Xã hội

225.500 thạc sỹ, cử nhân thất nghiệp

24/12/2015, 18:54

Tình hình thất nghiệp đối với lao động phổ thông giảm song lại gia tăng với cử nhân, thạc sỹ.

cu-nhan-that-nghiep
Con số cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp sau khi gia trường đang có xu hướng gia tăng 

 Thông tin trên được cập nhật tại Bản tin thị trường lao động quý 3/2015 do Bộ LĐTB&XH và Tổng cục Thống kê đã công bố trong chiều 24/12. 

Theo đó, quý 3/2015, cả nước có 53,17 triệu người có việc làm, tăng 637,56 nghìn người so với quý 2/2015. Tuy nhiên hiện cả nước có hơn 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, giảm gần 16.000 người so với quý 2-2015.Trong tổng số người thất nghiệp, có 57,2% người thất nghiệp không có chuyên môn nghiệp vụ; 5,3% người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp; 3% người có trình độ sơ cấp nghề; 2% người có trình độ trung cấp nghề; 1,3% người có trình độ cao đẳng nghề. Đặc biệt, có đến 117.300 người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp (chiếm 10,4%, tăng 24.100 người so với quý 2) và 225.500 người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp (chiếm 20%, tăng 26.100 người so với quý 2).

Số người thất nghiệp ở thành thị chiếm 46,2% với 521.300 người và thanh niên (15-24 tuổi) thất nghiệp chiếm 59% với 666.500 người.Theo nhận định của cơ quan chức năng, nhóm người có trình độ cao đẳng và đại học trở lên đang có xu hướng tăng. Cụ thể nhóm có trình độ cao đẳng nghề tăng từ 4,76% lên 7,95%; cao đẳng chuyên nghiệp tăng từ 6,79% lên 7,93%; đại học trở lên tăng từ 4,6% lên 4,88%.

Trước đó, trong quý 2-2015, Bản tin thị trường lao động cũng chỉ rõ tỉ lệ thất nghiệp của các nhóm trình độ chuyên môn kỹ thuật khác đều tăng.

Thu nhập lao động nghề nào cao nhất?

Báo cáo cũng chỉ ra, trong quý 3/2015, thu nhập bình quân tháng từ việc làm chính của lao động làm công hưởng lương là 4,61 triệu đồng; của lao động nam là 4,83 triệu đồng; lao động nữ là 4,30 triệu đồng (bằng 89% của lao động nam).Thu nhập bình quân tháng của lao động thành thị là 5,38 triệu đồng; của lao động nông thôn là 4,0 triệu đồng (bằng 74,3% của lao động thành thị). Tuy nhiên, nếu xét về mức tăng, lao động nông thôn có mức tăng cao hơn lao động thành thị (tương ứng là 165 nghìn đồng và 122 nghìn đồng), lao động nữ có mức tăng cao hơn lao động nam (tương ứng 164 nghìn đồng và 136 nghìn đồng).

Xét theo nghề, thu nhập bình quân tháng của nhóm “quản lý” cao nhất (7,77 triệu đồng), tiếp đến là nhóm “CMKT bậc cao” (6,59 triệu đồng), thấp nhất là nhóm “lao động giản đơn” (3,16 triệu đồng, chỉ bằng 40,7% nhóm quản lý).Theo hình thức sở hữu, lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục có thu nhập bình quân tháng cao nhất (6,16 triệu đồng), khu vực hợp tác xã có mức thu nhập thấp nhất (2,98 triệu đồng, chỉ bằng 48,4% doanh nghiệp nhà nước).

So với quý 2/2015, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương tăng bình quân 147 nghìn đồng (4,3%), với mức tăng cao hơn ở các nhóm lao động có mức tiền lương thấp. Cụ thể là: Theo nhóm nghề, lao động có kỹ thuật trong nông nghiệp tăng cao nhất (tăng 186 nghìn đồng), tiếp đến là CMKT bậc trung (tăng 182 nghìn đồng); thấp nhất là nhóm CMKT bậc cao (tăng 79 nghìn đồng). Theo hình thức sở hữu, lao động cá thể có mức tăng cao nhất (tăng 190 nghìn đồng), tiếp đó là lao động trong khu vực tập thể (tăng 145 nghìn đồng); thấp nhất là lao động trong doanh nghiệp nhà nước (tăng 9 nghìn đồng).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.