Thị trường

Yêu cầu Bộ Công thương nêu rõ quan điểm xây dựng Luật Năng lượng tái tạo

21/07/2023, 20:31

Đoàn giám sát của Quốc hội yêu cầu Bộ Công thương nêu rõ quan điểm về xây dựng Luật Năng lượng tái tạo; đưa vào điều chỉnh tại Luật Điện lực.

Ngày 21/7, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Bộ Công thương về thực hiện chính sách, pháp luật ngành năng lượng.

Báo cáo Đoàn giám sát, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong giai đoạn 2016-2021, cung cấp điện đáp ứng đủ yêu cầu phá triển kinh tế - xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện.

Song, ông chỉ ra nhiều thách thức trong quá trình đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia hiện nay. Như là, nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; khả năng dự phòng năng lượng trong nước còn hạn chế.

Dẫn đến, việc tự chủ nguồn cung năng lượng trong nước là thách thức lớn.

img

Điện năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời) bắt đầu phát triển với tốc độ cao.

Trước thực tế này, tư lệnh ngành công thương kiến nghị cần điều chỉnh, sửa đổi một số nội dung của Luật Điện lực để phù hợp với bối cảnh phát triển mới.

Đồng thời, cần luật hóa việc phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam để làm tiền đề thúc đẩy phát triển bền vững, thu hút được các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia phát triển điện lực.

Với kiến nghị trên, Đoàn giám sát cho rằng, Bộ Công thương phải nêu rõ quan điểm của Bộ về xây dựng Luật Năng lượng tái tạo, hay đưa vào điều chỉnh tại Luật Điện lực (sửa đổi) đối với ngành năng lượng mới này. Đây là vấn đề gây tranh cãi thời gian qua, khi nguồn điện năng lượng tái tạo ngày càng được ưu tiên.

Đoàn giám sát cũng yêu cầu Bộ Công thương cung cấp danh mục về các dự án trọng điểm năng lượng ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia mà chậm tiến độ, khó khăn, vướng mắc, có sai phạm, dừng hoạt động …

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị Bộ Công thương cập nhật việc thực hiện Quy hoạch điện VIII, một số vấn đề được người dân, doanh nghiệp quan tâm và làm rõ những tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam trong phát triển năng lượng…

Báo cáo gửi về Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 25/7.

Theo Đoàn giám sát, Bộ Công thương cần xây dựng danh mục về các văn bản quy phạm pháp luật có những hạn chế, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, cần sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới.

Trong đó bao gồm: Luật, nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của Bộ trưởng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.