Chính trị

90 năm thành lập Đảng: Xử lý nghiêm sai phạm sẽ khiến dân thêm tin yêu Đảng

03/02/2020, 11:15

Khi đảng viên có sai phạm thì phải bị xử lý, việc xử lý này sẽ giúp Đảng mạnh lên, khiến nhân dân tin tưởng hơn.

img
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2 năm nay là sự kiện mở đầu cho chuỗi các sự kiện trọng đại của đất nước trong năm 2020.

Nhân dịp này, Báo Giao thông có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh để làm rõ hơn tầm vóc, ý nghĩa và những truyền thống quý báu, bài học kinh nghiệm trong suốt chặng đường cách mạng 90 năm qua của Đảng, nhất là 35 năm lãnh đạo sự nghiệp đổi mới đất nước.

Tiền đề để đi tới thắng lợi vĩ đại

Ông có cho rằng, sự kiện 90 năm Ngày thành lập Đảng đánh dấu một mốc son trong chặng đường cách mạng đầy gian khổ song cũng rất vinh quang của cả dân tộc trong gần một thế kỷ?

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chấm dứt tình trạng khủng hoảng, bế tắc về con đường cứu nước của dân tộc Việt Nam trước năm 1930.

Nhìn vào lịch sử, ta thấy những phong trào yêu nước trước năm 1930 đều thất bại, không tìm ra được hướng đi đúng đắn.

Khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã mở ra một thời kỳ mới của cánh mạng Việt Nam. Thời kỳ mới đó được ghi nhận ở các khía cạnh sau:

Đánh dấu sự trưởng thành của giai cấp công nhân, phong trào yêu nước Việt Nam chuyển từ tự phát sang tự giác, có được một tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng. Tổ chức đó được trang bị lý luận của Mác - Lê nin và tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, có một hệ thống tổ chức chặt chẽ để lãnh đạo phong trào cách mạng trên cả nước.

Cũng từ sự kiện thành lập thì Đảng có được Cương lĩnh chính trị đúng đắn, nhằm giải quyết cơ bản mâu thuẫn của xã hội. Đó là mâu thuẫn dân tộc (giữa dân tộc Việt Nam và Chủ nghĩa đế quốc Pháp), mâu thuẫn giai cấp (giữa công nhân với tư sản, giữa nông dân với địa chủ, phong kiến). Đảng đã đề ra mục tiêu giành độc lập cho dân tộc rồi đi tới xã hội cộng sản. Trước mắt là giành được độc lập, mang lại ruộng đất, lợi ích cho giai cấp nông dân (khi đó hơn 90% dân số nước ta là tầng lớp nông dân).

Với Cương lĩnh, đường lối đúng đắn này, sự kiện thành lập Đảng đã quy tụ, đoàn kết được toàn dân tộc từ đó tạo ra sức mạnh cần thiết để giành thắng lợi trong cuộc Cách mạng Tháng 8 sau này. Tiếp đến là giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống đế quốc, thực dân để đi đến độc lập, thống nhất hoàn toàn đất nước. Đặc biệt là công cuộc đổi mới từ năm 1986 đến nay đã tạo ra sự chuyển biến căn bản của đất nước. Như nhận định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “chưa bao giờ đất nước ta được cơ đồ như ngày hôm nay”.

Có thể thấy rằng sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã tạo ra tiền đề để đi tới thắng lợi vĩ đại của cánh mạng Việt Nam từ năm 1930 cho đến nay.

Ông có cho rằng thực tiễn cách mạng cũng như những thành quả mà đất nước đạt được đã minh chứng một điều: Đảng là nhân tố quyết định, bảo đảm mọi thắng lợi của cách mạng?

Đúng như vậy, toàn bộ thắng lợi của cách mạng Việt Nam từ năm 1930 đến nay, đặc biệt là ba thắng lợi vĩ đại mà Đảng đã tổng kết.

