Đường bộ

4 dự án cao tốc Bắc - Nam cán đích năm 2022 đang thi công thế nào?

10/03/2022, 18:52

Nhà thầu thi công 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đều xây dựng kế hoạch tăng ca, bổ sung thiết bị, đưa dự án về đích theo đúng tiến độ.

"Chạy nước rút" thi công

Những ngày đầu tháng 3/2022, tranh thủ thời tiết thuận lợi, dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 được triển khai rầm rộ với 68 mũi thi công trải dài trên 63km chiều dài tuyến.

img

Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 đang tăng thời gian thi công nhiều mũi hầm, đường, cầu để sớm về đích

Ông Lương Văn Long, Giám đốc điều hành dự án thuộc Ban QLDA Thăng Long cho biết, hiện sản lượng thực hiện dự án đạt hơn 52%, đáp ứng tiến độ theo yêu cầu của Bộ GTVT. Trong đó, gói thầu số 10 và số 13 đang có khối lượng vượt kế hoạch khoảng hơn 3%.

Riêng gói thầu số 14 hiện đang có tiến độ chậm do tỷ lệ xử lý đất yếu cao (11/16km). Khối lượng đất đắp của gói thầu lớn (khoảng 1,6 triệu m3), song, thời điểm đầu năm việc vận chuyển vật liệu đắp khó khăn do trời mưa. Ban điều hành đã yêu cầu nhà thầu tăng ca thi công, hoàn thành công tác đắp gia tải giai đoạn 1 trước ngày 15/3 để sớm triển khai thi công móng mặt.

Trước đó, chỉ đạo tại phiên họp đầu tiên Ban Chỉ đạo của Chính phủ triển khai thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành ngày 9/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu đến năm 2024 phải hoàn thành 654 km cao tốc. Trong đó, năm 2022 phải hoàn thành 361 km với 4 dự án thành phần: Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.

Phó Thủ tướng giao các địa phương chú ý tháo gỡ vướng mắc về vật liệu. Bộ GTVT phải kiểm soát chặt chẽ tiến độ. Nếu các nhà thầu xây dựng chậm tiến độ thì kiên quyết thay thế. Các Ban QLDA không đề xuất giải pháp để bù tiến độ, hoàn thành mục tiêu đề ra phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng GTVT.

"Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, các nhà thầu cũng đang tranh thủ thời tiết thuận lợi, tăng ca thi công ngày/đêm các mũi: nền, hầm, cầu, phấn đấu đưa hơn 41 km không phải xử lý đất yếu cán đích trước 3 tháng (tháng 9/2022).

Khoảng 21,1 km phải chờ xử lý nền đất yếu còn lại, dự kiến cuối tháng 10/2022 sẽ được dỡ tải thi công móng mặt đường và cán đích trong năm 2022", ông Long chia sẻ.

Tại dự án thành phần Cam Lộ - La Sơn, sản lượng thi công đến nay đạt khoảng 77,6%, chậm khoảng 0,54% so với kế hoạch điều chỉnh.

Theo ông Lê Sáu, Phó giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, nguyên nhân chậm do hơn 5 tháng qua, địa bàn tỉnh Quảng trị và Thừa Thiên Huế thời tiết mưa nhiều.

Song, từ hôm qua (9/3), ngay khi thời tiết ổn định trở lại, một số nhà thầu tăng ca đến 22h, một số nhà thầu huy động được lực lượng lái máy đã triển khai thi công xuyên đêm.

“Hiện, dự án có hai gói thầu XL5 và XL6 có tiến độ chậm so mới mức bình quân chung sản lượng của dự án do hai gói thầu này là nền đắp hoàn toàn, lúc mới triển khai nguồn cung đất đắp cho dự án còn hạn chế.

Ban QLDA đã phối hợp với địa phương hoàn thiện thủ tục cấp phép mỏ vật liệu theo Nghị quyết số 60 và 133 của Chính phủ. Khối lượng đất đắp còn thiếu khoảng 370.000 m3 tại hai gói thầu, Ban cũng làm việc với địa phương mở rộng hai mỏ Đồi Vũng Nhựa và Hiền Sỹ.

