quy định cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (giấy phép kinh doanh vận tải) và phù hiệu thực hiện với xe ô tô hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa. Nếu đơn vị chỉ sử dụng phương tiện chở hàng hóa phục vụ hoạt động kinh doanh của chính đơn vị và không thu tiền cước phí vận tải, nghĩa là thuộc đối tượng vận tải nội bộ (không kinh doanh vận tải). Do đó, đơn vị không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP và không phải thực hiện cấp giấy phép kinh doanh vận tải; xe ô tô không phải cấp phù hiệu theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP.

Theo quy định doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô phải có đủ các điều kiện:"Bảo đảm số lượng, chất lượng và niên hạn sử dụng của phương tiện phù hợp với hình thức kinh doanh; phương tiện kinh doanh vận tải phải gắn thiết bị giám sát hành trình của xe theo quy định của Chính phủ" (điểm b khoản 1 Điều 67 Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008). Do đó, đơn vị không thuộc đối tượng phải gắn thiết bị giám sát hành trình.

Sở GTVT TP.HCM cho biết, đơn vị cần thực hiện theo quy định tại Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT ngày 12/8/2021 của Bộ GTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Đồng thời, chủ động liên hệ đơn vị đăng kiểm để được hướng dẫn cấp Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (Giấy chứng nhận kiểm định) và Tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới (Tem kiểm định).

Nếu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đạt các tiêu chuẩn quy định tại Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT (được sửa đổi, bổ sung Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT, Thông tư số 08/2023/TT-BGTVT) sẽ được cấp lại Tem kiểm định và Giấy chứng nhận kiểm định (tích chọn dấu 'X' vào ô:"Không kinh doanh vận tải").

Về quy định lái xe ô tô hoạt động vận tải hàng hóa nội bộ có phải mang theo Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) hay không, Sở GTVT TP.HCM cho biết, tại khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các loại giấy tờ sau: "Giấy đăng ký xe; Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 Luật Giao thông đường bộ; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 59 Luật Giao thông đường bộ; Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới".

Do đó, đơn vị phải chấp hành nghiêm quy định về người lái xe và phương tiện khi tham gia giao thông đường bộ tại Luật Giao thông đường bộ ngày 13/11/2008 và các quy định của pháp luật khác có liên quan của cơ quan có thẩm quyền.

Đối với việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Sở GTVT cho biết, đơn vị cần chủ động liên hệ Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ (PC08) thuộc Công an TP.HCM (341 Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, Quận 1) để được hướng dẫn thực hiện theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP).

Việc thay đổi biển số nền màu vàng sang biển số nền màu trắng, đơn vị cần chủ động liên hệ Điểm đăng ký xe Rạch Chiếc (212 quốc lộ 1A, phường Tân Phú, TP.Thủ Đức, TP.HCM) thuộc Phòng CSGT đường bộ (PC08) thuộc Công an TP.HCM để được hướng dẫn thực hiện theo quy định tại Thông tư số 24/2023/TT-BCA ngày 1/7/ 2023 của Bộ Công an quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.