Thị trường

Xuất nhập khẩu Việt Nam: Kỷ lục mới và thách thức phía trước

27/12/2022, 13:37

Tổng kim ngạch XNK dự kiến cán mốc 732 tỷ USD năm 2022, đây là kỷ lục mới của Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2023 vẫn là ẩn số với thách thức mới.

Số liệu vừa công bố từ Bộ Công thương cho thấy, dự kiến năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) của Việt Nam đạt khoảng 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021. Đây là lần đầu kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam vượt mốc 700 tỷ USD.

Trong đó, xuất khẩu dự kiến tăng khoảng 10,5%, đạt khoảng 371,5 tỷ USD, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 8%).

Với kết quả trên, cán cân thương mại năm 2022 tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư gần 11 tỷ USD, gấp gần 3 lần năm trước.

Để có cái nhìn tổng quan về thị trường xuất khẩu năm qua và nhận định diễn biến cho năm tới, PV Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) xung quanh vấn đề này.

img

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương). Ảnh: Kinh doanh và Pháp luật

Ông đánh giá như thế nào về tình hình xuất nhập khẩu năm qua, và nhận định như thế nào về hoạt động này trong nửa đầu năm 2023?

Tại thời điểm này, kết quả xuất nhập khẩu của chúng ta ghi nhận con số rất tích cực với kỷ lục mới. Tuy nhiên, mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI vẫn còn lớn khi kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI kể cả dầu thô chiếm khoảng 74% tổng kim ngạch xuất khẩu. Giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa được như mong muốn.

Tốc độ đa dạng hoá thị trường ở một số sản phẩm (như rau quả) còn chậm nên chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường, tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết. Việc chuyển từ hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch còn chậm...

Dù kết quả năm 2022 khởi sắc, nhưng bối cảnh mới hiện nay có nhiều khó khăn và biến động, những tác động tiêu cực chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Thực tế, hiện nay, theo thông tin sơ bộ đánh giá từ một số ngành hàng, thì tình trạng đơn hàng đầu năm 2023 đang gặp khó khăn, đặc biệt là đối với các ngành hàng liên quan đến lĩnh vực tiêu dùng, như là dệt may, da giày.

Do vậy, vấn đề đơn hàng, cũng như nguồn hàng xuất khẩu tiếp tục khó khăn trong thời gian tới.

Bên cạnh những khó khăn trên, có mặt tích cực nào đó được xem là điểm sáng cho tình hình xuất nhập khẩu của năm 2023 hay không, thưa ông?

Chúng ta có 3 năm chịu tác động của dịch bệnh Covid-19. Điều đó cũng đã giúp chúng ta rút ra được một số bài học cho cả doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trong cách ứng phó với biến động thị trường, trong tình hình chung của thế giới.

Tất nhiên bối cảnh năm 2023 cũng sẽ có những điểm khác. Tại thời điểm này, tình hình Covid-19 đã giảm bớt những tác động đến kinh tế; tuy nhiên, những biến động chính trị, căng thẳng chính trị leo thang, kéo theo sự cạnh tranh giữa các nước lớn... gây nên trạng thái suy thoái và lạm phát, ảnh hưởng đến cả chúng ta.

Như vậy, đây là đặc điểm khó khăn cho năm 2023, có sự khác biệt so với các năm trước đây. Song, hậu quả tác động là giống nhau, đều dẫn đến việc làm cho nguồn cung đứt gãy, chuỗi cung ứng gián đoạn…

Vì thế, với kinh nghiệm, bài học ứng phó đã có trong thời gian qua, cách chúng ta ứng phó sẽ linh hoạt hơn - đây cũng được xem là điểm tích cực.

Bước sang năm 2023, có những yêu cầu gì mới với một số mặt hàng xuất khẩu? Doanh nghiệp cần lưu ý gì trong bối cảnh mới này?

Thời điểm hiện nay, yêu cầu bảo vệ môi trường là yêu cầu cấp thiết. Điều đó cũng phản ánh vào trong vấn đề sản xuất và thương mại hàng hóa.

Ví dụ, tiêu chuẩn về xanh hóa các sản phẩm. Đặc biệt, ngay trong các sản phẩm về tiêu dùng cũng đặt ra yêu cầu xanh hóa rất cao. Điều này sẽ tác động đến toàn bộ chuỗi cung ứng!.

Dù yêu cầu này có thể mới tác động đến một số nhóm doanh nghiệp lớn, nhưng những doanh nghiệp này lại có tác động đến thị trường, buộc những doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, trong đó có các doanh nghiệp gia công, sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam chúng ta cũng chịu tác động. Đây là đặc điểm chúng ta cần lưu ý!.

Yếu tố mới khác liên quan đến thị trường, đó là việc một số thị trường hiện nay như EU dự kiến áp thêm các dòng thuế mới liên quan đến môi trường, gọi là thuế carbon. Được hiểu là, sản phẩm nào tiêu tốn nhiều năng lượng, hoặc không có giải pháp trung hòa phát thải thì chịu thêm sắc thuế.

Lúc đó, tính cạnh tranh của sản phẩm sẽ bị ảnh hưởng. Đây là yếu tố rất mới, các doanh nghiệp cần lưu ý, cần nghiên cứu và có giải pháp xử lý.

Với những tác động mới kể trên, tôi cho rằng, đây là lúc các doanh nghiệp phải nhìn lại, để thúc đẩy tái cơ cấu, bên cạnh việc gia tăng số lượng, chú trọng chất lượng, cũng như chú trọng đáp ứng yêu cầu mới của thị trường phát sinh trong thời gian tới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.