Dự kiến, ngày 13/3 HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ họp thông qua thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đến ngày 16/3 địa phương sẽ có quyết định cấp phép cho nhà thầu khai thác đất tại hai mỏ”, ông Sáu nói và cho biết, với khối lượng còn lại không nhiều cộng với việc tăng ca của các nhà thầu, dự án sẽ được cán đích đúng theo tiến độ điều chỉnh.

img

Thi công tại dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Ảnh: Vĩnh Phú

Xử nhà thầu chậm để tăng tốc hoàn thành dự án

Trong lúc hai dự án cao tốc đoạn Mai Sơn - QL45 và Cam Lộ - La Sơn đã đi quá nửa chặng đường, dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây vẫn đang đứng trước khối lượng công việc rất lớn.

Ban QLDA Thăng Long cho biết, tính đến nay, sản lượng thực hiện dự án đạt gần 32%. Mặc dù đáp ứng được tiến độ điều chỉnh, nguồn đất đắp cơ bản được giải quyết, song, thách thức của dự án còn lớn khi khối lượng đắp nền đường còn hơn 2 triệu m3.

“Với yêu cầu đặt ra việc thi công nền đường phải được hoàn thành trước mùa mưa (trước tháng 6/2022), Ban QLDA Thăng Long yêu cầu nhà thầu tăng ca thi công đến 11-12h đêm. Số lượng phương tiện, nhân lực tại các gói thầu cũng được tăng gấp rưỡi so với bình thường để đẩy nhanh tiến độ thi công nền.

Riêng gói thầu 1-XL hiện có tiến độ chậm nhất dự án (chậm 6,54%) do hai nhà thầu Cienco8 và Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc chậm triển khai thi công. Trong tháng 3/2022, nếu nhà thầu không có tiến triển, Ban điều hành sẽ kiến nghị xem xét phạt hợp đồng, điều chuyển khối lượng, thậm chí là thay thế nhà thầu”, đại diện Ban điều hành dự án thông tin.

Tại dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết, một lãnh đạo điều hành dự án cho biết, theo tiến độ được duyệt, đến ngày 8/3/2022, sản lượng thi công phải đạt hơn 2.098 tỷ đồng, tuy nhiên đến nay sản lượng các nhà thầu chỉ đạt hơn 1.587 tỷ đồng, chậm 8,42% so với kế hoạch.

“Nguyên nhân chính vẫn là do nhà thầu chưa chủ động được nguồn vật liệu đất, công tác đắp nền đường dù đã có tiến triển nhưng còn chậm ở tất cả các gói thầu, chỉ đạt 74% so với kế hoạch.

Cùng đó, sự vào cuộc, tiếp cận dự án của một số nhà thầu chưa quyết liệt. Một số mũi thi công cầu chậm, chưa đáp ứng yêu cầu như: Cienco8 (Gói XL03), Công ty TNHH Nhạc Sơn, Công ty CP Hải Đăng (Gói XL02), Tổng công ty Thăng Long (Gói XL01)”, lãnh đạo ban điều hành dự án nêu.

Đặt ra mục tiêu đến ngày 31/5/2022 (bắt đầu mùa mưa), toàn bộ khối lượng đắp nền đường phải hoàn thành, sản lượng thi công phải đạt 60% giá trị hợp đồng, hiện Ban điều hành và Ban QLDA 7 đang đốc thúc tiến độ các nhà thầu khắc phục khó khăn, tổ chức thi công 3 ca liên tục, đẩy nhanh tiến độ.

Đối với các nhà thầu chậm tiến độ, nếu trong tháng 3 này không có chuyển biến rõ rệt, Ban QLDA 7 sẽ cắt, chuyển khối lượng để nhà thầu khác thi công, đảm bảo dự án về đích trong năm 2022 theo yêu cầu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.