Xã hội

Ai đứng sau nhóm người mua cá chết nhiễm độc? (Bài 1)

27/04/2016, 14:28
image

Dù cá nhiễm độc, người ăn vào phải đi cấp cứu nhưng thương lái vẫn thu mua. Họ mua với động cơ gì?

muacachet

Người dân nhận ra bà Xuân một người tham gia thu mua cá ở bãi Đá Nhảy ngày 24/4

Sau rất nhiều công sức, cuối cùng PV Báo Giao thông cũng lần ra manh mối những người đứng ra thu mua cá nhiễm độc chết ở Quảng Bình. Kết quả không khác những gì chúng tôi dự doán trước đó. 

Biết cá nhiễm độc nguy hiểm, dân vẫn vớt bán

Ngày 26 và 27/4, từ manh mối ít ỏi của người dân bãi Đá Nhảy cung cấp, chúng tôi tìm về các thôn của xã Thanh Trạch huyện Bố Trạch, nơi những người thu gom cá đang sinh sống. Tại đây câu chuyện về cá chết, thu mua cá chết được người dân giấu kín như bưng. Hầu hết mọi người đều tỏ ra sợ hãi khi nói về việc làm sai trái của mình. Có người còn lo lỡ nói ra sẽ bị chính quyền đến bắt đi.

Phải mất rất nhiều thời gian thuyết phục chúng tôi mới được người dân chia sẻ những thông tin đầu tiên. Theo những người dân địa phương, cá chết đã diễn ra từ hơn nửa tháng nay, nhưng số lượng chết dạt bờ cứ rải rác, duy chỉ 2 đợt là ngày 19 – 20/4 và ngày 22 – 24/4, cá chết nhiều nhất. Lúc này có người đưa xe đông lạnh tới mua cá số lượng lớn nên người dân mới đổ xô đi vớt.

DSC_5166

Cá biển được dân buôn mua bán tấp nập tại cảng cá Sông Gianh

Bà Hoàng Thị Hay (68 tuổi, thôn Thanh Hải) cho biết: Bữa ngày 23 – 24/4 cá nổi trắng bờ biển. Toàn là cá nục với cá trai không thôi. Cá không chết hẳn mà cứ lập lờ mặt nước. Thấy vậy, hàng trăm người dân trong làng, trai gái, già trẻ lớn bé đều đổ hết ra biển vớt cá bán. 

Bà Hay kể: Bữa đó người buôn cá về nhiều, họ cứ đứng ở bờ biển chờ. Dân mình vớt bao nhiêu lên họ phân loại, cân trả tiền ngay. Cá đục thì 40 nghìn đồng/kg, cá chai thì 10 – 20 nghìn/kg, cá tạp thì 5 nghìn/kg. To nhỏ, sống chết họ cân tất, miễn chưa thối là được.

Nhờ việc vớt cá mà nhiều người trong làng kiếm được tiền triệu, tuổi già sức yếu như bà Hay cũng vớt bán được hơn 300 nghìn đồng. Tuy nhiên bà Hay cho biết: Bữa đó đi về bị con cháu mắng ghê lắm, nói già mà ham. Giờ nghĩ cũng dại, nước độc thế mà đàn ông đàn bà lao xuống ráo. Cứ lội ngang bụng ngang ngực rồi vớt cá.

Điều đáng buồn hơn, qua lời kể của những người dân, chúng tôi biết rằng trước khi vớt cá họ đã biết rõ về sự độc hại của nước và cá nhiễm độc. Ông Phan Văn Đức – cán bộ môi trường xã kể: "Bữa trước (cách đây hơn 1 tuần –PV) trong thôn Thanh Khê có ông Trương Vẹo ăn cá nhiễm độc phải nhập viện cấp cứu 5 ngày. Sau đó lại có, chị Phúc,  thôn Thanh Hải, cũng phải nhập viện do ăn phải cá biển nhiễm độc. Rồi cả chó trong làng ăn xác cá nhiễm độc cũng lăn đùng ra chết".

