Thế giới

Time bình chọn top 5 nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới 2019

01/01/2020, 08:22

Theo tạp chí Time của Mỹ, các lãnh đạo từ Pháp, Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ có ảnh hưởng lớn tới tình hình nội chính và cả thế giới trong năm 2019.

Dưới đây là lý do vì sao 5 lãnh đạo này lại có tầm quan trọng trong năm qua đến vậy.

Chủ tịch Trung QuốcTập Cận Bình

img
Ông Tập Cận Bình. Ảnh: Time

Ngày 1/10, một cuộc diễu binh với xe tăng, tên lửa hạt nhân và lực lượng binh lính hùng hậu đã được tổ chức hoành tráng tại Bắc Kinh, đánh dấu 70 năm ngày Quốc khánh Trung Quốc. Trước Tử Cấm Thành, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định: “Không lực lượng nào có thể cản trở người dân và quốc gia Trung Quốc tiến về phía trước”.

Thực tế, Bắc Kinh đã gặp phải không ít trở ngại trong năm 2019, điển hình như hoạt động biểu tình của gần 2 triệu người dân Khu tự trị Hong Kong (đòi cải cách dân chủ) hay chiến tranh thương mại với Mỹ… Tuy nhiên, không có diễn biến nào có thể ảnh hưởng tới sự quyết tâm đưa đất nước trỗi dậy của ông Tập.

Những áp lực từ bên ngoài đã được Bắc Kinh chuyển hóa thành nội lực để phát triển, đẩy mạnh hiện thực hóa tham vọng “Giấc mơ Trung Hoa” của ông Tập, đưa quốc gia đông dân nhất thế giới trở lại trung tâm thế giới.

Dù vậy, theo Time, không thể phủ nhận, phương hướng quan hệ nước ngoài của Trung Quốc đã thay đổi trong năm 2019. Hồi tháng 3, EU đã gọi Trung Quốc là “đối thủ ngầm”.

Tháng 7 sau đó, Giám đốc Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ Christopher Wray cho rằng, mối đe dọa mà Trung Quốc đặt ra đối với xã hội toàn thế giới là “rộng lớn, đa dạng và phiền phức”.

Washington lên án công ty viễn thông Trung Quốc Huawei và thông qua một dự luật ủng hộ người biểu tình Hong Kong. Một dự luật khác vẫn đang trong quá trình cân nhắc dự kiến sẽ trừng phạt các quan chức Trung Quốc vì lạm dụng nhân quyền tại Tân Cương.

Tổng thống Mỹ Donald Trump

img
Ông Donald Trump. Ảnh: Time

Trong năm thứ 3 của nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã đích thân bước tới lãnh thổ Triều Tiên; tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia đối với biên giới của Mỹ giáp Mexico; công nhận Cao nguyên Golan là một phần chủ quyền của Israel.

Là vị Tổng thống Mỹ không xuất thân từ chính trị, nhưng càng đi đến cuối nhiệm kỳ, Trump càng tăng cường đánh bóng những thành tựu của mình ở vị trí người đứng đầu nước Mỹ.

Ông đã sử dụng quyền lực Nhà Trắng để thu hồi rất nhiều quy định, cắt giảm thuế doanh nghiệp và tăng chi tiêu quân sự. Vị tỷ phú cũng ghi công trong cải thiện nền kinh tế, đẩy lùi nạn thất nghiệp xuống mức thấp kỷ lục. Donald Trump tiếp tục những nỗ lực có kỷ luật nhằm định hình lại các tòa án liên bang của Mỹ, dùng quyền lực tại Thượng viện của Đảng Cộng hòa để bổ nhiệm các thẩm phán (có thiên hướng bảo thủ) - những người dự kiến sẽ định hình luật pháp Mỹ trong ít nhất một thế hệ nữa.

Bên cạnh những thành tựu ấn tượng, ông Trump cũng phải đối mặt với không ít vấn đề trong nội bộ chính trường Mỹ đặc biệt là việc ông bị Hạ viện Mỹ luận tội vì lạm quyền nhằm gây áp lực buộc chính quyền Ukraine điều tra đối thủ chính trị Joe Biden, đối thủ tiềm năng tranh cử tổng thống Mỹ 2020 bên Đảng Dân chủ. Ngoài ra là cáo buộc cản trở Quốc hội làm việc, trong đó Tổng thống Mỹ bị cho đã chỉ đạo quan chức và cơ quan chính phủ không tuân theo yêu cầu cung cấp lời khai, cũng như các tài liệu liên quan đến tiến trình luận tội.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi

img
Bà Nancy Pelosi. Ảnh: Time

Không khí tại Washington đã thay đổi từ ngày 3/1 khi bà Nancy Pelosi chiến thắng và trở thành Chủ tịch Hạ viện lần thứ 2. Trước đó, trong 2 năm đầu tiên tại nhiệm, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hưởng lợi từ Quốc hội do Đảng Cộng hòa chiếm đa số ghế.

Tuy nhiên, kể từ khi bà Pelosi nhậm chức trong bối cảnh Chính phủ Mỹ trải qua thời kỳ đóng cửa lâu nhất trong lịch sử, bà Pelosi từ chối nhượng bộ theo yêu cầu xây dựng tường ngăn cách biên giới của ông Trump.