Thứ nhất thắng lợi cách mạng Tháng 8 năm 1945 mở ra kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc, kỷ nguyên độc lập và đi đến chủ nghĩa xã hội. Hai là cuộc cách mạng chống đế quốc, thực dân giành độc lập, thống nhất hoàn toàn. Ba là thắng lợi của công cuộc đổi mới.

Ba thắng lợi vĩ đại trên xuất phát từ nhiêu nguyên nhân, nhưng nổi bật nhất vẫn là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Sự lãnh đạo đúng đắn đó thể hiện ở các điểm sau:

Thứ nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam do Bác Hồ sáng lập được trang bị lý luận khoa học (Chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh). Phải có lý luận này soi đường thì mới có cơ sở xây dựng đường lối Cương lĩnh đúng đắn.

Thứ hai là Đảng có đường lối, Cương lĩnh đúng đắn. Từ Cương lĩnh tại Hội nghị thành lập Đảng, Cương lĩnh tháng 10/1930, Cương lĩnh tháng 2/1951 ở Đại hội 2, Cương lĩnh Đại hội 7 “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội" được bổ sung phát triển năm 2011,… Những Cương lĩnh ấy là định hướng chiến lược cho cách mạng đồng thời đã được Đảng ta cụ thể hóa thành đường lối. Khi Đảng nắm chính quyền thì đường lối đó đã cụ thể chế hóa thành chính sách, pháp luật của nhà nước.

Thứ ba là vai trò lãnh đạo của Đảng được thể hiện ở năng lực, tổ chức thực tiễn của hệ thống tổ chức Đảng từ trung ương đến cơ sở và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Từ đó mới hiện thực hóa được Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng.

Thứ tư là đạo đức, nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên có khả năng cảm hóa, quy tụ toàn bộ lực lượng của toàn dân tộc vào hành động chung, tạo ra đồng thuận, đoàn kết trong xã hội.

Cuối cùng là uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam trong dân tộc, nhân dân và trong quan hệ đối ngoại, quốc tế, từ đó tạo ra sức mạnh tổng hợp đi đến thắng lợi của cách mạng.

Có thể thấy rằng, toàn bộ thành quả của cách mạng đạt được như hiện nay thì đó chính là thước đo cho vai trò lãnh đạo đúng đắn của Đảng, đó cũng là thước đo uy tín của Đảng trong nhân dân.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu cách mạng trong thời kỳ mới thì niềm tin, sự đồng thuận và cổ vũ của nhân dân đối với Đảng chính là một trong những điều kiện quan trọng bậc nhất. Để giành được niềm tin và sự đồng thuận ấy, chắc chắn Đảng phải ý thức sâu sắc trọng trách của mình trước vận mệnh của đất nước, lợi ích của nhân dân, thấy được những nguy cơ và thách thức. Theo ông, những nguy cơ, thách thức lớn nhất hiện nay là gì?

Hiện nay ta đứng trước nhiều vận hội để phát triển, thế nước của ta đang lên, niềm tin của nhân dân với Đảng, tiềm lực, sức mạnh của đất nước chưa bao giờ được như hôm nay, nhất là sức mạnh kinh tế, quy mô của nền kinh tế ngày càng phát triển, tốc độ phát triển nằm trong top đầu khu vực và thế giới. Những yếu tố đó là cơ hội để ta bứt phá, phát triển.

Tình hình quốc tế tuy còn diễn biến phức tạp nhưng xu hướng chung là hòa bình, hữu nghị hợp tác giữa các nước. Uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được khẳng định, không những ở trong khu vực mà còn ở các diễn đàn quốc tế. Đấy là cơ hội để chúng ta đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng hơn.

Hiện nay ta tiếp thu được thành quả của cuộc cách mạng 4.0, cho phép phát triển tiềm năng khoa học công nghệ để thúc đẩy đất nước phát triển nhanh.

