Xã hội

80 xã đặc biệt khó khăn thoát nghèo

01/04/2016, 18:08

Đến hết năm 2015, có 80 xã đặc biệt khó khăn của 23 tỉnh hoàn thành mục tiêu của Chương trình 135.

23

80 xã đặc biệt khó khăn thoát nghèo - Ảnh minh họa

Trong 5 năm qua, ngân sách Nhà nước đã bố trí đầu tư 135.800 tỷ đồng (chiếm 12,8% kinh phí đầu tư cho nông nghiệp nông thôn) để thực hiện các chính sách ở vùng dân tộc và miền núi. Hệ thống chính sách dân tộc, trọng tâm là Chương trình 135 giai đoạn 3 thực hiện trên địa bàn 2.331 xã, 3.059 thôn, ở 415 xã biên giới và 190 xã ATK, đã đầu tư gần 20.000 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu (đường giao thông, điện sinh hoạt, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng và chợ nông thôn), góp phần phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của nhân dân, làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn vùng dân tộc và miền núi. Đến hết năm 2015, có 80 xã đặc biệt khó khăn của 23 tỉnh và 366 thôn bản của 30 tỉnh hoàn thành mục tiêu của Chương trình 135.

Tuy nhiên, một số chính sách chưa phù hợp với đặc thù vùng dân tộc và miền núi cũng như yêu cầu của thực tiễn; Chính sách ban hành trước và sau thiếu sự kết nối về nội dung; Chính sách thường có mục tiêu lớn, thời gian thực hiện ngắn, gắn với nhiệm kỳ nên hiệu quả chưa cao.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trong thời gian tới, Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành địa phương tiếp tục rà soát chính sách, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, xây dựng các chính sách mới, bảo đảm khả thi, phù hợp với nguồn lực và đặc thù vùng dân tộc và miền núi; Tăng cường nguồn lực, bố trí tập trung, không dàn trải, lồng ghép hiệu quả trong thực hiện; Công khai minh bạch; Khuyến khích sự tham gia, giám sát của cộng đồng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với nội dung và hình thức phù hợp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.