Suốt nhiều tháng liền, nữ Chủ tịch Hạ viện mạnh mẽ giữ lập trường đối lập với Tổng thống Trump, sử dụng quyền lực của mình trong nhánh lập pháp Mỹ để kiềm chế ông chủ Nhà Trắng không vội vàng trong các quyết sách.

Bên cạnh đó, dù ở vị trí giám sát hàng loạt cuộc điều tra chưa từng có tiền lệ đối với nhánh hành pháp của Mỹ nhưng bà vẫn tìm mọi cách có thể để phối hợp với Tổng thống Trump. Theo yêu cầu của Nhà Trắng, bà Pelosi đã thông qua dự luật biên giới trị giá 4,6 tỷ USD, trong đó cấp tài chính để xây dựng các trung tâm tạm giữ người nhập cư, sau đó đàm phán thỏa thuận ngân sách trong 2 năm để tăng chi tiêu quốc hội.

Nữ Chủ tịch Hạ viện còn nỗ lực để đạt một số thỏa thuận với ông Trump trong vấn đề giá thuốc và chi phí hạ tầng, dù không ít lần ông Trump bực tức bỏ ra khỏi cuộc họp. Trong hơn 300 dự luật mà Hạ viện thông qua và đã được đưa lên Thượng viện, có hơn 275 dự luật có sự đồng tình của lưỡng Đảng.

Hồi cuối tháng 12 vừa qua, bà Pelosi đã công bố các cáo buộc của Hạ viện về việc luận tội ông Trump và chỉ một giờ sau, bà công bố một thỏa thuận theo kế hoạch của Tổng thống nhằm cập nhật thêm vào Thỏa thuận Thương mại tự do Bắc Mỹ. Chỉ đơn cử vài sự kiện đó đã lột tả rất rõ những bước đi đầy rủi ro mà bà Pelosi phải trải qua trong năm qua. Thực chất về quyết định luận tội ông Trump, nữ Chủ tịch đã chần chừ rất lâu trước những lời kêu gọi cáo buộc Tổng thống Trump cho đến khi bê bối Ukraine buộc bà phải có hành động.

Cuối cùng, đến cuối năm nay, nữ Chủ tịch Hạ viện vẫn phải đối mặt với một bản luận tội gây chia rẽ đảng phái nhưng lại khó có thể trừng phạt mà bà vốn đã cố gắng né tránh. Bà Pelosi khẳng định, dù biết đã tự đẩy mình vào thế khó nhưng bà vẫn quyết định bởi “nếu không làm như vậy, hãy thử nghĩ xem dân chủ của nước Mỹ sẽ bị nhấn chìm xuống tới mức nào”.

Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi

img
Ông Narenda Modi. Ảnh: Time

Sau khi Đảng Bharatiya Janata của ông Modi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử kéo dài, ông Narenda Modi đã trở thành một trong những vị Thủ tướng quyền lực nhất của nước này.

Nắm trong tay quyền lực tập trung, chỉ 3 tháng sau, Thủ tướng Ấn Độ đã bác bỏ quyền tự trị được quy định trong hiến pháp của Kashmir - vùng có dân số đa phần là người Hồi giáo duy nhất tại Ấn Độ, áp đặt lệnh cấm vận và bắt giam nhiều lãnh đạo chính trị.

Chính phủ của ông Modi cũng thúc đẩy một số biện pháp mới cho phép việc bắt giam và trục xuất người Hồi giáo không thể chứng minh quyền công dân Ấn Độ, diễn ra nhanh hơn. Trong khi đó, ở nước ngoài, ông Modi vẫn duy trì hình ảnh một nhà cải tổ kinh tế theo chủ nghĩa dân túy.

Thủ tướng Pháp Emmanuel Macron

img
Ông Macron. Ảnh: Time

Bước qua năm 2019, ông Macron đi được nửa nhiệm kỳ Tổng thống kéo dài 5 năm. Trong bối cảnh các lãnh đạo kỳ cựu của châu Âu như Thủ tướng Đức Angela Merkel đang gần đến tuổi nghỉ hưu, lãnh đạo Anh còn mải mê tìm cách đưa vương quốc này ra khỏi liên minh châu Âu (Brexit), vị Tổng thống trẻ tuổi của Pháp nổi lên trở thành lãnh đạo quan trọng của châu Âu, đóng góp tiếng nói trong rất nhiều vấn đề xuyên quốc gia không chỉ châu lục này mà cả thế giới đang quan tâm như:

Tình hình biến đổi khí hậu, thương mại toàn cầu, các lệnh trừng phạt chống Iran, sự nổi lên của Trung Quốc.

Chẳng hạn, ngay cuối tháng 11 vừa qua, ông Macron mạnh mẽ tuyên bố NATO “bị chết não” nếu xét về mặt chức năng và một lần nữa cho rằng, EU cần phải tự thành lập liên minh quân sự.

Tại Bắc Kinh, cùng tháng đó, ông cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến cuộc duyệt binh của Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc, ký kết nhiều thỏa thuận về thương mại và chống biến đổi khí hậu. T.T

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.