Đặc biệt đường lối, Cương lĩnh của Đảng đúng đắn, pháp luật của nhà nước ngày càng hoàn chỉnh, đời sống của nhân dân được cải thiện... Đây là những cơ hội rất thuận lợi để ta củng cố sức mạnh chính trị, kinh tế xã hội đất nước.

Bên cạnh đó vẫn còn có những nguy cơ, ví dụ như bốn nguy cơ mà Hội nghị giữa nhiệm kỳ năm 1994 nêu ra, đến nay vẫn còn tồn tại như: Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế, nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa, nguy cơ tham nhũng lãng phí, nguy cơ diễn biến hòa bình.

Những nguy cơ ấy vẫn tồn tại, thậm chí còn diễn biến phức tạp hơn như nguy cơ tham nhũng, lãng phí. Hiện nay còn có nguy cơ nữa cần chú ý đó là sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến tự chuyển hóa của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Ta phải tích cực đấu tranh, tích cực đẩy lùi những nguy cơ đó.

Thực tiễn cho thấy, những nguy cơ này đang được Đảng ta tích cực đẩy lùi, đặc biệt là cuộc đấu tranh chống tham nhũng do đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động và lãnh đạo, đã mang lại những kết quả tích cực.

Khắc phục khuyết điểm, củng cố lòng tin đối của nhân dân

Trong suốt hành trình cùng dân tộc, Đảng không phải không có những lúc sai lầm. Theo ông, điều quan trọng nhất sau mỗi sai lầm đó là gì? Phải chăng, một trong những nguy cơ hàng đầu đã được nhắc đến rất nhiều trong thời gian qua là sự biến chất, tha hóa của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên?

Quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam và Bác Hồ từ trước đến nay là không giấu giếm khuyết điểm. Khi mắc sai lầm khuyết điểm thì thành thật nhận lỗi trước dân, tìm ra nguyên nhân của những sai lầm và đề ra biện pháp khắc phục. Mỗi một lần khắc phục khuyết điểm đó thì lại củng cố lòng tin đối với nhân dân.

Ví dụ như sai lầm trong cải cách ruộng đất, chúng ta thừa nhận sai lầm và cương quyết sửa sai, sau đó nhân dân đã hoàn toàn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

Hay bây giờ chúng ta đã thẳng thắn thừa nhận có một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Đấy là tự phê bình khuyết điểm trong Đảng. Chúng ta cương quyết sửa chữa, loại bỏ những cán bộ, đảng viên có biểu hiện hư hỏng theo tinh thần Nghị quyết trung ương 4 khóa 12.

Như vậy, thái độ trước sai lầm, khuyết điểm, và sửa chữa thành công khuyết điểm cũng là cách để củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Những người thiếu bản lĩnh, thiếu trình độ năng lực thì mới sợ

Từ khóa XI và nhất là từ đầu nhiệm kỳ XII đến nay, Đảng đã luôn nêu cao quyết tâm diệt trừ tham nhũng, đẩy lùi tiêu cực để làm trong sạch bộ máy, lấy lại niềm tin của nhân dân. Hàng chục đại án đã được phanh phui, hàng chục cán bộ cấp cao bị xử lý... đã phần nào cho thấy điều đó. Ông kỳ vọng gì vào công cuộc “đốt lò” do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khởi xướng và lãnh đạo?

Theo tôi, chống tiêu cực tham nhũng, lãng phí đó là một xu hướng tất yếu, khách quan trong quá trình lãnh đạo của Đảng.

Những người tốt, tận tâm với đất nước với nhân dân là đa số, nhưng không tránh khỏi một số cá nhân mắc sai phạm. Mà mắc sai phạm thì phải xử lý, xử lý như vậy để giúp Đảng mạnh lên.