Ai đứng sau nhóm người thu mua cá chết?

Qua lời bà Hay, chúng tôi tìm đến cháu của bà, anh Nguyễn Văn Trường - một chủ cơ sở chuyên chế biến sứa, người từng tham gia thu mua cá. Anh Trường cho biết: "Thực tình nói là em thu mua cá chết là không đúng. Em chủ yếu mua cá còn sống, cá mắc lưới của những người đi thuyền thả lưới gần bờ. Sau đó, về phân loại đổ cân cho đầu mối lớn hơn ăn chênh giá làm lời thôi. Hôm qua, các bác chính quyền và cả công an cũng tới cơ sở em nói em thu mua cá chết. Đâu phải! Em gỡ cá lưới đó chứ. Việc này ai cấm đâu?”.

DSC_5171

Các cơ sở thu mua cá nghi nhiễm độc giờ trong tình trạng cửa đóng then cài.

Tuy nhiên ngay trong sáng 27/4 khi chúng tôi đến cơ sở này thì đã không còn cảnh thu mua tấp nập như những ngày hôm trước. Tất cả các hoạt động đều đã dừng hẳn, ngay cả việc làm sứa cũng không thấy. Một bà cụ già có mặt tại cơ sở này cho biết, năm nay biển nhiễm độc có sứa nữa mô. Hôm qua xã vào không cho thu mua cá nên tụi nó nghỉ cả rồi.

Cảnh cửa đóng then cài cũng diễn ra tương tự tại 2 cơ sở khác ở thôn Thanh Quang là cơ sở thu mua hải sản của Công ty TNHH Hà Linh và Công ty TNHH DV-TM Thanh Quang. Theo lời một vị cán bộ xã Thanh Trạch, tại khu vực này chiều 26/4 vẫn còn diễn ra cảnh tượng mua cá nổi gần bờ, dù xã đã nhắc nhở từ trước.

Tiếp tục lần theo đầu mối các thương lái, chúng tôi đến Cảng cá sông Gianh, nơi được cho là có địa điểm bán cá của tất cả các thương lái kể trên. Tại đây, khi chúng tôi tìm hiểu, rất nhiều người lập tức né tránh, rồi nhanh chóng lẩn trốn. May mắn chúng tôi được tìm được vài người nhiệt tình chỉ tận nơi thu mua loại cá nghi nhiễm độc. Đó là cơ sở thu mua cá của Công ty TNHH – TMTH Phước Sang - một đơn vị thu mua hải sản lớn tại Quảng Bình.

Tại khu vực, thu mua sản phẩm của đơn vị này luôn có đội ngũ người lao động đông đảo sẵn sàng hỗ trợ những ngư dân, thương lái đưa cá vào cân và cấp đông trong thùng xốp. Tuy nhiên, trong buổi sáng chúng tôi không thấy cơ sở này thu mua bất cứ loại cá gần bờ nào. Tất cả các loại cá được nhập đều là cá đánh bắt xa bờ của thuyền lớn. Qua trao đổi, ông Nguyễn Khánh Thành – Chủ kho hàng của công ty Phước Sang cho biết: Mấy ngày trước thì chúng tôi nhập tất cả các loại cá. Cứ tươi là cân tính tiền. Còn từ chiều qua đến giờ, sau khi huyện xã về chỉ đạo dừng thu mua, chúng tôi đã không thu mua cá, hải sản gần bờ nữa.

Cũng theo ông Thành, toàn bộ số cá nhập hôm trước (cá gần bờ, cá nghi nhiễm độc – PV) đã được đóng thùng cho xe chở đi hôm qua rồi. Chủ một số cơ sở thu mua cá cũng tiết lộ thông tin về người mua cá và hành trình của số cá này. 

PV Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin thêm về vụ việc!

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.