Quản lý

5 tuyến đường nào ở TP.HCM xảy ra tai nạn giao thông nhiều nhất?

30/03/2019, 12:10

Trong 4 tháng đầu năm, trên 5 tuyến đường ở TP.HCM đã xảy ra 49 vụ tai nạn giao thông làm 47 người chết, 12 người bị thương.

img
Tuyến đường Xa lộ Hà Nội là một trong 5 địa điểm có tình hình giao thông phức tạp. Ảnh Đỗ Loan

Sáng 30/3, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an TP.HCM cho biết, trong 4 tháng đầu năm tình hình trật tự, ATGT trên địa bàn thành phố được duy trì ổn định. Các đơn vị trực thuộc Phòng đã quyết liệt thực hiện các giải pháp, qua đó góp phần kéo giảm được tai nạn giao thông so với cùng kỳ.

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông từ nay đến cuối năm 2019, Phòng đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc tiến hành rà soát và xác định những điểm, đoạn đường, tuyến đường thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông để từ đó xây dựng các phương án, các giải pháp nhằm kéo giảm tai nạn trên các địa bàn này. Qua đó, đơn vị đã xác định được 5 tuyến trọng điểm có tình hình giao thông phức tạp và tỷ lệ tai nạn giao thông xảy ra cao.

Cụ thể, các tuyến đường gồm: Quốc lộ 1, Quốc lộ 22, Xa Lộ Hà Nội, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt. Trong 4 tháng đầu năm, trên 5 tuyến đường này đã xảy ra 49 vụ TNGT từ ít nghiêm trọng trở lên, làm 47 người chết, 12 người bị thương. So với số liệu TNGT (từ ít nghiêm trọng trở lên) chung, 5 tuyến đường trọng điểm này chiếm tỷ lệ 49% về số vụ, 52% về số người chết và 46% về số người bị thương. Trên cơ sở đó, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, thành phố đã triển khai mở cao điểm thực hiện các giải pháp nhằm kéo giảm tai nạn giao thông trên tuyến 5 đường trên.

Thời gian thực hiện cao điểm gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ 25/3 đến 31/3): Tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chuẩn bị các nội dung phục vụ cho cao điểm. Giai đoạn 2 (từ 1/4 đến 15/5), đồng loạt ra quân thực hiện các giải pháp nhằm kéo giảm tai nạn giao thông.

Nội dung của kế hoạch tập trung kiểm tra, xử lý các đối tượng được xác định bao gồm: Người điều khiển xe ô tô (ô tô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa) và người điều khiển xe mô tô với các hành vi vi phạm phổ biến như: Vi phạm quy định nồng độ cồn, chất kích thích; xe ô tô chở hàng quá tải trọng cho phép; chạy quá tốc độ quy định; đi không đúng phần đường, làn đường; lưu thông đường cấm, khu vực cấm; chở quá số người quy định; không chấp hành tín hiệu giao thông, hiệu lệnh dừng xe; dừng, đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định; không đội mũ bảo hiểm (kể cả đối với xe đạp máy, xe máy điện); lạng lách, đánh võng đua xe trái phép; xe chở các loại thực phẩm bẩn vi phạm quy định về môi trường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.