Kết quả của công cuộc phòng, chống tham nhũng vừa qua thì ta có cơ sở để tin rằng trong thời gian sắp tới xu hướng, quyết tâm chính trị cao của Đảng, sự đồng thuận của nhân dân thì chắc chắn cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng còn có hiệu quả hơn nữa. Đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân cả nước.

Nhưng cũng đã có ý kiến cho rằng, sự quyết liệt trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực vừa qua cộng với việc nhiều lãnh đạo, kể cả lãnh đạo cấp cao vướng vòng lao lý đang tạo ra tâm lý “sợ sai, không dám làm gì”, khiến công cuộc phát triển kinh tế chậm lại. Quan điểm của ông thế nào?

Những người thiếu bản lĩnh, thiếu trình độ năng lực thì mới sợ thôi, còn những cán bộ có đủ trình độ, năng lực, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì người ta không bao giờ sợ.

Còn nếu ai mà sợ thì không làm nữa, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói “ai chùn tay thì đứng ra một bên cho người khác làm”. Trong lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội cũng giống trong chống tham nhũng tiêu cực, cá nhân, tổ chức nào không thể hiện trách nhiệm của mình, không dám làm, tìm cách “hạ cánh an toàn” thì “xin đứng ra một bên”. Đúng như quan điểm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.

Trong quá trình sàng lọc như hiện nay thì chúng ta sẽ tìm ra được những cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất, đạo đức, bản lĩnh để dám làm, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân.

Kiểm soát quyền lực sẽ chống chạy chức, chạy quyền

Hàng loạt quy định đã được Đảng ban hành, trong đó có Quy định nêu gương, quy định kiểm soát quyền lực, chống chạy chức chạy quyền trong công tác cán bộ... Ông kỳ vọng gì vào những quy định này? Để thực hiện nghiêm túc, đem lại hiệu quả cao nhất, thực chất nhất trong thực tế, theo ông chúng ta cần làm gì, có cơ chế giám sát như thế nào?

Đó là những quy định rất cần thiết để có cơ sở pháp lý, ví dụ như quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cao cấp. Hay gần đây là Chỉ thị 28 về sàng lọc, nâng cao đội ngũ Đảng viên. Đặc biệt là Quy định 205 ngày 23/9/2019 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền.

Theo tôi, đấy là những văn bản pháp lý rất cần thiết để toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị làm theo. Nếu thực hiện tốt thì sẽ đẩy lùi tiêu cực, nhất là tiêu cực trong công tác cán bộ, sẽ ngăn chặn được chạy chức, chạy quyền, từ đó lựa chọn được đội ngũ cán bộ ưu tú, đủ năng lực, phẩm chất đạo đức, uy tín để hoàn thành nhiệm vụ ở nhiệm kỳ tới.

Thời gian qua, việc sắp xếp tinh gọn bộ máy đã được Đảng quan tâm và đưa ra nhiều chủ trương quyết sách rất hợp lòng dân. Theo ông, để việc sắp xếp bộ máy một cách thực chất, tránh cơ học, lựa chọn được những người xứng đáng, cần phải lưu ý những gì?

Gốc của vấn đề vẫn là lựa chọn cán bộ, bởi vì cán bộ gắn với tổ chức. Có khi sắp xếp tổ chức tinh gọn nhưng vẫn không lựa chọn được cán bộ xứng đáng thì bộ máy đó có thể vẫn trì trệ. Vì vậy, phải đồng bộ hai vấn đề, sắp xếp bộ máy tinh gọn và công tác lựa chọn cán bộ.

Với tinh thần như là Hội nghị Trung ương 6 nêu “một tổ chức làm nhiều việc”, nhưng bây giờ có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm “nhiều người, nhiều tổ chức làm một việc”. Bây giờ phải chuyển sang quan điểm “một người phải làm nhiều việc”, phải làm tốt nhiều việc đó, một cơ quan, tổ chức phải có nhiều chức năng, nhiều nhiệm vụ mà phải hoàn thành tốt những nhiệm vụ đó.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.